Gian nan cai nghiện
8 giờ sáng 29/5, Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí Bệnh viện Bạch Mai 18006606 tiếp nhận cuộc gọi tư vấn của một bạn sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội có nhu cầu bỏ thuốc lá. Qua tổng đài, bạn sinh viên này cho biết, đã tiếp xúc với môi trường thuốc lá từ khi còn rất nhỏ, vì hằng ngày, ông nội và bố đều hút thuốc ở mọi lúc, mọi nơi. Đến gần 10 tuổi, cậu đã lấy thuốc lá của ông và bố vứt vương vãi trên bàn để hút thử. Nghĩ hút một vài điếu sẽ không thể nghiện mà hút thuốc là thể hiện bản lĩnh đàn ông giống ông và bố nên hút thuốc “đắng và khét” nhưng cậu vẫn cố hút. Cậu đã nghiện thuốc lá nặng, mỗi ngày phải hút từ 2 - 3 bao mới thỏa cơn thèm. Sau gần 10 năm hút thuốc, giờ sức khỏe giảm sút, cậu thường xuyên ho khan kéo dài, mệt mỏi, miệng hôi, răng đen... nên cậu có ý định từ bỏ thuốc lá. Tổng đài viên đã tư vấn hỗ trợ các thông tin nhằm giúp cậu sinh viên này cai thuốc lá.
GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: Sau một thời gian hoạt động, Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận khoảng 12.000 cuộc gọi. Điều đáng mừng, đã có hơn 30% số người được tư vấn cố gắng từ bỏ thuốc mà không sử dụng bất kỳ biện pháp hỗ trợ nào khác. Xây dựng phòng điều trị và tư vấn cai nghiện thuốc lá là việc làm hết sức cần thiết nhằm kiểm soát toàn diện các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá. Đây là cách đơn giản, dễ dàng có thể tiếp cận trực tiếp đến những người đang sử dụng thuốc lá, là kênh truyền thông, tư vấn hữu hiệu góp phần giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá. Đồng thời, giúp người nghiện thuốc lá có thêm động lực, cam kết mạnh mẽ hơn nữa trong việc từ bỏ thuốc lá. Ngoài ra, lời khuyên cai thuốc lá từ nhân viên y tế - những người thường xuyên tiếp xúc với người hút thuốc lá, được xem là động lực quan trọng giúp họ thử cai thuốc lá.
Để không “trẻ hóa” người hút thuốc
Hiện nay, có rất nhiều sinh viên đã trở thành con nghiện nặng thuốc lá, hàng tháng phải dành ra một khoản kinh phí không nhỏ để tiêu tốn vào việc hút thuốc lá trong khi đó các nhu cầu về ăn uống, bồi bổ cơ thể lại dễ dàng bỏ qua. Kết quả khảo sát tại một số trường cao đẳng, đại học, cho thấy cảnh hút thuốc lá của nam SV là phổ biến.
Theo thống kê, cứ 100 SV nam, có tới 40 người hút thuốc lá thường xuyên, 30 người mắc nghiện đến khó lòng bỏ được, 10 người thì vẫn thi thoảng làm một, vài điếu cho vui, và số bạn không hút thuốc lá chỉ còn 20 người. Độ tuổi hút thuốc lá ở nước ta đang dần bị trẻ hóa, vì vậy công tác phòng chống hành vi hút thuốc lá ở tuổi vị thành niên là rất quan trọng, bởi tỷ lệ trong cơ cấu dân số ở độ tuổi này khá cao.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng học sinh hút thuốc lá phổ biến một phần cũng do thuốc lá được bán ở khắp nơi. Tại các cổng trường, nhiều cơ sở bán lẻ thuốc lá vì lợi nhuận họ sẵn sàng bán cho những đối tượng dưới 18 tuổi, hoặc sợ mất khách, phiền phức nên không hỏi chứng minh thư của người mua.
Để hạn chế hiện tượng hút thuốc lá nói chung và sự gia tăng hút thuốc lá trong giới trẻ nói riêng, đòi hỏi các ngành chức năng cần phải có những biện pháp xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm, hạn chế việc sản xuất và nhập khẩu thuốc lá. Ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá trong thanh niên, thiếu niên là việc làm cấp bách của mọi gia đình và xã hội trước khi những hiểm họa lớn có thể xảy ra.