Gỡ khó “chuẩn đầu ra” cách nào?

GD&TĐ - Thực hiện Đề án Ngoại ngữ giai đoạn 2017-2025, vài năm trở lại đây, các trường ĐH-CĐ đã bắt đầu áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp với sinh viên của mình.

Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TPHCM trong giờ tự học
Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TPHCM trong giờ tự học

Dù các trường rất cố gắng “rèn” sinh viên học ngoại ngữ và thực hiện việc nhiều giải pháp hỗ trợ, nhưng thực tế  tỷ lệ sinh viên nợ chuẩn vẫn còn cao. Vậy các trường gỡ khó cho vấn đề này ra sao?

Chuẩn ngoại ngữ đầu ra - bài toán khó của không ít sinh viên

Thực tế, khi Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 triển khai thì hầu như các trường ĐH tại TPHCM nói chung cả nước nói riêng đều đã áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ trình độ 3 (tương đương chuẩn B1 theo khung tham chiếu châu Âu) hoặc theo chuẩn TOEIC quốc tế (có trường dùng TOEFL, IELTS) theo khung điểm từ 450 - 600 theo mức tăng dần qua niên khóa khi xét tốt nghiệp với sinh viên của mình.

Đây được xem là mục tiêu đúng đắn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo, giúp nhân lực có thể tham gia vào thị trường lao động trong nước và khu vực một cách tự tin hơn khi Việt Nam hội nhập. Tuy nhiên, với nhiều sinh viên có nền kiến thức cơ bản tiếng Anh thấp (hệ 3 năm) hoặc chưa từng học tiếng Anh (học ngôn ngữ khác) để theo được chuẩn đầu ra ngoại ngữ là điều khá vất vả, thậm chí nhiều em còn bị treo bằng tốt nghiệp vì nợ chuẩn ngoại ngữ.

Khảo sát tại vài trường đại học tại TPHCM cho thấy tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng thời hạn bị “treo bằng” vì chưa hoàn thành chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học khá cao, khoảng từ 21 - 28%.

Thông tin từ PGS.TS Nguyễn Minh Hà - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM thì bình quân mỗi khóa tốt nghiệp của nhà trường chỉ có khoảng 30 - 40% sinh viên tốt nghiệp đúng hạn. Trong đó, khoảng 20% sinh viên chưa tốt nghiệp vì chưa đạt chuẩn ngoại ngữ. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng có khoảng 11% sinh viên tốt nghiệp nợ chuẩn ngoại ngữ.

Số sinh viên bị buộc thôi học, xoá tên vì không thể trả nợ chuẩn đầu ra tiếng Anh cũng không phải ít. Đơn cử mới đây Trường ĐH Ngân hàng TPHCM vừa có thông báo khoảng 200 sinh viên phải buộc thôi học, xóa tên vì đã quá 6 năm đào tạo vẫn chưa thể tốt nghiệp.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ - Phó Trưởng phòng Đào tạo nhà trường trong số gần 200 em trên có không ít em không thể tốt nghiệp vì vẫn nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Tương tự, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM năm 2017 cũng 40 sinh viên bị buộc thôi học vì nợ chuẩn ngoại ngữ. Năm 2018 dự kiến có 63 em không thể lấy bằng vì nợ chuẩn tiếng Anh.

Nhìn nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ đang là nỗi sợ của không ít sinh viên, TS Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM cho biết: Khảo sát tiếng Anh đầu vào của sinh viên cho thấy tỉ lệ đạt rất thấp. Có nhiều em dù học tiếng Anh hệ 7 năm nhưng khi vào trường vẫn phải học lại từ đầu vì kiến thức nền quá yếu nên để đạt chuẩn các em phải cố gắng rất nhiều trong 4 năm.

Ảnh minh hoạ/ Internet
 Ảnh minh hoạ/ Internet

Tháo khó bằng cách nào?

Bà Lại Thị Ngọc Hạnh - Cố vấn Học tập Trường ĐH Tây Nguyên cho biết: “Lớp sinh viên mà tôi làm cố vấn học tập năm 2017 có tới 52% sinh viên không thể tốt nghiệp đúng thời hạn, trong đó chủ yếu là vì nợ chứng chỉ B1 tiếng Anh.

Nhiều em có kết quả học tập khá nhưng riêng chuẩn B1 thì thi 3, 4 lần vẫn chưa đạt. Lớp học đông (40 - 60 sinh viên), thời gian mỗi học phần chỉ 30 tiết nên giảng viên không thể chú ý đến từng sinh viên được.

Trong khi đó giáo trình lại dành cho đối tượng đã học qua Tiếng Anh 7 năm ở phổ thông nên đối với những bạn yếu hoặc "mất gốc" ngoại ngữ thì việc theo kịp chương trình gần như là "nhiệm vụ bất khả thi".

Đồng ý quan điểm bà Hạnh chỉ ra, Thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên môn Tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM chỉ rõ những nguyên nhân khiến việc đạt chuẩn B1 hoặc các chuẩn TOEIC quốc tế của SV trở nên khó khăn. Một là xuất phát điểm của sinh viên không giống nhau.

Hai là khoảng cách giữa nền tảng Tiếng Anh cơ bản và yêu cầu của bài thi còn nhiều. Bởi theo ông đa số các kỳ thi kiểm tra năng lực ngoại ngữ đều đánh giá người tham dự ở cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết; trong khi kỹ năng nghe và nói của sinh viên còn nhiều hạn chế. Cuối cùng là vai trò của cố vấn học tập chưa thật lớn.

Vì vậy, để tháo gỡ những khó khăn trong việc nâng chuẩn đầu ra ngoại ngữ tại các trường ĐH-CĐ, cũng như để công tác dạy và học ngoại ngữ cho sinh viên được hiệu quả, Thạc sĩ Châu Thế Hữu cho rằng, các trường đại học cần xem xét lại chương trình đào tạo nhằm lược bỏ những môn không cần thiết, gia tăng thời lượng học ngoại ngữ cho sinh viên nhiều hơn nữa.

Song song đó, việc tuyển chọn và đào tạo giảng viên ngoại ngữ có trình độ và nhiệt tâm cần phải làm chặt chẽ hơn. Vì thực tế không ít giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy.

Thầy Đào Đức Tuyên- Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tin rằng: Để có thể hoàn thành tốt chuẩn ngoại ngữ, cũng như khắc phục những điểm yếu trong học ngoại ngữ của mình thì bản thân sinh viên phải có sự cố gắng tuyệt đối, ý thức tự giác học tập bên cạnh sự hỗ trợ từ đội ngũ cố vấn học tập của khoa, trường. Bởi thực tế giáo trình, giảng viên chỉ đóng vai trò là người dẫn dắt, cung cấp nền tảng kiến thức.

“Ngoại ngữ là môn học đòi hỏi sinh viên phải là người chủ động, khi người học không có sự chủ động, quyết tâm thì không ai có thể giúp họ được. Vì vậy, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM thường cứ 2 tháng lại tổ chức một Kỳ thi TOEIC nội bộ một lần. Qua kỳ thi ấy, nhà trường có thể theo dõi, giám sát quá trình học và biết được trình độ của sinh viên tiến bộ đến đâu để đốc thúc các em có kế hoạch ôn luyện, học tập, tránh việc không tốt nghiệp được chỉ vì nợ chuẩn đầu ra tiếng Anh”- thầy Tuyên phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ