Gợi ý giải đề môn Ngữ văn

Gợi ý giải đề môn Ngữ văn

GD&TĐ)-Báo GD&TĐ Online giới thiệu gợi ý giải đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2011 của TS.Trịnh Thu Tuyết – giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).

>>>Đề thi ngữ văn không khó nhưng hơi bất ngờ

Thí sinh tại Hội đồng thi trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) sau môn thi Ngữ Văn (sáng 2/6). Ảnh: gdtd.vn
Thí sinh tại Hội đồng thi trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) sau môn thi Ngữ Văn (sáng 2/6). Ảnh: gdtd.vn

Câu 1:

- Hình ảnh Phùng nhìn thấy mỗi khi ngắm kĩ và nhìn lâu hơn là: “... màu hồng hồng của ánh sương mai...và thấy người đàn bà ấy bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông”.

- Hai hình ảnh ấy gắn với hai phát hiện của Phùng trong tác phẩm:

+ Phát hiện về Cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh, vẻ đẹp từng đưa đến cho Phùng những cảm xúc mãnh liệt, những khoảnh khắc tràn ngập hạnh phúc cho người nghệ sĩ, anh thấy bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào, thậm chí nghệ sĩ còn như phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức, anh như vừa khám phá thấy chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn. Và khoảnh khắc gặp gỡ kì diệu giữa một tâm hồn nghệ sĩ say mê cái đẹp với bức tranh thiên nhiên toàn bích khi chiếc thuyền được nhìn từ ngoài xa, qua làn sương mù huyền ảo đã giúp Phùng có được một tác phẩm mà mãi mãi về sau…vẫn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật.

+ Phát hiện thứ hai là bi kịch gia đình của người đàn bà hàng chài, những con người bị con người bị cầm tù bởi cuộc sống đói nghèo, tăm tối và bạo lực. Phát hiện này đã khiến Phùng ngạc nhiên, kinh hoàng và phẫn nộ.

 - Hai hình ảnh nối tiếp nhau như sự vận động của nhận thức, đưa đến thông điệp tư tưởng và nghệ thuật cho tác phẩm:

+ Trước hết là thông điệp về cách nhìn cuộc sống:  Không thể có cái nhìn đơn giản, một chiều, hời hợt với cuộc sống con người.

*  CTNX nhìn rất đẹp, rất thơ mộng, lãng mạn, nhưng khi nó đến gần, cũng chiếc thuyền ấy lại hàm chứa những sự thật xấu xa, độc ác. Từ sự đối lập giữa cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh với hiện thực phũ phàng, tàn nhẫn của cuộc sống, nhà văn cho thấy không phải bao giờ cái đẹp cũng thống nhất với cái thiện, không phải bao giờ cái bên ngoài cũng là sự thể hiện bản chất thật bên trong. Vì vậy, muốn hiểu đúng về cuộc sống, con người, phải có cái nhìn thấu đáo, toàn diện, sâu sắc từ nhiều góc độ, không thể nhận xét, đánh giá đơn giản, dễ dãi căn cứ vào kết quả cảm tính của cái nhìn hời hợt, nông cạn ở bên ngoài sự vật, sự việc. CTNX đã xua tan làn khói lãng mạn phủ lên hình ảnh đã trở nên quen thuộc về một ngư phủ dưới cánh buồm mờ ảo trong không gian xa rộng của biển cả ( I. Nikulin-1988).

* Không chỉ đưa ra thông điệp về cái nhìn toàn diện, sâu sắc với cuộc sống, tình huống truyện còn đưa đến một nhận thức quan trọng: để giải phóng con người khỏi cảnh đau khổ tăm tối phải có những biện pháp thiết thực mang tính toàn xã hội chứ không phải chỉ bằng những lí thuyết đẹp đẽ mà xa rời thực tiễn, những phương cách cực đoan duy ý chí.

+ Tình huống còn đưa đến một thông điệp quan trọng về trách nhiệm của người nghệ sĩ với nghệ thuật và con người: Không thể tách rời nghệ thuật với hiện thực cuộc sống con người; hãy rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật với hiện thực cuộc đời; nghệ thuật đích thực luôn gắn bó khăng khít với cuộc sống, nghệ sĩ phải có tấm lòng nhân ái, có tình thương yêu sâu nặng với con người, biết trăn trở cho số phận con người, có bản lĩnh trung thực để khám phá những hiện thực dẫu là tàn nhẫn của cuộc sống con người.

Câu 2:

a. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài nghị luận xã hội. Kết cấu bài chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

b. Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần thể hiện những suy nghĩ chân thành, thiết thực, chặt chẽ và thuyết phục.

Có thể làm rõ vấn đề theo một số ý sau đây về quan niệm: Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được con đường đúng cho mình

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vai trò quyết định của bản thân với tương lai cuộc đời mình.

- Giới hạn vấn đề: con đường tới tương lai có nhiều ý nghĩa, học sinh có thể giới hạn cụ thể trong việc định hướng ước mơ, lựa chọn nghề nghiệp, con đường học vấn...

- Nêu những biểu hiện thực tế của một bộ phận không nhỏ thanh niên ngày nay khi chọn nghề, chọn trường theo thị hiếu xã hội, theo sự định hướng hoặc lập trình của thầy cô, cha mẹ, sự tác động của dư luận khách quan...Chỉ rõ tác hại của thực trạng nói trên với cuộc đời mỗi con người.

- Lí giải vấn đề: Khẳng định vai trò cá nhân trong việc lựa chọn con đường đi cho tương lai của mình: vì chỉ có mình mới hiểu rõ nhất năng lực, sở trường, sở đoản, hứng thú hoặc điều kiện của mình...

- Bàn luận vấn đề: cần có sự tham khảo nhất định những ý kiến khách quan từ gia đinh, nhà trường, xã hội...để có sự thành công trong tương lai.

- Rút ra bài học cho bản thân.

Câu 3.a.

- Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, phân tích được những giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. Kết cấu bài viết chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
 
- Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần làm rõ những ý chính sau đây:

+ Giới thiệu những ý chính về tác giả, tác phẩm.

+ Giới thiệu khái quát về vị trí và nội dung của đoạn thơ: Cả bài thơ là nỗi nhớ tha thiết của Quang Dũng (QD) hướng về những kí niệm không thể nào quên với miền Tây và trung đoàn Tây Tiến (TT). Trong 14 câu đầu, nỗi nhớ ấy chủ yếu hướng về chặng đường hành quân gian nan vất vả của đoàn quân TT qua vùng rừng núi miền tây.

+ Nêu được những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật: Với sự kết hợp uyển chuyển giữa bút pháp hiện thực và cảm hứng lãng mạn, giữa chất họa và chất nhạc, 14 câu  thơ đầu trong bài thơ TT của QD đã tái hiện sinh động và gợi cảm về một vùng đất hiểm trở, khắc nghiệt mà thơ mộng kì thú gắn liền với chặng đường hành quân của những chiến sĩ TT. Qua những kỉ niệm hiện lên trong nỗi nhớ da diết về quá khứ, QD đã thể hiện chân thực bức chân dung của những người lính TT  kiêu dũng và hào hoa.

Câu 3.b.

 Biết cách làm bài văn nghị luận phân tích một nhân vật văn học. Kết cấu bài chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần làm rõ những ý chính sau đây:

- Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu nhân vật Tràng: Đây là một trong ba nhân vật chính của truyện ngắn, cũng là chủ thể của hành động nhặt vợ hi hữu và cảm động, Tràng đã được Kim Lân khắc họa tương đối đậm nét trong cả ngoại hình, dáng vẻ, tâm trạng và tính cách.

- Phân tích những nét chính về:

+ Ngoại hình, dáng vẻ.

+ Tính cách: Tính cách Tràng bộc lộ rõ nhất trong tình huống nhặt vợ. Từ việc chia sẻ miếng ăn với một người đàn bà đang đói khát đến việc nhặt vợ bị động, bất ngờ, Tràng đã thể hiện những nét tính cách đầu tiên của một con người liều lĩnh, chất phác và hào hiệp.

+Vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách và nỗi bất hạnh trong thân phận Tràng càng thể hiện rõ hơn qua diễn biến tâm trạng của anh ta khi nhặt vợ: sự ngạc nhiên, cảm giác hạnh phúc, đặc biệt là những biến đổi sâu sắc  khi anh con trai vô tâm, ngộc nghệch trước đây trở thành một người đàn ông sống có trách nhiệm, nghĩa tình (Sự biến đổi hiện lên qua thái độ của Tràng đối với người đàn bà vợ nhặt, qua tình cảm, suy nghĩ của Tràng đối với cuộc sống gia đình; biến đổi lớn lao, mới mẻ nhất của Tràng được KL miêu tả trong chi tiết: Tràng có cảm giác tiếc rẻ mơ hồ khi nghe vợ kể về những đoàn người đói rách đi theo Việt Minh phá kho thóc Nhật; và ngay khi Tràng đang cố nuốt miếng cháo cám đắng chát vào miệng thì hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới trong tâm trí Tràng vẫn đem lại niềm tin cho người đọc: những người như Tràng sẽ đến với cách mạng một cách tích cực, nhanh chóng nhất bởi chỉ có cách mạng mới có thể giúp họ thay đổi cuộc đời, đem lại hạnh phúc và cuộc sống ấm no cho gia đình, vợ con họ.)

- Bút pháp nghệ thuật đặc sắc của Kim Lân: khắc họa chân dung tính cách, số phận nhân vật thông qua tình huống độc đáo; nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, độc thoại nội tâm...

- Nhận xét chung về nhân vật: Là một nhân vật được nhà văn khắc họa bằng những nét miêu tả chân thực, tinh tế, trìu mến, đặc biệt được hiện lên trong những thay đổi cảm động sau khi có vợ, Tràng đã thể hiện vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách của những người nông dân dù bị đẩy tới tận cùng đói khổ, vẫn giữ được tấm lòng nhân hậu, vẫn khát khao hạnh phúc và hi vọng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.Nhân vật Tràng đã thể hiện không chỉ tài năng nghệ thuật của KL mà còn cho thấy tư tưởng nhân đạo sâu sắc nhà gửi gắm trong truyện ngắn của mình.
 

TS.Trịnh Thu Tuyết

(THPT Chu Văn An - Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ