Gìn giữ gia phong trong "kỷ yếu gia đình"

Gìn giữ gia phong trong "kỷ yếu gia đình"

(GD&TĐ) - Chuyện bắt đầu từ dịp Tết Mậu Tý năm 2008, khi ông Hoàng Đức Lộc, nguyên Chỉ huy phó Tỉnh đội Bình Trị Thiên (cũ), vừa bước sang tuổi 80. Năm ấy, con cháu ông đã nảy ra ý tưởng mừng thọ cha mẹ, ông bà bằng cách xây dựng một tập “kỷ yếu gia đình” để ghi chép, lưu giữ một số kỷ niệm và hình ảnh đáng nhớ của đại gia đình, qua đó con cháu vừa có dịp ghi ơn các cụ, vừa nhắc nhở nhau gìn giữ, phát huy truyền thống gia đình, họ tộc...

Và rồi, món quà ý nghĩa ấy đã được hoàn thành với hơn 100 trang A4 gồm rất nhiều tư liệu, hình ảnh ghi dấu những kỷ niệm kể từ thời thơ ấu của vợ chồng ông Lộc cho tới khi ông bà có thêm những đứa chắt vừa sinh...

Ông Hoàng Đức Lộc
Ông Hoàng Đức Lộc

Trong “phần tự thuật”, ông Lộc đã kể lại cho con cháu khá chi tiết về gốc tích họ Hoàng Đức ở vùng đất Tam Hữu, về thung lũng Cùa – nơi từng được Tôn Thất Thuyết xây căn cứ phò vua Hàm Nghi chống Pháp, về những năm tháng ông tham gia cách mạng, cả trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ... “Vợ chồng tôi sinh được 2 gái, 4 trai, cháu nào cũng ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ, học hành giỏi giang, chúng tôi luôn lấy đó là nguồn động viên để mình vượt qua bao khó khăn, vất vả đời thường”, ông Lộc bày tỏ. Ở những trang tiếp theo, hình ảnh bà Nguyễn Thị Mãn - vợ ông - cũng được khắc họa với giọng văn cảm thông: “Hằng ngày, vừa lo công việc, lại vừa lo cho các con ăn học, nhiều đêm vợ tôi phải thức trắng đêm vì cảnh trên bom, dưới đạn, lại phải xa con, không biết sống chết thế nào, một vài tháng mới về thăm con được một hôm rồi lại đi. Suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, không biết bao nhiêu lần mẹ con phải chia tay nhau trong tâm trạng không hẹn ngày gặp lại”.

Trong dòng hồi ức về quãng thời gian gia cảnh còn chật vật, ông Lộc nhớ nhất lần cô con gái đầu lòng mang tên Kim Quả từng bị cọp... vồ hụt: “Ở làng tôi hồi đó có con cọp ba chân, đêm nào cũng vào làng bắt người và trâu bò để ăn. Đêm xuống, mọi người nơm nớp lo sợ. Một đêm, soạt một tiếng, con cọp đã vào nhà. Khi ấy, cả nhà tôi chui xuống hầm, chỉ còn Quả mới 5 tháng tuổi đang đắp chăn nằm trên giường. Tưởng cọp không phát hiện ra, nào ngờ nó đến bên con bé... Thật phúc cho gia đình, con cọp chỉ kẹp được cái chăn, còn con gái tôi vẫn sót lại. Đêm đó, rất đông bà con trong làng đã đốt đuốc đến cứu và chúc mừng gia đình tôi”.

Không chỉ động viên con cháu trong nhà giữ gìn nền nếp, truyền thống gia đình, ông còn trích tiền lương hưu ít ỏi của mình để đi Nam Đàn, Nghệ An quê Bác, gặp các cán bộ lão thành ở đây nhằm sưu tầm những mẩu chuyện về Bác rồi trở về viết bài tham luận và đi nói chuyện tại các câu lạc bộ, tổ dân phố. Trong gia đình, ông Lộc cho họp con cháu để phổ biến kế hoạch “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những nội dung công việc, chỉ tiêu, thời gian và biện pháp cụ thể. Ông yêu cầu các hộ gia đình con cháu đều phải có ảnh hoặc tượng Bác đặt ở nơi trang trọng nhất. Riêng bàn thờ Bác Hồ đặt tại nhà ông là nơi trung tâm để hằng năm con cháu hội tụ về báo cáo với Bác những công việc mình làm được trong năm qua.

Cuốn kỷ yếu của gia đình ông Hoàng Đức Lộc
Cuốn kỷ yếu của gia đình ông Hoàng Đức Lộc

“Khi các con tôi nảy ra ý tưởng ghi lại những nét truyền thống của gia đình, dòng tộc trong một cuốn kỷ yếu, tôi đã hết sức ủng hộ bởi nghĩ rằng sau này nó sẽ trở thành một kỷ vật thiêng liêng của đại gia đình”, ông Lộc đã chân thành bộc bạch với chúng tôi như vậy.

“Con cháu sau này phải có trách nhiệm gìn giữ và ghi nhớ công ơn của những người đi trước, phải học tập, phấn đấu để làm rạng danh cho gia đình và dòng tộc, phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, có trách nhiệm với người còn sống cũng như người đã khuất...”. Đó là những lời tựa được trang trọng ghi trong phần đầu cuốn “Kỷ yếu gia đình” của ông Hoàng Đức Lộc (thôn Tam Hữu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Việc gìn giữ gia phong trong một cuốn kỷ yếu như ở gia đình ông Lộc quả là một nét đẹp truyền thống rất đáng để các gia đình, dòng tộc khác tới tham khảo, học tập...

Bài, ảnh: Bùi Vũ Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.