(GD&TĐ) - Đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm nay đã có những đổi mới theo hướng tích cực, sát với chương trình, phù hợp với mục đích, yêu cầu khảo sát trình độ học sinh THPT. Những yêu cầu trong phần chung và riêng của đề thi đều là những kiến thức cơ bản, học sinh đã được học. Vì thế, hầu hết các thí sinh sau khi làm bài đều phấn khởi, hài lòng.
Câu 1 (2 điểm), kiểm tra kiến thức cơ bản về một tác phẩm nổi tiếng (Thuốc - Lỗ Tấn) ở phần văn học nước ngoài, học sinh vừa được học và được ôn tập. Đây là câu hỏi khá nhẹ nhàng và không bất ngờ với học sinh.
Câu 2 (3 điểm), nghị luận về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam. Đề văn đã khích lệ sự sáng tạo, phát huy khả năng bộc lộ những cách nhìn, cách kiến giải riêng của các em trước một hiện tượng vừa diễn ra trong đời sống xã hội. Đây là hướng ra đề mới mẻ, hấp dẫn, tạo được hứng thú cho học sinh và nhận được sự đồng thuận cao của dư luận xã hội.
Câu 3a, 3b (5 điểm), tuy không mới nhưng vừa sức và ít nhiều có khả năng phân hóa trình độ, năng lực cảm thụ, phân tích của học sinh.
Hướng dẫn chấm thi của BGD & ĐT, nhìn chung rõ ràng, mạch lạc. Tương ứng với đề ra, đáp án câu 1 và câu 3 đưa ra những yêu cầu về kỹ năng và kiến thức cần đạt tương đối cụ thể. Ngoài ra, đáp án còn mở ngỏ cho những tìm tòi, sáng tạo của học sinh: “Thí sinh có thể trình bày các nội dung trên theo nhiều cách, nhưng phải diễn đạt rõ ràng, mạch lạc; lời văn trong sáng mới được điểm tối đa”.
Riêng câu 2, đáp án đưa ra một hệ thống ý tương đối hợp lý, kèm theo lưu ý cụ thể và có độ mở nhất định: “Nếu thí sinh có những suy nghĩ, kiến giải riêng mà vẫn hợp lí thì vẫn được chấp nhận. Nếu thí sinh có kĩ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận vào một vài khía cạnh cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa. Không cho điểm những thí sinh có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”.
Với yêu cầu như vậy, giám khảo vừa có thể đánh giá được kiến thức mà đề bài yêu cầu, vừa có thể “lắng nghe, thấu hiểu” được những suy nghĩ, kiến giải riêng của các em.
Thực tế cho thấy, với những đề văn NLXH nói chung, nghị luận về một hiện tượng xã hội nói riêng, đáp án càng cụ thể, càng khó chấm. Mặt khác, đề NLXH khuyến khích các em thể hiện cách nhìn, cách lý giải riêng. Nếu học sinh làm bài như đáp án chi tiết thì đâu còn là những suy nghĩ riêng của các em?
Vấn đề là ở chỗ, khả năng lập luận của các em có tính thuyết phục hay không. Có thể khi chấm, giám khảo sẽ bắt gặp những ý kiến bàn luận “ngoài đáp án” ví dụ như: em rất khâm phục trước hành động quên mình của bạn Nam... nhưng em không chắc mình có thể làm được như Nam khi phải đứng trước lựa chọn phải đánh đổi tính mạng bản thân để cứu người...
Trong trường hợp này, giám khảo sẽ “không cho điểm” chứ không phải là trừ điểm. Vì thế chúng ta không sợ học sinh “thiệt thòi”.
Tôi hoàn toàn đồng ý với trao đổi của giáo viên Nguyễn Thị Như Hương ( Trường THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội): "Tôi tin rằng, qua đề thi tốt nghiệp THPT, câu chuyện của Nam sẽ làm lay động suy nghĩ của nhiều bạn trẻ. Sẽ không có lý gì mà không cho điểm cao khi học sinh nói được một điều đơn giản: hành động của Nam giúp em phải xem lại bản thân mình, có lúc nào đó mình đã sống ích kỷ, thờ ơ và vô cảm với những người xung quanh hay chưa".
Nhân đây, cũng xin được trao đổi thêm về việc có nên xem câu 2 trong đề văn tốt nghiệp năm nay là đề mở hay không? Theo tôi, câu 2 của đề thi hay, hấp dẫn vì đã đề cập tới một vấn đề có tính thời sự, có khả năng phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh, buộc học sinh phải suy nghĩ, tìm tòi và đưa ra những suy nghĩ riêng.
Đây là yêu cầu cần phải đạt được của đề NLXH nói chung, bàn về một hiện tượng xã hội nói riêng. Theo đó, đề đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong dạy và học môn Văn, gắn văn chương với cuộc đời.
Tuy nhiên, đó không hẳn là đề mở, bởi câu lệnh của đề quá rõ ràng: “Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:...”.
Phạm vi dẫn chứng để phân tích, bình luận cũng được xác định là dựa vào “thông tin” về việc em Nguyễn Văn Nam bị nước cuốn trôi vì kiệt sức sau khi đã cứu được 5 em nhỏ khỏi chết đuối (được dẫn lại từ thanhnienonline, ngày 6/5/2013).
ThS Phan Thị Thanh Vân
GV Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An)