Cách đây 3 tháng, Google đã nhận án phạt kỷ lục với số tiền lên tới 5 tỷ USD từ Ủy ban châu Âu. Công ty này bị cáo buộc đã vi phạm luật chống độc quyền bằng cách ép các nhà sản xuất smartphone như Samsung, Huawei phải sử dụng các phần mềm cài sẵn như Google Maps hoặc Google Search.
Mặc dù đang trong quá trình kháng án, Google bắt buộc phải thay đổi cách thức kinh doanh tại châu Âu nếu không muốn nhận thêm các hình phạt trong tương lai. Vừa qua họ đã công bố trên blog chính thức là sẽ bắt đầu thu phí sử dụng ứng dụng trên Android từ các nhà sản xuất smartphone.
Cụ thể, Google cho biết họ sẽ đưa ra một hình thức thu phí mới, và các hãng sử dụng phần mềm của họ đều sẽ phải trả một mức phí. Tuy nhiên công ty này chưa đưa ra chi tiết những phần mềm nào sẽ thuộc dạng trả phí, và mức phí các hãng phải trả là bao nhiêu. Họ chỉ đề cập là sẽ bán bản quyền sử dụng cho các công ty châu Âu muốn tích hợp sẵn ứng dụng Google Search và trình duyệt Chrome.
Theo New York Times, Google có thể sẽ bán một gói phần mềm gồm những ứng dụng cơ bản của hãng như cửa hàng ứng dụng Google Play, Gmail, YouTube và Google Maps. Trước đó, những ứng dụng này được cài sẵn trên mọi điện thoại Android được bán ra, trừ một số thị trường như Trung Quốc, nơi Google không còn hoạt động chính thức.
Từ trước tới nay, mô hình kinh doanh quen thuộc của Google là cung cấp một dịch vụ hay tiện ích “miễn phí” cho người dùng, đổi lại họ sẽ lấy dữ liệu từ người dùng cho mục đích bán quảng cáo. Do vậy, Business Insider đánh giá đây chỉ là một bước đi bắt buộc để tuân theo đạo luật mới từ châu Âu, không phải là cách làm mà Google mong muốn.
Đối với hệ điều hành Android, Google cho phép các nhà sản xuất sử dụng phần nền của hệ điều hành Android, hay còn gọi là AOSP, miễn phí. Tuy nhiên để có quyền truy cập kho ứng dụng Google Play, các hãng phải đồng ý cài đặt sẵn gói phần mềm của Google, bao gồm Google Search và Chrome.
Vào tháng 7 vừa qua, các quan chức EU kết luận Google đã lợi dụng thị phần của Android, vi phạm luật cạnh tranh. Bên cạnh khoản phạt 5 tỷ USD, EU yêu cầu Google không được ép các nhà sản xuất cài đặt sẵn gói ứng dụng Google, vì hành vi này sẽ khiến cho các đối thủ của Google khó tiếp cận người dùng.
Khi mô hình mới được áp dụng vào ngày 29/10, các nhà sản xuất có thể được lựa chọn từng ứng dụng của Google để cài đặt sẵn, kết hợp với các ứng dụng của hãng khác. Ví dụ, họ có thể chọn sử dụng Google Maps và Google Play nhưng lại cài đặt trình duyệt Opera thay vì bắt buộc phải cài sẵn Chrome như trước đây.
Hiện tại, nhiều hãng vẫn đang bán smartphone sử dụng hệ điều hành Android, tuy nhiên không cài sẵn bất kỳ dịch vụ nào của Google. Các hãng Trung Quốc như Xiaomi, Oppo hay Huawei đều có phiên bản dành riêng cho thị trường trong nước, sử dụng các dịch vụ của Trung Quốc. Dòng máy tính bảng Fire của Amazon cũng dùng dịch vụ của họ thay cho Google.