Gỡ vướng trong thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Gỡ vướng trong thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Cụ thể, về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến các Bộ, ngành, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đặc biệt là các quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ được giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính chưa rà soát, đề xuất phương án cụ thể sửa đổi, bổ sung các quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền, phải khẩn trương thực hiện và gửi kết quả về Bộ Tư pháp trước ngày 1/5/2016 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, trong phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực được phân công, chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý sự trùng lặp, chồng chéo, trình Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 1/7/2016 đối với Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng; Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và Nghị định định 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật cạnh tranh.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính đối với những những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trình Chính phủ cho ý kiến tháng 7/2017; xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, trình Chính phủ xem xét, ban hành tháng 8/2016.

Đối với những vấn đề quy định chưa rõ trong Luật xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết, để đáp ứng ngay yêu cầu quản lý nhà nước, thực tiễn thi hành pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự  an toàn xã hội, Bộ Tư pháp chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội. 

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất kịp thời phương án sửa đổi, bổ sung các quy định tại các nghị định quy định chi tiết Luật xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ