Cùng dự có đại diện Cục Hợp tác quốc tế, Cục Công nghệ Thông tin, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, Hà Nội.
Về phía Google có ông Marc Woo - Giám đốc điều hành phụ trách Google Châu Á - Thái Bình Dương; ông Victor Lam - Trưởng chương trình bán hàng Google for Education; ông Keane Nguyễn - Giám đốc quản lý đối tác cấp cao Google.
Tại buổi làm việc, ông Marc Woo - Giám đốc điều hành phụ trách Google Châu Á - Thái Bình Dương - cho biết: Thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn Covid-19, Google đã hợp tác, triển khai nhiều dự án, giải pháp liên quan đến công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo.
Cụ thể, Google đã triển khai thí điểm mô hình lớp học Google (Google Classroom) tại quận Ba Đình và hệ thống Vinschool; phối hợp với Samsung triển khai dự án máy tính Google Chromebook cung cấp cho một số trường học, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy trong các nhà trường.

Google thông qua các đối tác đã tập huấn cho hơn 8.000 giáo viên Việt Nam về trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, Google sẵn sàng cung cấp cho toàn bộ học sinh, giáo viên tại Việt Nam tài khoản truy cập miễn phí gói giải pháp Google Works, Google Space, Google Classroom.
Theo ông Marc Woo, Việt Nam là nước có dân số trẻ, có tiềm năng công nghệ thông tin rất lớn. Để phối hợp hai bên hiệu quả hơn nữa, Google mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ những hỗ trợ sau khi thực hiện thí điểm một số mô hình, giải pháp, xây dựng thành nền tảng, hệ thống với mục tiêu nhân rộng trên toàn quốc.
Theo đó, Google đề xuất giải pháp tổng thể gồm 3 bước, từ tạo tài khoản thiết bị, phát triển nội dung số cho giáo viên học sinh. Ở bước 1, Google hỗ trợ các thiết bị truy cập. Bước 2, hỗ trợ nâng cao năng lực sử dụng hệ thống. Bước 3 là cá nhân hóa, đảm bảo học sinh, giáo viên có nội dung học tập tốt nhất.
Hệ thống giải pháp của Google sẽ tích hợp các công cụ, gắn liền với những tài liệu, chương trình, sách giáo khoa tiếng Việt, các nền tảng dữ liệu khác nhau để có thể phát triển tiếng Việt trên nền tảng trí tuệ nhân tạo AI, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, giáo viên Việt Nam.

Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, chuyển đổi số là xu thế toàn cầu và là lĩnh vực được Việt Nam đặc biệt quan tâm thúc đẩy, triển khai thực hiện. Trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong quá trình chuyển đổi số. Mới đây nhất, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư quy định khung năng lực số cho người học, trong đó yêu cầu về năng lực trí tuệ nhân tạo.
Thứ trưởng nhấn mạnh, mục đích quan trọng nhất của chuyển đổi số trong giáo dục là hướng đến hỗ trợ học sinh học tập hiệu quả nhất, hỗ trợ giáo viên giảng dạy tốt nhất. Là tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Google có thể giúp Bộ GD&ĐT xây dựng một nền tảng (platform) thống nhất toàn quốc, là nơi để Bộ điều phối, lập các tài khoản.
Tiếp theo, Google sẽ tích hợp các công cụ trí tuệ nhân tạo gắn với chương trình, sách giáo khoa được giảng dạy tại Việt Nam. Điều này vừa giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy tại các trường học, vừa giúp hệ thống trí tuệ nhân tạo của Google "thông minh hơn" do có thêm nhiều dữ liệu khoa học, chính thống.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, thông qua nền tảng được triển khai thống nhất toàn quốc sẽ giúp phát huy tính hiệu quả của cộng đồng học tập, hình thành những cộng đồng để giáo viên và học sinh có thể kết nối, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau. Điều này đã được phát huy rất tốt trong thời gian dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tiếp tục sẽ là xu thế phát triển trong tương lai.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về các nội dung, xây dựng nền tảng, triển khai hệ thống, trách nhiệm của các bên tham gia, kinh nghiệm triển khai tại các quốc gia trên thế giới.