Giỗ Tổ Hùng Vương - Biểu tượng đại đoàn kết dân tộc

GD&TĐ - Ngày 10 tháng 3 đã về, những ngày này vạn ngả đường đều hướng về miền Đất Tổ, muôn trái tim Việt dù ở đâu, đi đâu cũng tĩnh tâm lắng lòng hướng về ngày Quốc giỗ Hùng Vương, ai ai cũng thành tâm muốn dâng nén hương thơm tri ân công đức tổ tiên.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Biểu tượng đại đoàn kết dân tộc

Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân đất Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng; là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là nơi mà mỗi người dân Việt Nam dù quần tụ ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng luôn hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”.

Với những giá trị văn hóa được vun đắp qua nhiều thế hệ, trải qua mấy nghìn năm lịch sử, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương không những trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, là niềm tin chói sáng của một nền văn hóa… mà ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành chiếc cầu nối hữu hình cho niềm tin sâu sắc vào quá khứ hào hùng của dân tộc.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày lễ lớn của đất nước. Mỗi người dân Việt luôn hướng về ngày Giỗ Tổ với hồn thiêng của dân tộc, tìm về với cội nguồn với tâm tưởng “uống nước nhớ nguồn”, với lòng tôn kính biết ơn công lao của tổ tiên và để tìm thấy những bài học quý báu của thời đại các Vua Hùng những giá trị trường tồn.

Đó là bài học toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng cùng nhau xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái, nghĩa đồng bào trong sáng, thiêng liêng, sống thủy chung thân ái, cần cù, thông minh sáng tạo và kiên cường đấu tranh chinh phục thiên nhiên, tự lực tự cường và tự tôn dân tộc mạnh mẽ.

Đó cũng chính là bài học: Dựng nước phải đi đôi với giữ nước, khi có họa ngoại xâm thì cả nước cùng đánh giặc; là bài học phát huy sức mạnh trí tuệ của dân tộc; là sự kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, lối sống, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam... để tạo nên giá trị văn hóa mới trên cơ sở phát huy bản sắc tốt đẹp của dân tộc, đồng thời kết hợp với tinh hoa của thời đại.

Chúng ta luôn tự cảm thấy mình phải có bổn phận không chỉ tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn, mà khắc ghi trong tâm khảm lời dạy của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” bằng việc thúc đẩy tăng cường việc giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, làm cho hình tượng Hùng Vương tiếp tục trường tồn, trở thành đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chỉ có trong văn hóa Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ