Giáo viên VNEN tự tin khi áp dụng Chương trình mới

GD&TĐ - Chuẩn bị triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, giáo viên các trường VNEN tự tin vì đã có kinh nghiệm dạy học định hướng năng lực nhờ phương pháp VNEN.

Học nhóm là thế mạnh của hoạt động GD theo trường VNEN
Học nhóm là thế mạnh của hoạt động GD theo trường VNEN

Để “đón đầu” những thay đổi trong giáo dục phổ thông theo định hướng của ngành Giáo dục, ngoài các phương pháp dạy học như “Bàn tay nặn bột”, dạy học Mỹ thuật theo phương pháp mới, dạy học Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, Tin học... nhiều nhà trường đã chủ động triển khai áp dụng Mô hình VNEN. Nhiều thầy cô giáo chia sẻ nếu dạy học theo Chương trình GDPT mới, các trường triển khai VNEN sẽ rất thuận lợi, vì học sinh đã quen với việc học nhóm và tự học, giáo viên đã quen với việc điều hành, tổ chức hoạt động...

Dạy học phát triển năng lực: Không xa lạ

Từ năm 2011 - 2012, Mô hình VNEN được triển khai tại 6 tỉnh thành ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đây là mô hình dạy học chú trọng phát triển năng lực học sinh như năng lực tìm tòi, khám phá; năng lực xử lý thông tin; năng lực vận dụng và giải quyết vấn đề; năng lực hợp tác và làm việc theo nhóm; thông qua các nhóm kĩ năng như nhóm kĩ năng tự định hướng, nhóm kĩ năng về nhận thức, nhóm kĩ năng về học, nhóm kĩ năng về xã hội và quan hệ học tập, nhóm kĩ năng về quản lí quá trình học. Theo thầy Lê Xuân Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (Ninh Bình), nhờ thực hành các phương pháp tiên tiến, đặc biệt là phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá của Mô hình VNEN, mà giáo viên nhà trường sẽ không bỡ ngỡ khi áp dụng chương trình mới với định hướng phát triển năng lực cho học sinh.

Theo thầy Thắng, sau 4 năm triển khai Mô hình VNEN, đến nay, phụ huynh học sinh đã hoàn toàn ủng hộ. Nếu năm đầu tiên triển khai còn nhiều phụ huynh băn khoăn, nhất là do ảnh hưởng từ dư luận trên mạng, thì hai năm gần đây không còn ai có ý kiến ngược chiều mà rất đồng thuận. Chất lượng học tập của học sinh khá ổn định, không bị sa sút.

Dù sử dụng phương pháp dạy học nào, việc học tập của học sinh vẫn phụ thuộc vào năng lực của giáo viên. Trong dạy học VNEN, nếu giáo viên chỉ áp dụng cầm chừng theo kiểu “bình mới rượu cũ” thì chắc chắn học sinh khó mà tiến bộ được. Chẳng hạn, với bài học về chu vi, theo cách truyền thống, giáo viên sẽ dạy học sinh công thức tính, nhưng với VNEN, giáo viên sẽ tổ chức một vài hoạt động cho học sinh tự tìm hiểu, chẳng hạn như các em sẽ quan sát hình để hiểu chu vi là gì, tự đo đạc, tính toán... và từ kết quả phép đo mới xây dựng kiến thức.

Như vậy, thông qua các hoạt động, học sinh biết hoàn thành các nhiệm vụ được giao, từ đó, năng lực của học sinh được hình thành. Chính vì thế, việc chuyển từ tiếp cận kiến thức sang năng lực cũng không phải là vấn đề quá nan giải đối với giáo viên VNEN. Thêm vào đó, giáo viên được khuyến khích dạy học hướng tới từng đối tượng học sinh, phải nắm rõ những em nào đã tiếp cận được kiến thức cần thiết, em nào chưa tiếp cận để tổ chức giúp đỡ. Vào buổi chiều, giáo viên có thể giúp đỡ những bạn chưa đạt và giao nhiệm vụ khó hơn cho những bạn đã đạt yêu cầu.

Học sinh có cơ hội bày tỏ

Cô giáo Phùng Thị Thanh Tâm, giáo viên lớp 3, cho biết: “Tôi đã dạy học theo phương pháp VNEN đến năm thứ 3 và hoàn toàn không muốn phải quay lại dạy theo phương pháp truyền thống. Có lẽ, hầu như những người phản đối VNEN là do họ chưa tiếp cận thực sự với phương pháp này, còn những giáo viên đã dạy theo VNEN thì đều rất tâm đắc”. Theo cô giáo Tâm, VNEN tạo điều kiện cho giáo viên trong điều hành và tạo điều kiện cho học sinh trong cách học.

Điều đáng nói nhất là học theo VNEN, các em được bộc lộ, được nói lên ý kiến của mình. Nếu ở các trường tiểu học khác, nhiều học sinh còn e ngại trước cô giáo hay khách lạ, thì học sinh VNEN rất bạo dạn, sẵn sàng đối thoại với giáo viên và người ngoài. Đó cũng là điểm mạnh để học sinh hình thành năng lực tự học, bởi khi tiếp xúc với bên ngoài, nếu học sinh biết mà không dám nói ra thì cũng như không biết, còn ngược lại, nếu có điều gì đó các em chưa nắm được, nhưng bộc lộ ra được thì các em vẫn có cơ hội để tìm hiểu, học hỏi vấn đề đó.

Việc khích lệ là rất quan trọng vì ở cấp tiểu học, học sinh bộc lộ tính cách một cách tự nhiên, tuy nhiên cũng còn nhiều em nhút nhát. Đối với các học sinh này, giáo viên không nên tạo áp lực mà cần nhẹ nhàng, gần gũi và tiếp xúc với các em một cách thân ái. Cô Tâm chia sẻ kinh nghiệm: “Học VNEN, học sinh có cơ hội để bày tỏ. Giáo viên phải có năng lực để khuyến khích các em. Giáo viên phải tìm hiểu, làm thế nào để rút ngắn khoảng cách giữa cô và trò, không tạo áp lực để học sinh bày tỏ; lấy động viên là chính, em nào chưa đạt thì động viên, khích lệ để các em mạnh dạn hơn. Một cái nắm tay hay ôm vai có thể thể hiện sự gần gũi, gắn bó giữa cô và trò nhiều hơn vạn lời nói”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ