Chiều 28/9, Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu tác phẩm "Theo dấu chân Người" và giao lưu với tác giả GS.TS, Nhà văn Trình Quang Phú.
"Theo dấu chân Người" viết về hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tác phẩm đã khắc họa rõ nét và chi tiết những địa điểm, những sự kiện lịch sử mà Bác Hồ đã trải qua trong những năm tháng bôn ba khắp năm châu bốn bể cho đến khi trở về lãnh đạo Cách mạng Việt Nam đi đến thành công.
Nhà văn đã đã đi đến những nơi Bác Hồ từng ở để sưu tập, ghi chép, đối chiếu. Sau đó, ông viết những câu chuyện dưới góc nhìn mới, truyền tải sinh động về cuộc sống, sự nghiệp của Bác Hồ khi Người ở nước ngoài.
"Với tất cả tình cảm cao cả với Bác, sự thôi thúc của một nhà văn, tôi đã xây dựng nên tập truyện ký 'Theo dấu chân Người'. Hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc thông tin, tư liệu bổ ích và qua những trang sách này người đọc sẽ hiểu thêm, yêu và học tập phong cách, ý chí cao cả của Bác", Nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho hay, 30 năm là chặng đường dài - không chỉ phản ánh một chân dung, mà còn thể hiện một hành trình dài về mặt lịch sử, về tâm trí của một vị lãnh tụ mà tất cả chúng ta đều rất ngưỡng mộ và không ngừng học tập.
“Tinh thần của viên chức, giảng viên, học viên cao học, sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM trong những năm tháng vừa qua luôn luôn dõi theo bước chân Người, luôn luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như một trong những trọng trách cực kỳ quan trọng.
Chúng tôi có lòng tự tôn, có sự ngưỡng mộ, có sự tiếp bước. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn soi rọi bài học của vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta. Hôm nay chúng ta sẽ được sưởi ấm trái tim mình, sưởi ấm tâm trí mình bằng những bài học, kinh nghiệm và câu chuyện trong những trang sách giàu tình cảm của người Việt Nam dành cho Bác”, GS Huỳnh Văn Sơn nói.
Theo PGS.TS, Trung tướng Nguyễn Đức Hải - Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược - Bộ Quốc phòng, tác phẩm không chỉ cho người đọc sự cảm động, kính trọng mà còn đặt ra câu hỏi, làm thế nào để mỗi chúng ta xứng đáng theo dấu chân Người.
"Khát vọng lớn lao của Bác khi đi tìm đường cứu nước là khát vọng của một con người hy sinh cả cuộc đời riêng của mình để kiên quyết tìm được con đường cứu nước. Thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai cần đặt ra câu hỏi, ta đã làm gì cho đất nước. Chúng ta phải tiếp tục học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt phải có khát vọng để xây dựng đất nước cao nhất, đặt mục tiêu dân tộc lên trên hết. Đất nước hoà bình, ổn định thì cuộc sống mới phát triển", Trung tướng Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
GS. TS, Nhà văn Trình Quang Phú sinh năm 1940, quê ở Phú Yên, là một nhà khoa học, một nhà giáo dục uy tín tại Việt Nam.
Ông có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là về văn hóa và lịch sử.
Trong sự nghiệp văn chương của mình, ông dành nhiều tình cảm kính trọng đối với Bác Hồ. Đến nay, nhà văn đã có 6 tác phẩm viết về Bác, được tái bản nhiều lần như "Miền Nam trong trái tim Người", "Người là niềm tin", "Đường Bác Hồ đi cứu nước", "Theo Bác Hồ đi kháng chiến", "Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng" và "Theo dấu chân Người".