Giáo viên xây cầu nối cho học sinh Mỹ tìm hiểu văn hóa Việt

GD&TĐ - Với mong muốn tạo ra sự trao đổi toàn cầu trong từng lớp học, cô giáo cô Jessica Cleland - Giáo viên trường Clarkston (Hoa Kỳ) - đã có những ý tưởng thú vị giúp học sinh của mình được "sống" trong nhiều không gian văn hóa. Phương tiện cô sử dụng chính là công nghệ thông tin.

Giáo viên xây cầu nối cho học sinh Mỹ tìm hiểu văn hóa Việt

Tìm kiếm cơ hội cho học sinh kết nối với thế giới

"Từ năm 2013, tôi bắt đầu tìm kiếm cơ hội cho học sinh của mình kết nối với thế giới" - cô Jessica Cleland chia sẻ tại hội thảo quốc tế Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học hỗn hợp đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới vừa tổ chức ở Hà Nội:

Cô nói: Sở dĩ tôi muốn làm việc này vì các học sinh ở Trường THCS Clarkston, bang Michigan, nơi tôi dạy đều có điều kiện, được cha mẹ quan tâm, hỗ trợ cả trong học tập và các hoạt động ngoại khoá.

Cộng đồng dân cư cũng đóng vai trò quan trọng và ủng hộ nhà trường. Phần lớn học sinh cùng lớn lên, đi học cùng nhau trong nhiều năm nên các em biết rõ những câu chuyện của nhau. Vì vậy, sự gắn kết mang tính xã hội và cộng đồng bên trong và ngoài trường rất mạnh mẽ.

Cô Jessica Cleland - Giáo viên trường Clarkston (Hoa Kỳ) 

Tuy nhiên, các em lại chưa có cơ hội được mở rộng tầm mắt về thế giới xung quanh, chưa có những hiểu biết về toàn cầu.

Thế là, tôi bắt đầu liên hệ với thầy Chris Mcdonald, Tổng hiệu Trưởng trường Olympia để xây dựng quan hệ đối tác giữa các trường của chúng tôi nhằm cho phép học sinh của tôi ở Clarkston, Michigan kết nối với các học sinh Trường Olympia ở Việt Nam.

Mục tiêu ban đầu rất đơn giản: Các học sinh của tôi sẽ tìm hiểu về văn hóa Việt Nam và cuộc sống của học sinh cùng trang lứa cách xa hàng ngàn dặm và cũng chia sẻ văn hóa và cuộc sống của mình.

Thành công đầu tiên của dự án khi kết thúc năm 2014 khiến chúng tôi rất phấn khởi và cam kết tiếp tục hợp tác trong năm học 2015-2016. Chúng tôi đẩy mạnh hoạt động lên tầng ý nghĩa cao hơn qua những trải nghiệm giúp học sinh thành công hơn trong học tập, truyền cảm hứng cho sự phát triển cá nhân, và thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu.

Những cây cầu nối thông minh

Cô Jessica Cleland cho biết, dự án đầu tiên mình thực hiện là kết nối học sinh lớp 9 Ngữ văn ở Clarkston với học sinh lớp 9 của cô Mai Thị Ngọc Yến tại Trường Olympia, phương tiện giao tiếp được sử dụng là Blogger App.

Công cụ này giúp học sinh có thể gửi thông tin về bản thân, nhà trường, thành phố và đất nước của mình thông qua chia sẻ văn bản, hình ảnh và video.

"Trong dự án này, học sinh của tôi đã ghi lại một Hangout Google và chia sẻ với lớp học của cô Yến, đồng thời dùng skype để trò chuyện với các học sinh ở Na Uy.

Thông qua dự án trao đổi toàn cầu từ lớp học, các em có thể mở rộng hiểu biết toàn cầu của mình bằng cách học hỏi về một nền văn hóa khác, tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa, phát triển thế giới quan, đánh giá lại ý nghĩa những việc làm của mình và lập kế hoạch hội nhập trong tương lai" - cô Jessica Cleland chia sẻ.

Bắt đầu từ năm học này, cô Jessica Cleland cho biết mình chuyển sang sử dụng lớp học Google như là một không gian chung để học sinh cùng chia sẻ kinh nghiệm học tập.

Theo đó, học sinh hai trường cách xa nửa bán cầu kết nối với một không gian học tập trên Google, nơi giáo viên có thể hướng dẫn học sinh trao đổi thông qua giao nhiệm vụ và đặt câu hỏi.

Học sinh sẽ phản hồi và cũng có cơ hội đặt câu hỏi cho nhau, góp ý bài viết cho nhau và đọc, xem lại các nguồn học liệu liên quan đến chương trình học của hai trường.

Đến cuối năm học, cả hai lớp sẽ tổ chức tại trường của mình một buổi báo cáo học tập để chia sẻ suy nghĩ và kiến thức mới về những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nền văn hóa.

Truyền cảm hứng toàn cầu với Google docs

Một dự án khá thú vị đang được cô Jessica Cleland thực hiện là sử dụng Google docs để tập hợp những câu chuyện của học sinh khắp nơi trên thế giới.

"Mọi ý tưởng cho lớp 8 Ngữ văn của tôi trong năm nay đều xoay quanh việc kể chuyện. Điều này đã truyền cảm hứng cho tôi để thử thách học sinh lớp 8 thu thập và biên dịch các câu chuyện của học sinh lớp 4 khắp nơi trên thế giới.

Để bắt đầu dự án, tôi khuyến khích học sinh tự đặt câu hỏi, lấy cảm hứng từ một cuốn sách có tên “Make just one change - Hãy tạo ra một sự thay đổi” của Dan Rothstein và Luz Santana.

Sau khi hoàn thành, học sinh chọn bốn câu hỏi mà các con tin là những câu hỏi tốt nhất để có thể thu thập những câu chuyện của học sinh lớp 4 trên toàn thế giới.

Các con đưa câu hỏi lên Google doc và chia sẻ với các lớp học kết nối với chúng tôi. Kết thúc dự án, học sinh sẽ tạo ra một bộ truyện kỹ thuật số, trình bày những câu chuyện của những học sinh lớp 4 trên thế giới và chia sẻ kết quả dự án với các lớp học tham gia" - cô Jessica Cleland chia sẻ.

Mục tiêu của dự án, theo cô Jessica Cleland, nhằm giúp học sinh nắm bắt và kể câu chuyện của người khác, đào sâu lý do vì sao câu chuyện này lại có ý nghĩa, xác định xem liệu còn có những câu chuyện cuộc đời nào lớn hơn và cuối cùng nhận ra những câu chuyện của người khác có thể giúp học sinh hiểu về bản thân và vị trí của mình trong thế giới như thế nào.

Cô Jessica Cleland cho biết thêm, học sinh lớp 8 của cô hiện đang kết nối với học sinh lớp 8 của cô Gina Pulciani tại Trường Olympia. Với hình thức 1-1, học sinh hai trường chia sẻ những câu chuyện về bản thân, cuộc sống trong và ngoài học đường. Giáo viên hướng dẫn bằng cách cung cấp các chủ đề và câu hỏi cho học sinh bàn luận.

Học sinh sẽ có cơ hội để chia sẻ bài viết, hình ảnh và video của mình, cũng như cơ hội để kết nối trên các trang web xã hội khác để kết bạn.

Từ kết quả của dự án này, cô Jessica Cleland hy vọng học sinh của mình gặt hái được kiến thức về cuộc sống của bạn bè mình trên khắp đất nước, trong đó các cuộc trò chuyện của các em bắt đầu từ việc phá vỡ định kiến. Quá trình trao đổi giúp truyền cảm hứng cho phát triển tư duy hướng đến sự cùng tồn tại và hợp tác trong hòa bình.

"Học sinh một trong các lớp 8 của tôi hiện đang kết nối với học sinh lớp 7 của cô Võ Thục Anh tại Trường Olympia. Dự án này cho phép học sinh chia sẻ những câu chuyện về bản thân, truyền thống, nghi lễ và lễ kỷ niệm của đất nước mình.

Học sinh sẽ có cơ hội để chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh và video, cũng như cơ hội để trả lời bài viết trên blog của nhau bằng cách cung cấp thông tin phản hồi và đặt câu hỏi. Qua đó tạo ra một sự trao đổi tương tác rất thú vị.

Kết quả cuối cùng là các học sinh của tôi sẽ tạo ra một dự án đa phương tiện giới thiệu truyền thống văn hóa, nghi lễ và lễ kỷ niệm của nước Mỹ và Việt Nam.

Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức về sự tương đồng và khác nhau của nền văn hóa Mỹ và Việt, tìm hiểu cách hai nền văn hóa ảnh hưởng đến thế giới và tôn trọng sự đa dạng hiện có trên thế giới" - cô Jessica Cleland.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.