Café chủ nhật

Giữ vững biên giới mềm

GD&TĐ - “Biên giới mềm” là việc một quốc gia có thể tạo ảnh hưởng của mình tới các quốc gia khác thông qua việc phát triển các lĩnh vực khác nhau của đời sống

Minh họa: Vietpink
Minh họa: Vietpink

Đồng thời quốc gia đó sẽ đưa chúng ra phổ biến với thế giới.

Để mở rộng biên giới mềm, các quốc gia sử dụng “quyền lực mềm” để gây ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và văn hóa với các quốc gia khác. Nhìn nhận hai mặt, việc mở rộng biên giới mềm của các quốc gia, nhất là các cường quốc sang các nước khác có cả mặt tích cực và tiêu cực.

Về mặt tích cực, chúng ta tranh thủ đón nhận những tiến bộ về khoa học - công nghệ, thu hút nguồn lực về đầu tư phát triển để xây dựng đất nước.

Nhưng mặt trái của việc mở rộng biên giới mềm là một quốc gia gây ảnh hưởng, thậm chí tạo ra sự phụ thuộc với một quốc gia khác; mới đầu là kinh tế, sau đến văn hóa và chính trị.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” là tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước. Xác định tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, ngay từ khi nước nhà chưa giành được độc lập, Đảng đã xây dựng Đề cương văn hóa để “soi đường cho quốc dân đi”. Có văn hóa soi đường, chúng ta đã khơi dậy được tinh thần yêu nước của triệu triệu người Việt Nam, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, từ đó, tạo sức mạnh tinh thần to lớn để chiến thắng thực dân, đế quốc; giành độc lập dân tộc, thống nhất và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Nhìn lại lịch sử đất nước, từ xa xưa, cha ông ta đã ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vậy nên, dù bị đô hộ tới nghìn năm Bắc thuộc, nhưng dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam không bị hòa tan, trái lại tiếp tục được gìn giữ, truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến khi chúng ta bị thực dân đế quốc xâm chiếm, thì dù có mất nước, nhưng nhân dân ta không để mất làng. Văn hóa phương Tây không vượt qua được lũy tre làng để xâm nhập vào ý thức hệ của người dân nước Việt. Chính vì vậy, văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt vẫn trường tồn cho đến hôm nay.

Văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt luôn trường tồn. Ảnh minh họa ITN

Văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt luôn trường tồn. Ảnh minh họa ITN

Chuyển sang thời đại bùng nổ về thông tin, bên cạnh những luồng văn hóa xấu, độc xâm nhập trên không gian mạng Internet, sự mở rộng biên giới mềm về văn hóa được các quốc gia chú trọng, như là một cách “xâm lăng” mới để tạo những ảnh hưởng về địa chính trị. Sự “xâm lăng” này được núp bóng dưới hình thức giao lưu văn hóa qua phim ảnh, văn học, thời trang, âm nhạc... và qua cả con đường du học. Đặc biệt, sự “xâm lăng” văn hóa được tập trung vào giới trẻ - tương lai của đất nước, là đối tượng rất dễ bị dao động, thích khám phá cái mới, trào lưu mới mà chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình với văn hóa đất nước.

Đã có một thời, chúng ta thấy trẻ con thích đọc truyện tranh Nhật Bản hơn truyện cổ tích dân gian; đã có một thời chúng ta đi đâu cũng thấy mọi người dán mắt vào những bộ phim võ thuật Trung Hoa, phim găng-tơ cao bồi Mỹ, hay những bộ phim sướt mướt tình cảm của Hàn Quốc... “Mưa lâu thấm dần”, văn hóa nghe - nhìn nước ngoài tưởng như vô hại, nhưng về lâu dài, nó tiêm nhiễm, dẫn dắt tâm lý giới trẻ.

Với quan điểm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta đã “gạn đục, khơi trong”, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu về văn hóa, phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc và tiếp thu chọn lọc nền văn hóa nhân loại. Trên “giờ vàng” của VTV không còn tình trạng phim ngoại chiếm sóng, mà chỉ phát những bộ phim truyền hình do Việt Nam sản xuất, được khán giả đón nhận. Tà áo dài truyền thống được giới thiệu, quảng bá tại các sự kiện thời trang quốc tế, được bạn bè mến mộ. Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn... Tất cả những điều đó có được là nhờ chúng ta giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Thời trang của giới trẻ trong một sự kiện văn hóa tại hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Trần Văn

Thời trang của giới trẻ trong một sự kiện văn hóa tại hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Trần Văn

Để tiếp tục giữ vững biên giới mềm khỏi sự xâm lăng về văn hóa trong kỷ nguyên số, mỗi người dân phải giữ được cột mốc trong tâm thức của mình. Cột mốc ấy chính là những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Chúng ta biết chung tay gìn giữ, phát huy, quảng bá những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cha ông để lại. Chúng ta biết nói không với phim ảnh đồi trụy, phản cảm trên không gian mạng xã hội. Chúng ta không chạy theo hoặc thần tượng hóa những cá nhân người nước ngoài chỉ vì sự nổi tiếng bên ngoài của họ. Chúng ta không cổ súy, ăn mặc phản cảm theo những hội nhóm, trào lưu du nhập trái với thuần phong mĩ tục của dân tộc. Chúng ta ứng xử có văn hóa ngoài xã hội; nhất là khi ra nước ngoài hoặc giao tiếp với khách nước ngoài, phải giữ được hình ảnh thân thiện, lịch thiệp, yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng công lý và lẽ phải...

Hãy tự hào mình là người Việt Nam, hãy thể hiện sức mạnh mềm của dân tộc Việt Nam và mở rộng biên giới mềm sang các nước khác bằng văn hóa, bằng tài năng, trí tuệ và thành tựu khoa học - công nghệ mà người Việt Nam đã làm được. Để cho thế giới thấy rằng, người Việt Nam chúng ta không hề thua kém bất cứ một dân tộc nào trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.