Giáo viên mong sớm có sách Giáo dục địa phương

GD&TĐ - Tài liệu giáo dục địa phương tại Hải Phòng chưa in và phát hành tới các nhà trường do còn vướng về quy định pháp luật đối với công tác xuất bản.

Giáo viên mong sớm có SGK môn Giáo dục địa phương. (ảnh tư liệu ND)
Giáo viên mong sớm có SGK môn Giáo dục địa phương. (ảnh tư liệu ND)

Dạy học dựa vào bản PDF

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Giáo dục địa phương là môn bắt buộc, có vị trí tương đương với các môn học khác. Ở tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm, Với cấp THCS và THPT, giáo dục địa phương được xây dựng cụ thể với thời lượng 35 tiết/năm học.

Thông tin từ Sở GD&ĐT Hải Phòng, thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với nội dung giáo dục địa phương, sở đã chỉ đạo công tác biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương.

Sở đã tham mưu UBND thành phố về công tác biên soạn và thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương. UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 3435/QĐ-UBND ngày 12/11/2020 về việc thành lập Ban biên soạn tài liệu giáo dục địa phương Hải Phòng trong Chương trình GDPT 2018; Quyết định số 1290/QĐ-UBND ngày 05/5/2022 về việc phê duyệt Chương trình tổng thể giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng cấp THCS, THPT; Thành lập Ban biên soạn tài liệu giáo dục địa phương Hải Phòng cho từng khối lớp.

Tính đến tháng 6/2022, Tài liệu giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng lớp 1, 2, 6, 7, 10 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Ban biên soạn tiếp tục biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng của các khối lớp còn lại. Tuy nhiên, hiện nay chưa in và phát hành được Tài liệu giáo dục địa phương do còn vướng về quy định pháp luật đối với công tác xuất bản. Hiện nay, học sinh và giáo viên đang dạy và học dựa vào bản PDF.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn trong giờ học.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn trong giờ học.

Theo ghi nhận thực tế tại các trường, để khắc phục việc chưa có bản cứng tài liệu giáo dục địa phương thầy cô chủ động tham khảo trên bản mềm và bản PDF cùng nhiều nguồn tài liệu khác nhau để giảng dạy.

Thầy Đinh Hồng Tiệp- Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong cho hay, đến nay chưa có bản cứng Tài liệu Giáo dục địa phương. Tuy nhiên, môn học được thầy cô thực hiện đảm bảo đúng, đủ. Bởi thực tế, chương trình là pháp lệnh, SGK là tài liệu tham khảo. Ngoài việc dùng bản mềm tài liệu, thầy cô tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau để xây dựng bài giảng cho học sinh.

Theo cô Dung, điều thuận lợi là học sinh dễ dàng tiếp thu môn học vì kiến thức sát với thực tế, gần gũi với văn hóa, xã hội và các vấn đề về phát triển kinh tế của địa phương.

Trước mỗi tiết học, cô Bùi Thị Dung, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Kiến Thụy, thường chuyển tài liệu bằng file PDF cho học sinh nghiên cứu trước. Cô giáo luôn tích hợp nhiều tài liệu khác nhau với hình ảnh trực quan, sinh động để truyền tải cho học sinh.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng, để đảm bảo chất lượng môn học và mang tính trực quan sinh động thì buộc học sinh phải có học liệu để tìm hiểu bài học, mà SGK là tài liệu chủ lực.

Mặt khác, không phải học sinh nào cũng có điện thoại thông minh để đọc tài liệu qua bản PDF. Cũng không ít em thiếu chủ động nghiên cứu bài học thì khi giao bài bằng PDF sẽ không hiệu quả.

Mong muốn tháo gỡ

Thầy Đinh Quang Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Lãng cho rằng, chưa có bản sách của Tài liệu Giáo dục địa phương, thầy cô cần nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm thông tin và các dạng tài liệu tham khảo.

Nhà trường chỉ đạo giáo viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc nghiên cứu học liệu, sưu tầm hình ảnh, video minh họa bài học cũng như đổi mới phương pháp giảng dạy.

Theo thầy Hoàng, cũng như giáo viên các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn, giáo viên nhà trường mong muốn sớm có sách giáo dục địa phương để thuận tiện hơn trong dạy và học.

Tài liệu giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng lớp 1, 2, 6, 7, 10 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Các nhà trường đã có bản mềm để giảng dạy. (ảnh minh hoạ, nguồn ND)

Tài liệu giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng lớp 1, 2, 6, 7, 10 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Các nhà trường đã có bản mềm để giảng dạy. (ảnh minh hoạ, nguồn ND)

Ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng trao đổi, Hải Phòng là một trong những địa phương được Bộ GD&ĐT đánh giá cao về công tác biên soạn kịp thời tài liệu vào đầu mỗi năm học. Hiện, tài liệu giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng lớp 1, 2, 6, 7, 10 đã được Bộ phê duyệt. Tài liệu giáo dục địa phương lớp 3 đã qua 3 lần thẩm định thành phố. Sở cũng khẩn trương tập huấn nội dung giáo dục địa phương và chuyển file tài liệu tới các nhà trường ngay từ đầu năm học.

Giải thích lý do đến thời điểm này, công tác in ấn, phát hành chưa thực hiện được, ông Đỗ Văn Lợi thông tin: Khó khăn chủ yếu do vướng một số quy định liên quan đến Luật Giá, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật đấu thầu trong in và phát hành tài liệu...

Thực tế, có trường từng ý định thử in từ file PDF ra giấy phát cho học sinh để thuận tiện cho việc dạy - học nhưng vướng bản quyền nên không thể thực hiện được. Vướng mắc trên không chỉ riêng của Hải Phòng mà là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng cho hay, một khó khăn nữa là, mức chi cho công tác biên soạn, thẩm định Tài liệu giáo dục của địa phương theo hướng dẫn tại Thông tư số 51/2019/TT-BTC thấp, chưa phù hợp thực tế nên khó khuyến khích tác giả có chuyên môn tốt tích cực tham gia biên soạn...

Ông Đỗ Văn Lợi bày tỏ: Trong Chương trình GDPT 2018, Giáo dục địa phương được xây dựng nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương. Với ý nghĩa quan trọng trong hệ thống chương trình mới, sở GD&ĐT mong muốn các cơ quan chức năng liên quan sớm tháo gỡ khó khăn, khai thông nút nghẽn để các thầy cô giáo và học sinh có sách in, thuận lợi hơn trong việc dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ