Giúp học sinh xây dựng kế hoạch học tập hiệu quả cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Ngày 17/2, Trường THPT Lê Trọng Tấn (TPHCM) phối hợp với Công ty TNHH Gia sư eTeacher tổ chức chương trình “Đối thoại cùng thủ khoa”.

Chương trình "Đối thoại cùng thủ khoa" được tổ chức vào sáng nay với sự tham dự của 2.000 học sinh Trường THPT Lê Trọng Tấn. Ảnh: LTT.
Chương trình "Đối thoại cùng thủ khoa" được tổ chức vào sáng nay với sự tham dự của 2.000 học sinh Trường THPT Lê Trọng Tấn. Ảnh: LTT.

“Đối thoại cùng thủ khoa” là chương trình được tổ chức thường niên. Tại chương trình năm nay, học sinh của Trường THPT Lê Trọng Tấn có cơ hội được giao lưu với sinh viên có thành tích nổi bật trong các kỳ thi học sinh giỏi, THPT, là thủ khoa đầu ra các khối A00, D01…

Theo chia sẻ của nhiều học sinh lớp 11 và 12 tham gia các chương trình tư vấn hướng nghiệp, việc lựa chọn nguyện vọng và xác định mục tiêu tương lai thường khiến các em rơi vào tình trạng lúng túng, thiếu quyết đoán.

Vậy làm thế nào để xác định mục tiêu nguyện vọng một cách dễ dàng mà không bị lung lay trước những áp lực và sự thay đổi của bản thân?

Ngô Khánh Duy, sinh viên ngành Toán Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM (thủ khoa đầu ra khối A, Trường THPT Hoàng Hoa Thám với 26,3 điểm xét tuyển đại học) chia sẻ, ban đầu việc trả lời mục tiêu, nguyện vọng có thể khó, nhưng nếu dành thời gian tìm hiểu bản thân, tham khảo ý kiến thầy cô, anh chị đi trước hoặc tra cứu trên YouTube để có góc nhìn rõ ràng hơn về con đường mình theo đuổi.

Khi xác định được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, việc đặt mục tiêu trở nên dễ dàng hơn. "Em đặt mục tiêu rõ ràng và cụ thể. Thay vì mơ hồ như mình muốn đậu đại học, em xác định rõ: Mình muốn đạt 26 điểm khối A để vào ngành Toán Tài chính của Đại học Kinh tế, vì ngành này phù hợp với sở thích Toán của mình. Mục tiêu càng cụ thể, càng dễ lập kế hoạch thực hiện", Khánh Duy chia sẻ.

doi-thoai-cung-thu-khoa-8171.jpg
Học sinh Trường THPT Lê Trọng Tấn đặt câu hỏi tại chương trình Đối thoại cùng thủ khoa.

Khánh Duy khuyên học sinh tránh so sánh bản thân với người khác một cách tiêu cực. Nhiều học sinh lấy hình mẫu người khác làm động lực, nhưng nếu so sánh quá mức, sẽ dễ nghi ngờ bản thân, chịu áp lực đồng trang lứa và mất động lực học tập.

Mỗi người có lộ trình riêng, chỉ cần tập trung vào mục tiêu của mình, nỗ lực mỗi ngày và giữ vững định hướng ban đầu nhất định sẽ đạt được kết quả mong muốn.

Nguyễn Vân Ngọc, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương - Cở sở II TPHCM cũng chia sẻ nhiều bí quyết để đạt điểm cao.

Ngọc từng đạt 27,5 điểm khối D01, là thủ khoa đầu vào lớp 10 và thủ khoa đầu ra khối D01 trường THPT Chu Văn An. Ngọc đạt 9,2 điểm tiếng Anh; 9 điểm môn Toán và 9,3 môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ngọc chia sẻ rằng, việc chọn ngành, chọn trường cần dựa trên điểm mạnh của bản thân để có hướng đi rõ ràng.

Trong quá trình học tập, Ngọc ưu tiên học từ thầy cô trực tiếp giảng dạy, vì có thể dễ dàng hỏi lại khi chưa hiểu. Bên cạnh đó, tự giác học tập, nghiên cứu kiến thức giúp ghi nhớ lâu và hiệu quả hơn. Nếu chỉ đi học thêm mà thiếu sự chủ động, kết quả cũng không cao.

Ngoài ra, việc tự học qua các livestream giảng dạy trên Facebook hoặc TikTok cũng là cách hữu ích để cải thiện kỹ năng làm bài và đạt điểm cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ