Giữ nguyên thi 3 chung, thay đổi cách ra đề

Giữ nguyên thi 3 chung, thay đổi cách ra đề
 

A. Phương án đổi mới

Giữ nguyên thi 3 chung, thay đổi cách ra đề

Gọi ĐT là điểm thi của thí sinh; ĐT =  a. A + b. B + c. C. 

- Trong đó A, B, C là điểm thi của các nội dung lần lượt là (Toán và Tư duy logic), (Xã hội), (Ngoại ngữ).

- Còn a, b, c là hệ số tương ứng.

Môn A, C điểm thi tối đa là 100. Môn B điểm thi tối đa là 10 (Môn A và C thi đề như nhau giữa các ngành. Môn B có thể đề thi khác nhau. Ví dụ, đề thi môn B vào khối Y dược phải khác so với khối Sư phạm).

1. Với khối Kinh tế, Kỹ thuật, Y, Nông lâm...

Thí sinh phải thi hai nội dung là A và B (C có thể coi như bằng 0). Trong đó điểm thi môn Xã hội (B) có thể chỉ cần điểm trung bình là đạt. Trong khi đó điểm số môn Toán và Tư duy logic (A) sẽ phải nhân hệ số cao.

Ví dụ, để vào được ĐH Bách khoa Hà Nội thì thí sinh phải đạt điểm 5 môn B và điểm môn A phải vượt qua “sàn” của trường này. Ví dụ, ĐH Bách khoa Hà Nội lấy từ 80 điểm trở lên thì những thí sinh đỗ là những người đạt ít nhất 5 điểm môn B và 75 điểm môn A.

Nếu hai người có môn A bằng nhau thì xét điểm môn B.

2. Với khối Xã hội:

Tương tự như trên nhưng đổi vị trí cho A và B. Hoặc có thể yêu cầu thêm ngoại ngữ (C), tùy từng trường.

Ví dụ, một người đỗ khoa Văn ĐH Sư phạm phải đạt ít nhất 30 điểm môn A và 7 điểm môn B. Nếu hai người có môn B bằng nhau thì xét điểm môn A.

3. Với khối Năng khiếu:

Thêm nội dung D, E, F...với các hệ số tùy từng trường chọn, sao cho phù hợp.

B. Nội dung thi

- Môn A (Toán và Tư duy logic): Tư tưởng chung là đánh giá năng lực của thí sinh. Cấu trúc đề giống như GMAT, SAT, IQ test. Điểm tối đa là 100.
- Môn B: Ra các đề bài mở, yêu cầu thí sinh viết các bài luận về các đề tài gần gũi với học sinh. Điểm tối đa là 10.
- Môn C, D, F, F...: Thi như hiện nay

C. Ưu điểm và khó khăn

1. Ưu điểm

- Giữ được tính ưu việt của 3 chung nhưng cũng khắc phục được các khuyết điểm của 3 chung.

- Tạo sự ổn định, thống  nhất trong cả nước. Các trường được dùng kết quả của nhau.

- Thi nhiều đợt trong năm. Có thể có những thí sinh lớp 10, 11 đã đạt điểm cao môn A nhưng môn B còn kém thì họ có thời gian để học hỏi kiến thức xã hội, tự hoàn thiện mình để lần thi sau đạt điểm cao môn B.

- Học sinh thi lại không phải mất quá nhiều thời gian để ôn thi.

- Sinh viên nếu vào ĐH không thấy hợp với ngành đào tạo, có thể thi lại mà không phải vất vả ôn thi (với cách thi cũ, phải mất rất nhiều thời gian để ôn lại). Nếu các trường “top trên” liên thông với nhau, sinh viên trường này có thể chuyển sang trường khác học…

- Do phải thi ít nhất 2 môn A và B nên học sinh sẽ phải chú ý học tương đối toàn diện giữa Toán và Xã hội.

- Học sinh nhà nghèo, có tư chất không phải học thêm nhiều. Có thời gian giúp đỡ gia đình, học ngoại ngữ, tìm hiểu các vấn đề xã hội xung quanh.

2. Khó khăn

- Cái mới lúc nào cũng gặp khó khăn khi ra đời. Rất nhiều lãnh đạo các trường ĐH hầu như chưa biết gì về SAT, GMAT...nên cứ tưởng đổi mới tuyển sinh sẽ thi theo đề ngày xưa, gây ra dạy thêm, học thêm.
- Khối Y học, Nông lâm trước đây thi cả Hóa và Sinh. Vậy tại sao lại chỉ thi A và B?

Để có thể trả lời vấn đề này, những người làm quản lý Giáo dục phải tới các trường Y, Nông lâm để hỏi các sinh viên xem, có dùng nhiều kiến thức Hóa và Sinh bậc phổ thông không hiện nay không? Khi nào chúng ta đổi mới thành công Sách giáo khoa theo hướng giảm tải, lúc đó sẽ tính đến làm các Modul thi các môn này cho khối Y hoạc và Nông lâm.

- Các trường dễ dàng dùng máy để chấm bài thi môn A, C. Nhưng với các môn còn lại, cần huy động giáo viên các khối xã hội, giáo viên dạy Văn các trường phổ thông…để chấm thi.

Hoàng Tuân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ