Gieo hạt giống tri thức và tâm hồn cho thế hệ trẻ

GD&TĐ - Sách không chỉ phục vụ cho năng lực chuyên môn của mỗi người mà còn giúp chúng ta nâng cao phông văn hóa, từ đó sẽ đi vào cuộc sống một cách tự tin và thú vị, lan tỏa giá trị bản thân một cách sâu và rộng.

Trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), tại Công viên Di sản, các nhà khoa học Việt Nam (CVDS) ở xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, Sở Thông tin-Truyền thông, Sở  Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình phối hợp với CVDS tổ chức một cuộc tọa đàm và trưng bày, giới thiệu sách để truyền cảm hứng đọc sách và lan tỏa văn hóa đọc tới các độc giả trẻ.

Đây cũng là dịp để tôn vinh những người viết, in và phát hành sách, lưu trữ và phát huy giá trị của Sách trong cộng đồng.

Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Hòa Bình khai mạc Ngày hội.

Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Hòa Bình khai mạc Ngày hội.

Năm nay là năm thứ 6, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức được ngày hội sách có ý nghĩa này, được nhiều tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là các thầy cô giáo và học sinh hưởng ứng.

Trong lời phát biểu khai mạc, ông Hoàng Mạnh Cường – Phó giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Hòa Bình đã nêu rõ tầm quan trọng của sách trong bối cảnh bùng nổ các kênh thông tin của thời kỳ 4.0, vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn trong quá trình tiếp nhận tri thức của con người.

Văn hóa đọc cũng đang có nguy cơ mai một trong cuộc sống hối hả hiện nay. Với các em học sinh, vai trò của nhà trường và gia đình là rất quan trọng trong việc tạo cho các em niềm đam mê đọc sách, biết cách lựa chọn sách và đọc sách hiệu quả. 

Cô giáo Nguyễn Thu Hằng ở trường tiểu học và THCS Bắc Phong cũng nhấn mạnh: Sách không chỉ mở ra chân trời tri thức, mà còn giúp giáo dục nhân cách và bồi dưỡng tâm hồn cho thế hệ trẻ. Thư viện nhà trường là một không gian có sức thu hút với các em học sinh. Các em đến đây không chỉ để đọc sách, mà còn được giao lưu về sách, tham gia các cuộc thi vẽ tranh theo sách, giới thiệu sách… Sách đã gieo hạt giống tri thức và tâm hồn cho các em.

PGS-TS Ngô Văn Giá truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

PGS-TS Ngô Văn Giá truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Trong buổi tọa đàm về Sách và Văn hóa đọc này, PGS.TS Ngô Văn Giá – nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Chủ tịch Hội đồng khoa học Khoa, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội đã kể những câu chuyện thực tế rất hấp dẫn về giá trị của sách, về niềm hạnh phúc của mình khi được sống cùng sách và sống bằng sách.

Sách không chỉ phục vụ cho năng lực chuyên môn của mỗi người, sách còn giúp chúng ta nâng cao phông văn hóa, từ đó chúng ta sẽ đi vào cuộc sống một cách tự tin và thú vị, lan tỏa giá trị bản thân một cách sâu và rộng. Sách như chân trời, người đọc là người bay trong chân trời ấy. Có sách mà không có người đọc như chân trời không có người bay. Và ngược lại. Cả hai trường hợp đều thật đáng buồn. 

Gian trưng bày sách của Trung tâm Di sản các nhà khoa học thu hút nhiều bạn trẻ tham quan.

Gian trưng bày sách của Trung tâm Di sản các nhà khoa học thu hút nhiều bạn trẻ tham quan.

Tại 10 gian trưng bày, giới thiệu sách của các nhà trường, các thư viện và CVDS, hơn 400 độc giả trẻ tham dự buổi tọa đàm đã có cơ hội tiếp tục giao lưu với nhau về Sách và Văn hóa đọc, về việc lựa chọn sách để đọc và đọc sách thế nào cho hiệu quả.

Họ cũng bày tỏ mong muốn, rằng việc tôn vinh giá trị của sách và nâng cao văn hóa đọc sẽ không chỉ diễn ra trong Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4, mà sẽ là một hoạt động được tổ chức thường xuyên hơn, với nhiều hình thức đa dạng hơn trong cộng đồng, nhất là trong môi trường giáo dục, với thế hệ trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ