Giáo viên Philippines phản đối dạy thêm trong kỳ nghỉ

GD&TĐ - Bộ Giáo dục Philippines dự kiến tổ chức trại học tập cho học sinh phổ thông nhằm cải thiện chất lượng giáo dục sau hai năm dịch Covid-19.

Philippines muốn cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông hậu đại dịch Covid-19.
Philippines muốn cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông hậu đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải phản đối của các công đoàn giáo viên.

Hồi tháng 5, Bộ Giáo dục Philippines công bố kế hoạch tổ chức chương trình trại học tập cho học sinh phổ thông kéo dài từ 3 - 5 tuần trong kỳ nghỉ năm học, bắt đầu từ tháng 7.

Trại học tập sẽ tập trung vào hoạt động nâng cao và can thiệp cho học sinh lớp 7, 8; hoạt động khắc phục hậu quả cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12. Quỹ hỗ trợ chương trình sẽ được phân bổ cho các văn phòng giáo dục địa phương dựa trên số lượng học sinh và giáo viên tham gia.

Chương trình nhằm mục tiêu giải quyết ảnh hưởng của Covid-19 lên kết quả học tập của học sinh phổ thông. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục Philippines đang phản đối kế hoạch trên.

Đơn cử, Liên minh Ủng hộ Giáo dục Philippines (ACT) nhận định các trại học tập không phải giải pháp phục hồi giáo dục. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi, chất lượng sức khoẻ và điều kiện việc làm của giáo viên.

Chủ tịch ACT, ông Vladimer Quetua, cho biết: “Giáo viên không phải là máy móc. Dù chương trình này không bắt buộc, nó tước đi quyền của giáo viên được nghỉ ngơi đầy đủ và phục hồi sau khi làm việc mệt mỏi, liên tục trong 10 tháng mà không được nghỉ phép. Chưa kể trong những năm gần đây, các kỳ nghỉ ngày càng ngắn lại”.

Trong những năm gần đây, giáo viên tại các trường công lập lẫn tư thục Philippines bị trả lương thấp và chế độ đãi ngộ tương đối kém. Ngoài ra, giáo viên còn gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa giảng dạy và cuộc sống vì quy mô lớp học lớn, công việc hành chính khổng lồ... Nhiều giáo viên đâm ra kiệt sức và mất đi tinh thần nhiệt huyết với nghề.

Nhóm cảnh báo chương trình của Bộ Giáo dục thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của giáo viên vì họ vốn phải làm việc quá sức.

Còn Liên minh Đạo đức Giáo viên (TDC) khẳng định giáo viên được nghỉ cuối năm học 2 tháng vì họ không được nghỉ phép hay nghỉ có lương trong suốt năm học. Chủ tịch TDC, ông Benjo Basas, bày tỏ: “Chúng tôi hiểu sự cần thiết của việc giúp đỡ học sinh gặp khó khăn sau Covdi-19 nhưng mọi kế hoạch đều cần cân nhắc đến phúc lợi và quyền của giáo viên”.

Các chương trình can thiệp giúp học sinh yếu, kém bắt nhịp với việc học tập sau dịch Covid-19 đang được Bộ Giáo dục Philippines và các chuyên gia giáo dục thảo luận, tìm ra phương án phù hợp. Hoạt động trên được triển khai trong bối cảnh nhiều chuyên gia cảnh báo học sinh Philippines không thành thạo các kỹ năng giáo dục cơ bản.

Kết quả này là đặc biệt nghiêm trọng bởi trước dịch Covid-19, chất lượng giáo dục và kết quả học tập của học sinh Philippines đã thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thanh thiếu niên 15 tuổi tại Philippines đạt điểm thi Đọc, Toán và Khoa học gần cuối danh sách các nước OECD.

Philiipines cũng là một trong những quốc gia đóng cửa trường học lâu nhất thế giới. Nước này đã đóng cửa trường học, chuyển sang dạy trực tuyến trong hai năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022. Tháng 8/2022 là lần đầu nước này mở cửa toàn bộ trường học toàn quốc sau 2 năm dịch.

Trước đó, Thứ trưởng phụ trách Chương trình Giảng dạy, Bộ Giáo dục Philippines, bà Gina Gonong khẳng định giáo viên sẽ được nghỉ ngơi đầy đủ trước khi các trại học tập bắt đầu. Họ cũng sẽ được trả lương và hưởng các dịch vụ khác. Tuy nhiên, việc tăng lương cho giáo viên Philippines vẫn đang được cân nhắc.

Theo PhilStar

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.