Hệ lụy của việc phát hành “lấy được”
Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thực sự là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, đồng thời đây cũng là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh việc phát hành thẻ. Tuy nhiên, việc các ngân hàng đua nhau phát hành thẻ như trong thời gian qua đang thực sự gây lãng phí không nhỏ cho chính ngân hàng cũng như chủ sử dụng thẻ.
Bởi trong tổng số 132 triệu thẻ hiện nay, thì chỉ có 77 triệu thẻ đang hoạt động thực sự. Như vậy, còn có tới 55 triệu thẻ đang không hoạt động, hoặc đã bị khóa do quá hạn mà không kích hoạt.
Nhằm lôi kéo khách hàng mở thẻ, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã có những chương trình khuyến mãi như: Dịch vụ đến tận cơ quan, gia đình làm thủ tục, hay miễn phí mở thẻ. Thậm chí có ngân hàng còn không bắt buộc khách hàng phải duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản khi mở thẻ nên họ cứ thoải mái mở mỗi khi được mời…
Anh Nguyễn Ngọc Thành – cán bộ văn phòng của một cơ quan Nhà nước có trụ sở đóng trên địa bàn quận Đống Đa cho biết, hiện anh đang sử dụng 6 thẻ của 6 ngân hàng khác nhau - trong đó có cả thẻ ATM và Visa.
Tuy sở hữu nhiều thẻ, nhưng thực tế anh Thành chỉ sử dụng có 2 thẻ, 1 thẻ chuyên để nhận lương của cơ quan trả hàng tháng và sau đó rút tiền ra. Chiếc thẻ Visa còn lại thi thoảng mới dùng đến - chẳng hạn chưa đến kỳ lương, nhưng gia đình cần gấp một khoản tiền thì vay tiêu trước rồi đến khi có lương lại hoàn trả, những thẻ còn lại hầu như không bao giờ sử dụng đến, thậm chí có thẻ còn chưa kích hoạt.
Các chuyên gia cho rằng, việc các ngân hàng ồ ạt phát hành thẻ trong thời gian đã mang lại một phần thu nhập không nhỏ cho họ. Thậm chí có không ít ngân hàng chấp nhận chịu lỗ trước để phát hành thẻ cho đủ chỉ tiêu, sau đó tìm cách khai thác các dịch vụ khác để bù lại như: Tài trợ thương mại với tổ chức, doanh nghiệp trả lương, cho chủ thẻ tiêu trước, trả sau hoặc dùng thẻ đi mua sắm với nhiều ưu đãi…
Tuy nhiên, không phải lúc nào khai thác những dịch vụ này cũng mang về lợi nhuận cho ngân hàng. Bởi một khi doanh nghiệp, hoặc chủ thẻ muốn thay đổi ngân hàng để thuận tiện cho việc giao dịch, khi đó chắc chắn những tấm thẻ này sẽ biến thành thẻ… “rác”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc lãng phí về nguồn lực, cũng như tiền bạc cho ngân hàng.
Siết chặt quản lý: Nhanh còn kịp!
Chính việc miễn phí, hoặc đến tận cơ quan hay gia đình để làm thủ tục mở thẻ của không ít ngân hàng trong thời gian qua, nên dù không thực sự có nhu cầu, nhưng nhiều người vẫn cứ vô tư mở thẻ. Thậm chí có không ít người còn suy nghĩ, mở thẻ có mất mát hay thiệt hại gì đâu nên đã vô tư mở, thậm chí mở tới 6 - 7 chiếc cùng lúc.
Để hạn chế tình trạng các cá nhân mở nhiều thẻ một lúc tại các ngân hàng khác nhau, trong khi chỉ có nhu cầu sử dụng 1 - 2 thẻ. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi các chi nhánh NHNN trên cả nước cần phải rà soát, đánh giá lại quy trình, thủ tục, hồ sơ và giám sát chặt chẽ khi sử dụng và mở thẻ ATM.
Các ngân hàng thương mại cần tăng cường biện pháp kiểm tra, nhận biết, xác minh và cập nhật thông tin khách hàng để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp mạo danh sử dụng giấy tờ giả để mở và sử dụng tài khoản thanh toán, đặc biệt là những khách hàng đăng ký mở nhiều thẻ ở nhiều ngân hàng khác nhau.
Đồng thời, đánh giá, phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro, cân nhắc việc giới hạn số lượng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng đối với một khách hàng. Đặc biệt, cần phải rà soát các giao dịch thanh toán của các đơn vị chấp nhận thẻ để phát hiện các giao dịch đáng ngờ, nhất là các đơn vị chấp nhận thẻ có giao dịch với số tiền lớn, giao dịch nhiều lần, không phù hợp với hoạt động kinh doanh của đơn vị, hay thu nhập của cá nhân chủ thẻ…
Theo Hiệp hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, tuy số lượng thẻ được mở liên tục tăng theo từng năm, nhưng thực tế việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn rất thấp và gần 90% các thẻ giao dịch qua ATM vẫn chủ yếu là để rút tiền mặt.