Giúp trẻ làm quen với tiếng Anh, Thông tư 50 đã đáp ứng thực tiễn cuộc sống

GD&TĐ - Ngày 31/3/2021, Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo chính thức có hiệu lực. Nhiều phụ huynh và các trường mầm non cho rằng Thông tư đã đáp ứng yêu cầu thực tế.

Trẻ rất hào hứng khi được làm quen với tiếng Anh
Trẻ rất hào hứng khi được làm quen với tiếng Anh

NGƯT.TS Đặng Lộc Thọ, thành viên Tiểu ban giáo dục mầm non, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, cho rằng: Nhu cầu học tiếng Anh của học sinh mầm non là khá nhiều. Ở cấp học này việc làm quen với tiếng Anh cũng hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau nên việc triển khai đại trà sẽ là khó khăn.

Chính vì vậy Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT đã rất mở, tùy vào điều kiện triển khai thực tế, nhu cầu và khả năng của trẻ, các cơ sở giáo dục mầm non phát triển kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, đảm bảo mục đích yêu cầu của việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh.

Thông tư quy định việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh được tổ chức 35 tuần/năm, tối thiểu 2 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động từ 25-35 phút. Việc dạy – học tiếng Anh cũng tùy thuộc vào điều kiện, hoạt động làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo sẽ được tổ chức linh hoạt vào các thời điểm khác nhau, phù hợp với khả năng của trẻ.

Tuy nhiên, cần chú trọng phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời theo dõi và hỗ trợ trẻ giao tiếp tương tác bằng tiếng Anh kịp thời trong quá trình làm quen. Đây là điều cần đặc biệt chú trọng ở các nhà trường vì khi hoạt động dạy học tự nguyện, các trường sẽ chủ động hợp đồng GV sao cho phù hợp.

Giáo viên người bản địa tham gia dạy tiếng Anh tại Trường MN Eduplay
Giáo viên người bản địa tham gia dạy tiếng Anh tại Trường MN Eduplay

Đón nhận Thông tư này, NGƯT Vũ Thế Hưng – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vừa mừng nhưng cũng bày tỏ lo lắng: Cứ suy từ mình ra, việc học tiếng Anh sớm là quá tốt. Hải Hậu là huyện duyên hải của tỉnh Nam Định, ở cấp mầm non cũng có nhiều học sinh có nhu cầu cho con em làm quen với tiếng Anh ngay từ bậc MN. Tuy nhiên việc triển khai là rất khó khăn vì thực tế ở địa phương GV tiếng Anh tiểu học và THCS còn thiếu, việc huy động GV tiếng Anh cho các trường MN trước mắt là điều không thế. Tuy nhiên, Thông tư chính thức có hiệu lực, cũng buộc ngành GD và các nhà trường có những nghiên cứu để đáp ứng nếu phụ huynh có yêu cầu.

Ở Tp Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, là thành phố du lịch nên có lẽ các bậc phụ huynh sớm thấy sự cần thiết phải cho con em mình tiếp cận với tiếng Anh. Vì vậy ở nhiều trường trên địa bàn đã sớm có các chương trình giúp trẻ làm quen với tiếng Anh. Cô Hoàng Vân – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Lầm, cho biết:

Nhà trường đang triển khai các lớp làm quen với tiếng Anh cho học sinh có trợ giúp của GV người nước ngoài. Các phụ huynh rất hào hứng tham gia và học sinh tiếp thu tốt, hiệu quả dạy học đạt được yêu cầu chất lượng đề ra. Đến nay, Thông tư 50 sắp có hiệu lực thi hành, chắc chắn sẽ giúp việc dạy học, giúp học sinh làm quen với tiếng Anh được bài bản và hiệu quả hơn.

Trẻ Trường MN Hà Lầm hào hứng làm quen với tiếng Anh
Trẻ Trường MN Hà Lầm hào hứng làm quen với tiếng Anh

Còn ở Hà Nội, Trường Mầm non Eduplay là một trong những địa chỉ chú trọng năng lực tiếng Anh cho học sinh trong quá trình học tập. Cô hiệu trưởng Dương Thị Bảo Châu, cho biết: "Việc cho trẻ tiếp cận tiếng Anh từ nhỏ đã được chứng minh là hiệu quả và hoàn toàn phù hợp vì ở lứa tuổi này, trẻ sẽ phát triển năng lực giao tiếp tự nhiên hơn, tư duy mở hơn. Thực tế đã minh chứng điều đó, ở Trường MN Eduplay, chúng tôi đã có kinh nghiệm 15 năm cho trẻ làm quen tiếng Anh. Việc sớm làm quen với tiếng Anh giúp trẻ phát triển tư duy, vận động, ứng dụng công nghệ".

Chỉ còn ít ngày nữa là Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo chính thức có hiệu lực. Với tính mở của Thông tư, việc dạy học tiếng Anh ở các trường mầm non hoàn toàn không bắt buộc mà chỉ ở nơi nào có điều kiện, phụ huynh có nhu cầu thì nhà trường thực hiện. Nhận định về Thông tư này, nhiều chuyên gia giáo dục đều cho rằng Thông tư đã gắn với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của phụ huynh tạo điều kiện học tập, làm quen tiếng Anh cho con em mình. Chỉ tiếc rằng điều kiện kinh tế - xã hội ở từng địa phương khác nhau, nhưng vẫn mong rằng sẽ có nhiều trẻ em được làm quen với tiếng Anh như tinh thần Thông tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ