Café chủ nhật

Gọi những mùa vui

GD&TĐ - Đến Nguyên tiêu Giáp Thìn (2024), thơ ca Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước có hơn 20 năm trảy hội để cùng gọi những mùa vui…

Minh họa Vietpink.
Minh họa Vietpink.

Lễ hội đặc biệt này được Hội Nhà văn Việt Nam khởi xướng từ Xuân Quý Mùi 2003. Đó là Ngày thơ Việt Nam thứ nhất diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám và lần đầu tiên lá cờ Thơ đỏ thắm được kéo lên và bài thơ “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh ngân vang, mở đầu cho hành trình tôn vinh thi ca...

Khởi nguồn từ đó, suốt hơn hai mươi năm qua, đến hẹn lại lên, cứ vào Rằm tháng Giêng, từ Văn Miếu – Quốc Tử Giám đến Hoàng thành Thăng Long (2023 đến nay) luôn dập dìu khách thơ. Màu đỏ thắm của lá cờ Thơ làm rạng ngời những chủ đề: “Đất nước và mùa Xuân”, “Thăng Long – Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh”, “Mùa Xuân đất nước”, “Tuổi trẻ với Tổ quốc”, “Từ Điện Biên đến Trường Sa”, “Hướng về biển đảo Tổ quốc”, “Reo vang bình minh”, “Đất nước - Cánh buồm Xuân”, “Nhà văn đồng hành cùng đất nước”, “Sông núi trên vai”, “Nhịp điệu mới” và nay là “Bản hòa âm đất nước”…

Giai âm thánh thót, hào sảng của những vần thơ: “Nguyên tiêu”, “Nam quốc sơn hà”, “Nhớ Bắc”… được cất lên giữa không gian linh thiêng thêm một lần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, giục giã lớp lớp người tiến bước đón những mùa vui.

Khách thơ là những văn nhân, học sinh, sinh viên… khắp mọi miền đất nước rộn bước chân hòa vào bao cảm xúc lãng mạn, trữ tình mà lắng đọng. Khi đó, hẳn mỗi người sẽ thầm nhắc nhớ về một ý thơ hay thi phẩm yêu thích mà lòng đong đầy những ước vọng tương lai…

Có thể thấy, trong ngày hội này, bằng nhiều hình thức, thơ ca được đặc biệt tôn vinh. Đó là những câu thơ hay nhất của các thi nhân ở mọi thời đại không chỉ được xướng ngâm trên sân khấu mà còn “dệt” thành đường thơ.

Thong thả dạo bước trên những con đường thi ca, khách thơ hôm qua, hôm nay có thể ngâm nga những áng thơ xưa mà không bao giờ xưa: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng” (Trần Nhân Tông); “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Bà huyện Thanh Quan); “Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không” (Từ Đạo Hạnh); “Một mình đàn lạnh dưới trăng/ Tiếng kêu chim hạc đóng băng giữa trời” (Nguyễn Trãi), “Cuốc kêu một tiếng xuân đi biệt/ Hồn hỡi! Về đi... Thương cố hương” (Nguyễn Du); “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình” (Nguyễn Bỉnh Khiêm); “Đỡ chén lên môi, trăng vụt biến/ Chỉ còn bóng người đang dọc ngang” (Cao Bá Quát)…

Và cũng có thể cùng suy tưởng trước những vần thơ hôm nay: “Tất cả đều qua. Còn lại Con Người” (Tố Hữu); “Con Người dẫu bị xiềng - vẫn nắm lửa trong tay!” (Bằng Việt); “Cái không mất thường ở trong nước mắt” (Nguyễn Đình Thi); “Hãy sống như những con tàu phải lòng muôn hải lý” (Trần Dần);

“Một cơn gió rùng mình, cành thông rơi tuyết/ Tôi rùng mình nghe tháng năm rơi” (Vũ Quần Phương); “Núi nghĩ mà xanh cây/ Sông buồn mà bạc sóng (Trần Nhuận Minh); “Hạnh phúc chẳng ồn ào như tiếng thầm có thật/ Mưa mùa Xuân mê hoặc cả kinh thành” (Khuất Bình Nguyên); “Nếu không có nước mắt người mẹ/ Những đứa con làm sao tìm thấy đường về” (Thanh Thảo);

“Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/ Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?” (Lưu Quang Vũ); “Vịn câu hát anh tìm về cội gốc/ Chợt thấy mình có lỗi với làng xưa” (Trương Nam Hương); “Có những lúc cả thế gian lặng lẽ/ Ngồi một mình trong nắng ngắm mây cao...” (Bế Kiến Quốc)…

Từ năm 2023, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hoàng Anh.

Từ năm 2023, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hoàng Anh.

Bao áng thơ kim cổ của những lễ hội ấy cùng giao hòa với đất trời, con người, khí thiêng sông núi; có khi được gửi đến trời cao qua màn thả thơ kết hội, cũng có khi được đọc, ngâm, xướng họa, sắp đặt, trình diễn… trên sân khấu hay nơi quán, vườn, cây thơ…

Cùng với đó còn hiện diện các sân thơ trẻ, sân thơ thiếu nhi đã điểm thêm sắc màu cùng niềm hy vọng về những giọng tươi mới của tương lai. Và dù được thể hiện ở bất cứ hình thức nào hay viết ở thời đại nào, của độ tuổi nào thì tất cả đều mang sứ mệnh: “đứng về phía con người, vinh danh con người và bảo vệ con người…”, như lời giục giã của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 - năm 2023 cất cao “Nhịp điệu mới”.

Và, nối với “Nhịp điệu mới” ấy là “Bản hòa âm đất nước” của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 cũng nhằm đúng Nguyên tiêu Xuân Giáp Thìn, vừa diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long.

Những kiệt tác thi ca trong kho tàng văn học dân gian của đồng bào các dân tộc Việt Nam như “Bách điểu bách hoa” của dân tộc Tày; “Đẻ đất đẻ nước” của dân tộc Mường và “Xống chụ xonxao” (Tiễn dặn người yêu) của dân tộc Thái được diễn xướng cùng âm hưởng tiếng cồng chiêng còn lưu lại chốn này.

Đây cũng là cuộc hội ngộ đại diện thi ca của các dân tộc ở Việt Nam với những giọng thơ riêng biệt, độc đáo và tạo nên bản tổng hòa của nhiều dân tộc anh em trong khối đại đoàn kết dân tộc. Mỗi năm, cuộc hội ngộ ngày Xuân này tiếp tục gieo mầm xanh, gọi những mùa vui…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ