Theo thầy Tùng, đây là một quá trình xuyên suốt chương trình THCS và bao gồm những nhiệm vụ chính sau :
Học thuộc kí hiệu hóa học và hóa trị của một số nguyên tố cơ bản; viết đúng công thức hóa học của đơn chất, hợp chất (dựa vào hóa trịviết được công thức hóa học của hợp chất khi biết tên gọi; nắm được các bước lập phương trình hóa học; nắm chắc tính chất hóa học của các loại chất đã học.
Trong những nội dung trên, phần kiến thức ở lớp 8 rất quan trọng, chiếm tới 4/5 khối lượng công việc.
Thuộc kí hiệu hóa học với văn vần
Việc học thuộc kí hiệu hóa học và hóa trị của một số nguyên tố cơ bản, thầy Nguyễn Thanh Tùng cho biết, ngoài “Bài ca về hoá trị”, có thể sắp xếp nguyên tố hoá học (NTHH) thường gặp có cùng hoá trị dưới dạng những câu văn hay thơ ngắn gọn, dí dỏm giúp học sinh nhớ một cách dễ dàng.
Ví dụ: Cl, H, K, Na, Cu, Ag (Clo Hỏi Khi Nào Cụ Bạc)
S, O, C, Ca, Ba, Cu, Mg, Fe (Sợ Ốm Chỉ Cần Ba Đồng Mua Sắt)…
Mỗi tiết học, trong phần kiểm tra bài cũ (từ tiết 6 đến tiết 16 của Hóa học 8), giáo viên gọi 3 học sinh lên viết ký hiệu hóa học và sau đó là hóa trị của 5 nguyên tố hóa học cơ bản. Cứ như thế lặp đi lặp lại để học sinh quen dần.
Viết đúng công thức hóa học
Với đơn chất kim loại và đơn chất phi kim ở trạng thái rắn (C, S, P, Si), công thức hóa học trùng với kí hiệu hóa học; đơn chất phi kim ở trạng thái lỏng hoặc khí - công thức hóa học có dạng A2.
Với công thức hóa học của hợp chất: Học sinh phải biết cách lập công thức hóa học khi biết hóa trị của nguyên tố hay nhóm nguyên tử (theo qui tắc hóa trị). Quá trình này cần được rèn luyện liên tục.
Trong hợp chất hai nguyên tố (hoặc một nguyên tố với một nhóm nguyên tử khác) thì hóa trị của nguyên tố này là chỉ số của nguyên tố kia và ngược lại (Với tỉ số hóa trị đã được giản ước).
Vì vậy, học sinh biết được hoá trị nguyên tố, thành phần phân tử, cách lập công thức (hợp chất 2 nguyên tố) theo quy tắc chéo, thì việc viết công thức hóa học của các hợp chất vô cơ không phải là chuyện khó.
Viết được công thức hóa học của hợp chất khi biết tên gọi: Đây là một kĩ năng mà học sinh bắt buộc phải thành thạo. Để thực hiện tốt quá trình này bắt buộc học sinh phải nắm được định nghĩa (thành phần); phân loại; cách gọi tên của các hợp chất vô cơ (Oxit, axit, bazơ, muối).
Mặt khác các em phải vận dụng kết luận trên để viết nhanh công thức hóa học.
Lập phương trình hóa học
Để lập một phương trình hóa học, học sinh phải thực hiện các bước sau :
Viết sơ đồ phản ứng dưới dạng công thức hóa học; đặt hệ số sao cho số nguyên tử của mỗi nguyên tố ở hai vế bằng nhau và hoàn thành phương trình hóa học.
(Có trường hợp cho sẵn sơ đồ, học sinh chỉ đặt hệ số là xong. Nhưng khi dạy cho học sinh, tốt nhất giáo viên nên hạn chế viết dưới dạng sơ đồ mà cho dưới dạng bằng lời để các em tự làm)
Giáo viên hướng dẫn hình thành cho học sinh những kĩ năng sau :
Bước 1 : Các em phải vận dụng kĩ năng lập công thức hóa học đã được học.
Bước 2 : Học sinh thường sử dụng phương pháp bội chung nhỏ nhất (BCNN) để đặt hệ số bằng cách:
Chọn nguyên tố có số nguyên tử ở hai vế chưa bằng nhau và có số nguyên tử nhiều nhất (Thường là vậy nhưng không nhất thiết phải theo cách này )
Tìm BCNN của các chỉ số nguyên tử nguyên tố đó ở hai vế, đem BCNN chia cho chỉ số thì ta có hệ số cân bằng.
(Cũng cần lưu ý thêm rằng có những phương trình hóa học không dùng phương pháp BCNN được, khi đó học sinh nhẩm tính hoặc dùng phương pháp khác )
Viết phương trình hóa học khi biết tính chất hóa học
Để hoàn thành tốt kĩ năng này bắt buộc học sinh phải nắm bắt được kĩ năng đã được học ở lớp 8 (đã nêu trên) và nhớ, hiểu tính chất hóa của các loại chất.
Ở đây, có bài có thể cho dưới dạng chữ nhưng hầu hết cho ở dạng sơ đồ và cũng đã bắt đầu phân dạng cho học sinh, mỗi dạng có một cách làm riêng.
Với phương pháp đó, chúng ta sẽ thấy được tính hệ thống của quá trình rèn luyện kĩ năng viết phương trình hóa học cho học sinh, giúp các em hiểu tường tận vấn đề và việc viết phương trình hóa học cho các phản ứng không còn khó khăn nữa.
Từ những kĩ năng cơ bản đó, giáo viên rèn luyện học sinh phát huy tính tích cực chủ động trong việc thực hành bài tập và tạo niềm say mê hứng thú trong học tập, yêu thích bộ môn, khả năng làm việc theo nhóm thông qua các trò chơi (Áp dụng cho bài luyện tập, củng cố bài)…