Giúp bé yêu trường

Giúp bé yêu trường

Câu cửa miệng: con không đi học

Con gái tròn 3 tuổi, chị Hiền bắt đầu cho đi học. Những tuần đầu, bé khóc rất nhiều, khi về nhà cũng hay quấy khóc, dỗi hờn. Trước đó, bé ngủ riêng, nay nhất định đòi nằm cùng bố mẹ. Buổi sáng lúc tỉnh dậy, câu đầu tiên bé nói là "con không đi học đâu". Do khóc nhiều, bé bị ốm, lại phải nghỉ học.

Còn con chị Hoa buổi sáng đầu tiên đến lớp không khóc. Lúc sang tay cô, bé còn vui vẻ chào cô, tạm biệt mẹ, sau đó ngồi im quan sát các bạn. Nhưng đến chiều khi mẹ đón, bé lại òa khóc tức tưởi, và liên tiếp những ngày sau đó bé thường xuyên khóc mỗi khi đến lớp. Tình trạng kéo dài đến hết cả học kỳ.

Cá biệt vẫn còn những trẻ học lớp lớn, như bé Thanh, con chị Hoa, Trung Hòa, Nhân Chính, thì 10 hôm như 10, cháu khóc gào ầm ĩ trước khi vào lớp, đến nỗi các cô phải cho ngồi ghế riêng ngoài phòng đợi của lớp. Trường hợp này được cô cho là nhũng nhẽo bố mẹ, chứ các hoạt động tại lớp cháu tham gia rất hăng.

 Đến lớp rất vui, có cô giáo yêu thương và nhiều bạn chơi cùng.

“ Con đã lớn, khi khoác ba lô”

Cô Trần Lệ Nga, giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng, 39 Lâm Du, Long Biên, Hà Nội, cho biết, việc rời ngôi nhà quen thuộc, nơi được mọi người cưng chiều để đến hòa mình với môi trường tập thể toàn người lạ là điều khó khăn đối với một đứa bé. Vì vậy đa số các bé thời gian đầu đi học đều không ổn định về tâm lý.

Nhiều cháu vì chưa quen với môi trường mới nên khóc nhiều, không chịu ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy có trẻ chỉ đi học được vài buổi rồi ốm, nghỉ. Thời gian làm quen với lớp bị gián đoạn nên trẻ càng chậm thích nghi. Nhưng phần lớn các cháu chỉ qua một vài ngày là bình tĩnh trở lại, tin tưởng ở cô giáo và ít khóc hơn.

Theo cô Nga, khi đưa đón, thấy con khóc, các mẹ không nên quá xuýt xoa, chỉ cần ôm con vào lòng để trẻ có cảm giác yên tâm. Nói  những câu khích lệ hướng về lớp như: "Đến lớp rất vui, có cô giáo yêu thương và nhiều bạn chơi cùng, chỉ vài ngày là con quen thôi", hoặc "Hãy khoác ba lô vào đi. Mẹ thấy con đã lớn rồi đấy". Buổi tối bố mẹ nên dành thời gian chơi với con nhiều hơn.

Giúp con “vượt khó”

Việc ăn uống ở trường cũng là một vấn đề. Phần lớn trẻ em giai đoạn đầu đến lớp thường không chịu ăn hoặc ăn ít vì có nhiều thay đổi từ thực đơn đến cách cho ăn, thời gian và môi trường xung quanh. Để bé không sút cân hoặc ốm bệnh trong thời điểm "vượt khó" này, cha mẹ nên tìm hiểu thực đơn trong ngày của nhà trường, hỏi cô giáo về tình hình ăn uống của con để có chế độ bổ sung dinh dưỡng, chăm sóc bé hợp lý.

Nên đăng ký cho con học cùng với một người bạn quen biết, hoặc bạn ở gần nhà

Thời gian trẻ mới đi học, buổi sáng bạn nên cho con dậy sớm ăn đầy đủ, uống thêm một ly sữa. Buổi chiều đón trẻ sớm hơn thường lệ vì cần thêm thời gian bù lại bữa ăn bị bỏ ở lớp.

Trẻ mới đi học thường có cảm giác nhút nhát, bạn nên sắp đặt trò chơi đón khách đến nhà cùng bé, nhằm giúp bé chủ động giao tiếp hơn. "Khách" có thể là các con thú cưng, còn trẻ là chủ nhà. Bạn hãy tạo các tình huống để trẻ đối thoại cùng "khách".

Khi đưa con đến trường, thay vì trốn bé hoặc đứng ngoài cửa sổ trông vào, hãy ôm hôn tạm biệt và cho trẻ biết khi nào bạn đón. Ví dụ, bạn nói với trẻ: "Con đến trường chơi ngoan, ăn trưa với các bạn, rồi ngủ một giấc, khi tỉnh dậy là mẹ sẽ đến đón ngay".

Theo Giadinhtre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.