Thế nhưng, thành được hẳn thương hiệu thì có lẽ chỉ có bánh đa làng Kế - một trong những món quà quê được coi là đặc sản của vùng đất Bắc Giang, ăn một lần là khó quên được.
Ngon, lạ đã đành, nhưng quả là có đến tận nơi ngôi làng chuyên sản xuất ra những chiếc bánh đa giòn tan, thơm lừng ấy, mới cảm nhận được hết hương vị của món quà quê đặc biệt này.
Quà quê dân dã thành thương hiệu
Có dịp đến thăm làng nghề bánh đa Kế, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi một không gian làng quê thật khác lạ với những hàng bán bánh đa tấp nập trên đường, hòa quyện cùng hương vị đặc biệt mùi bánh đa tráng, bánh đa nướng cứ phảng phất hòa quyện với không gian.
Chỗ này người tất bật với những chiếc phên nứa phơi đầy bánh, chỗ kia người bán một tay cầm bánh đa, một tay cầm quạt, phe phẩy trên chậu than hồng cứ thế làm chiếc bánh nở phồng, nóng hổi, thơm lừng theo gió quạt. Đó là làng Dĩnh Kế, ngôi làng cổ nằm dọc theo Quốc lộ 1A cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 2km về phía Đông Bắc.
Bên ấm trà nóng, các cụ cao niên trong làng cho biết: Người dân làng Kế làm bánh đa quanh năm nhưng nhiều nhất vào thời điểm nông nhàn, khi đã kết thúc mùa vụ. Đây là nghề có từ rất lâu đời, được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác cho người dân trong làng.
Dẫn chúng tôi xuống gian bếp nhỏ, lỉnh kỉnh các chậu bột, lò tráng, xoong vừng, chị Nguyễn Thị Lành, 45 tuổi cho biết, gia đình chị hiện có đến 3 thế hệ đều làm bánh đa.
Chị cũng theo nghề này như một duyên nợ. Cứ 3 giờ sáng chị đã trở dậy tráng bánh. Hôm nào thời tiết không mưa thì làm được nhiều, còn những hôm tiết trời không thuận lợi thì làm ít hơn vì phải đem vào sấy.
Cứ như vậy, sáng sớm tráng bánh, rồi phơi bánh và quạt bánh. Cái quy trình chẳng lấy gì làm mới của người làng Kế cứ lặp đi lặp lại hàng ngày cho ra những chiếc bánh đa vàng giòn tan thơm bùi theo chân khách thập phương trên khắp các chợ vùng quê và vào cả những nhà hàng sang trọng. Cũng vì thế, mà thương hiệu bánh đa của làng Kế gắn bó với cái tên của ngôi làng không thể tách rời.
Công phu và bí quyết của nghề
Để làm được bánh đa phải chọn loại gạo ngon, rồi để lâu ngày, khi ấy nhựa gạo chuyển hoá thành một dạng thức khác, cô đọng và hòa tan vào những hạt gạo trắng trong, rồi đem vo gạo và vo cũng phải rất nhẹ nhàng, làm sao cho vừa sạch lại vừa bảo đảm những bụi cám vẫn còn dính trên hạt gạo ấy.
Sau đó đem gạo ngâm với nước, vớt ra để cho ráo nước rồi cho vào máy xay, tạo ra thứ bột mịn và trắng muốt. Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, bột được đem tráng để thành hình hài chiếc bánh.
Tuy tráng bánh đa có nhiều điểm tương đồng với tráng bánh cuốn nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn của người thợ lành nghề. Là loại bánh dùng để nướng nên khi tráng phải dày hơn.
Bánh được tráng hai lần, sau khi lớp một chín nhưng vẫn còn ướt, lớp hai được trải đều ngay trên lớp một, tuy nhẹ tay nhưng đều và phẳng.
Khâu khó nhất của chiếc bánh đa chính là khâu quạt bánh. Theo các bà, các chị ở làng Kế chia sẻ: Than để nướng bao giờ cũng phải là thứ than củi.
Kỹ thuật nướng cũng đòi hỏi sự khéo léo. Không được quạt mạnh quá, than bốc lửa, bánh dễ cháy mà không chín. Một tay quạt liên tục quạt, một tay lật bánh đều hai mặt cứ như vậy cho đến khi chiếc bánh đa phồng lên, giãn nở đều, chín rộp dần dần và cong lên khum khum, từ từ chuyển sang màu vàng ruộm, vừng chín thơm lừng là được.
Cho đến ngày hôm nay, bánh đa Kế đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực và thức quà đặc sản đậm chất đồng quê Bắc Bộ. Đến nay cả xã có 11 thôn, thì có 6 thôn với trên một trăm hộ làm bánh đa và trở thành nghề chính, dẫu thu nhập so với các nghề khác chẳng đáng là bao, nhưng ít nhiều nó vẫn đảm bảo cho cuộc sống.
Hơn nữa đó là nghề truyền thống của làng nên cũng chẳng mấy ai muốn bỏ. Và vì thế cuộc sống dẫu có đổi thay. Người làm nghề nơi này, nơi khác có mánh khóe, dối gian để nhanh làm giàu, nhưng mừng thay người dân làng Kế vẫn bảo nhau gìn giữ tinh hoa của làng nghề, để mảnh đất Kinh Bắc vẫn còn đó một món quà thơm thảo, một món quà quê.