(GD&TĐ)-Báo Giáo dục & Thời đại Online giới thiệu hướng dẫn giải đề thi CĐ môn Lịch sử (khối C) do các thầy cô trung tâm hocmai.vn thực hiện. Đáp án này chỉ có tính chất tham khảo. Đáp án chính thức sẽ được Bộ GD&ĐT công bố sau mỗi đợt thi.
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH (7,0 điểm)
Câu I (3,0 điểm)
a. Những sự kiện từ đầu những năm 70 - cuối những năm 80 của thế kỉ XX chứng tỏ sự hòa hoãn giữa hai phe TBCN và XHCN:
Từ đầu những năm 70 của thế kỉ XX đã diễn ra những cuộc gặp gỡ thương lượng giữa hai phe TBCN – XHCN như
- 9 – 11- 1972, hai nước Cộng hòa Dân chủ Đức và CHLB Đức đã kí kết tại Bon Hiệp định về những cơ sở của quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức.
- 1972: hai siêu cường Liên Xô và Mĩ thỏa thuận về việc hạn chế vũ khí chiến lược và kí Hiệp ước về hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa (ABM). Và ngày 26 – 5 – 1972, kí Hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (SALT - 1).
- 8 – 1975, 33 nước châu Âu cùng Mĩ và Canađa kí Định ước Henxinki tuyên bố khẳng định những nguyên tắc trong quan hệ giữa các quốc gia (như bình đẳng, chủ quyền, sự bền vững của đường biên giới, giải quyết bằng phương pháp hòa bình các tranh chấp…) nhằm đảm bảo an ninh châu Âu và sự hợp tác các nước.
- Hai siêu cường Xô-Mĩ diễn ra những cuộc gặp gỡ cấp cao điển hình là cuộc gặp gỡ không chính thức tại đảo Man-ta (12 - 1989) giữa M.Goocbachôp và G.Busơ (cha) đã chính thức cùng tuyên bố chấm dứt cục diện Chiến tranh lạnh.
b. Quan hệ giữa các nước Đông Dương và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thay đổi như sau:
- Đầu thập kỉ 70, vẫn là quan hệ đối đầu nhưng có phần hòa dịu, các nước Đông Dương đã bắt đầu thiết lập quan hệ với một số nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
- Cuối thập kỉ 70 đến giữa thập kỉ 80 của thế kỉ XX, tình hình lại trở nên căng thẳng do vấn đề Việt Nam – Cam-pu-chia.
- Từ cuối những năm 80: khi vấn đề Cam-pu- chia được giải quyết thì quan hệ Đông Dương – ASEAN bắt đầu chuyển sang quan hệ hợp tác.
Câu II (2,0 điểm): Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của Cách mạng Việt Nam vì
- Chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối, giai cấp lãnh đạo cách mạng. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng mà đã giải quyết những vấn đề cốt tử của cách mạng Việt Nam.
- Đảng ra đời đã đề ra con đường đi đúng đắn cho cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng tư sản dân quyền sau đó là cách mạng ruộng đất và đi tới xã hội cộng sản.
- Xác định đúng đắn kẻ thù cơ bản của cách mạng Việt Nam đó là đế quốc Pháp và phong kiến tay sai, từ đó nêu lên nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là đánh Pháp giành độc lập, đánh phong kiến giành ruộng đất dân cày.
- Xác định được những lực lượng cơ bản của cách mạng Việt Nam trong đó động lực là công nhân và nông dân, ngoài ra còn nhìn thấy khả năng cách mạng của các giai cấp từ đó đoàn kết xây dựng lực lượng hùng hậu, đánh kẻ thù của cách mạng.
- Đề ra phương pháp đấu tranh đúng đắn, phương pháp cách mạng bằng bạo lực của quần chúng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác Lê-nin, xây dựng được lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8 – 1945.
- Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Thấy được mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, từ đó tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế, kết hợp được sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần đánh thắng mọi kẻ thù.
Đảng ra đời là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên cho những thắng lợi về sau của Cách mạng Việt Nam.
Câu 3 (2,0 điểm)
a. Phương hướng chiến lược của Bộ Chính trị BCH TW ĐCS Việt Nam trong đông xuân 1953 – 1954.
Căn cứ vào nội dung kế hoạch Na-va, so sánh tình hình lực lượng ta và địch sau 9 năm kháng chiến, tháng 9 – 1953, Hội nghị Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra kế hoạch quân sự của ta trong đông xuân 1953 – 1954 là
- Phương hướng chiến lược “Tập trung lực lượng mở những cuộc tấn công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ, do phải phân tán lực lượng mà tạo ra cho ta những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt thêm từng bộ phận sinh lực của chúng.
- Phương châm chiến lược: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì đánh cho kì được, không chắc thắng thì nhất quyết không đánh.
b. Nhận xét
- Thể hiện sự sáng tạo trong quan điểm chỉ đạo chiến lược của Đảng trong đông xuân 1953 – 1954 khi tình hình có thay đổi.
- Chủ trương của Đảng đã tạo điều kiện cho ta mở hàng loạt các hoạt động quân sự trong đông xuân 1953 – 1954, từng bước làm phá sản kế hoạch Na-va và đưa đến thắng lợi của chiến dịch Lịch sử Điện Biên Phủ (5 - 1954) và sự toàn thắng của kháng chiến chống Pháp.
PHẦN RIÊNG (3,0 điểm)
Câu IV.a. Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm)
Quá trình thống nhất đất nước về mặt nhà nước sau khi Miền Nam Việt Nam giải phóng.
- Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, Tổ quốc Việt Nam mới được thống nhất về lãnh thổ song ở mỗi miền vẫn tồn tại hình thức tổ chức nhà nước khác nhau. Để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai miền, Hội nghị lần thứ 24 – BCH Trung ương Đảng (9 - 1975) đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Nghị quyết nêu rõ “ Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển ccáh mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”.
- Từ 15 đến 21 – 11- 1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại Sài Gòn với đại diện của hai miền. Hội nghị nhất trí hoàn toàn chủ trương, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt nhà nước.
- 25 – 4 – 1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tiến hành trong cả nước với hơn 23 triệu cử tri (chiếm 98,8% số cử tri) đi bỏ phiếu, bầu được 492 đại biểu.
- Từ ngày 24 – 6 đến 3 – 7 – 1976, Quốc hội khóa VI của nước Việt Nam thống nhất đã họp kì đầu tiên ở Hà Nội. trong đó quyết định:
+ Quốc hội thông qua chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước Việt Nam thống nhất.
+ Đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
+ Quyết định Quốc kì (Lá cờ đỏ sao vàng), Quốc huy, Quốc ca (Tiến quân ca)
+ Thủ đô là Hà Nội, đổi Sài Gòn – Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh.
+ bầu các cơ quan, chức vụ lãnh đạo cao nhất của nước CHXHCNVN, bầu Ban dự thảo Hiến pháp.
Kết quả của kì họp thứ nhất Quốc hội khóa VI, công việc thống nhất đất nước về mặt nhà nước đã được hoàn thành.
Câu IV.b Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm)
a. Kể tên các hình thức tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất do Đảng cộng sản Đông Dương thành lập từ năm 1936 – 1945.
- Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương (Mặt trận dân chủ Đông Dương) (1936 - 1939)
- Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (Mặt trận Phản đế Đông Dương) thay cho Mặt trận dân chủ Đông Dương (11 – 1939 - 1941).
- Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh) thay cho Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (5 /1941 - 1945).
b. Tổ chức có vai trò quan trọng trực tiếp với thành công của CM tháng 8 – 1945: Mặt trận Việt Minh:
- Xây dựng lực lượng cách mạng: lực lượng chính trị hùng hậu và lực lượng vũ trang: phát triển đội du kích Bắc Sơn, chọn Cao Bằng là nơi thí điểm xây dựng các hội cứu quốc trong mặt trận Việt Minh…, ra chỉ thị “sửa soạn khởi nghĩa”, kêu gọi nhân dân sẵm vũ khí, đuổi thù chung, thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân.
- Xây dựng căn cứ địa: Bắc Sơn – Võ Nhai, Cao - Bắc – Lang, Hà – Tuyên - Thái
- Lãnh đạo cao trào kháng Nhật cứu nước, phá kho thóc Nhật .
- Rải truyền đơn tuyên truyền đường lối, chính sách của Việt Minh đến nhân dân, chuẩn bị mọi mặt tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
- Triệu tập thành công quốc dân Đại hội Tân Trào, ra bản hịch kêu gọi nhân dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền
- Thực hiện chức năng của 1 chính quyền nhà nước khi chúng ta chưa giành được chính quyền.
Giáo viên : Tổ Lịch sử Hocmai.vn
TIN LIÊN QUAN |
---|