Tiền không thiếu nhưng điều kiện vay cũng… thừa!
Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng hướng dẫn các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với những khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, Chính phủ hiện tại có hai gói hỗ trợ tín dụng. Một gói 285 nghìn tỷ, trong đó 35 nghìn tỷ để Bộ Tài chính miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế… cho doanh nghiệp và 250 nghìn tỷ cho hệ thống ngân hàng giảm lãi, gia hạn nợ… trực tiếp cho doanh nghiệp. Đến nay, đã có 30 ngân hàng đăng ký gói hỗ trợ này. Tổng quy mô gói hỗ trợ tín dụng do ngân hàng phụ trách đã lên tới 285 nghìn tỷ đồng. Bình quân lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ giảm 0,5 - 1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Gói thứ hai mới phê duyệt gần đây là gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ để hỗ trợ cho người dân mất việc, doanh nghiệp nhỏ.
Các gói hỗ trợ được ngân hàng đưa ra nhiều ưu đãi nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận. Bởi phải chứng minh được ảnh hưởng của dịch bệnh tới doanh nghiệp mình. Theo anh Cao Công Minh, Giám đốc tổ hợp giáo dục Topica, khó khăn doanh nghiệp giáo dục đang gặp phải là hoạt động bị gián đoạn. Không tuyển được người. Làm việc ở nhà hiệu quả giảm 30 - 40%. Tuy vậy, anh không biết chứng minh thế nào về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới doanh nghiệp mình.
Khó khăn nữa trong việc tiếp cận gói ưu đãi này chính là việc tài sản bảo đảm và dòng tiền. Hiện nay, để tiếp cận với dòng vốn hỗ trợ thì doanh nghiệp phải có thêm tài sản thế chấp hoặc chứng minh được dòng tiền trả nợ. Đây cũng là một điều rất khó cho doanh nghiệp tại thời điểm này. Bởi lẽ tất cả tài sản của doanh nghiệp đều đã hoặc đang bảo đảm cho một khoản vay ở ngân hàng.
Theo bà Tô Thụy Diễm Quyên – người sáng lập Innedu Steam, doanh nghiệp làm giáo dục mặt bằng chủ yếu là đi thuê nên không có tài sản giá trị để thế chấp. Hơn nữa, dịch bệnh khiến khách hàng đều rơi vào cảnh khó khăn. Khách hàng hạn chế sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp giáo dục nên không có nguồn thu. Vì thế, doanh nghiệp không thể chứng minh hoặc không có cái rõ ràng để chứng minh được dòng tiền trả nợ.
Khó tiếp cận vì ngân hàng cũng phải… đi buôn
Về bản chất các ngân hàng thương mại cũng hoạt động theo cơ chế của một doanh nghiệp, tức là cũng chịu sức ép về lợi nhuận. Ngân hàng không thể cho các doanh nghiệp vay vô điều kiện. Bởi đó là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại bỏ ra. Ngân hàng phải bảo đảm khả năng thu hồi nợ. Nếu giải ngân cho những doanh nghiệp có sức chống chịu kém thì rủi ro sẽ lớn. Do đó, các ngân hàng sẽ phải thận trọng trước khi giải ngân nếu không muốn nợ xấu gia tăng.
Trước thực tế nêu trên, nhiều chuyên gia đã đề xuất các giải pháp gỡ khó để doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ để vượt qua mùa dịch. TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích, với gói hỗ trợ 285 nghìn tỷ, thì phần dành cho Bộ Tài chính có lẽ cần nhiều hơn. Bởi phần 250 nghìn tỷ doanh nghiệp khó tiếp cận được vì đây là nguồn vốn của ngân hàng thương mại tự cân đối. Nó không phải ngân sách quốc gia. Doanh nghiệp không nên trông đợi gói hỗ trợ này. Còn gói 62 nghìn tỷ cũng tốt nhưng chưa đủ, Chính phủ phải nâng gói 62 nghìn tỷ lên gói 150 nghìn tỷ. Quan trọng gói này phải từ ngân sách Chính phủ chứ không phải từ các tổ chức kinh tế khác.
Đối với ngành tài chính, việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp cũng là giải pháp để các ngân hàng tồn tại. Tuy nhiên với các mức giảm lãi phổ biến từ 0,5 - 2% và giãn nợ của nhiều ngân hàng hiện chưa đủ “mạnh” để giúp doanh nghiệp đứng vững qua mùa dịch.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ cần áp dụng cơ chế mà mình đang có. Cụ thể là dùng Quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương đang có để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn. Hiện Quỹ này hoạt động phụ thuộc vào tiền ngân sách địa phương nên rất èo uột. Cần tái cơ cấu lại để trở thành Quỹ bảo lãnh tín dụng Trung ương và tiền của Ngân sách Trung ương chứ không phải địa phương.
Luật sư Phạm Quang Xá – Giám đốc Công ty Luật XTVN (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, các ngân hàng cần đơn giản hóa hồ sơ chứng minh bị ảnh hưởng, nguồn trả nợ và điều kiện cơ cấu nợ. Về vấn đề cơ cấu lại thời hạn trả nợ, theo Điều 4 Thông tư số 01/2020/TT-NHNN thì thời gian cơ cấu nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay. Cần điều chỉnh thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 18 tháng hoặc 24 tháng. Liên quan đến vấn đề tài sản bảo đảm cho khoản vay thì các doanh nghiệp có thể xem xét sử dụng tài sản của bên thứ ba để bảo lãnh nhằm tháo gỡ khó khăn.
Từ góc độ doanh nghiệp, anh Bùi Đức San, Giám đốc Vietlong Housing đưa ra quan điểm, hiện nay chưa có văn bản, nghị định hướng dẫn cụ thể về việc triển khai gói hỗ trợ như thế nào. Bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam cấu trúc tài chính không hoàn thiện nên việc chứng minh báo cáo tài chính lỗ cũng rất bối rối, không biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu. Anh San băn khoăn hiện tại vay được lãi suất ưu đãi trong 12 tháng. Vậy sau 12 tháng doanh nghiệp sẽ ra sao khi chưa kịp phục hồi.