Giáo viên mầm non: Vừa dạy vừa làm cô nuôi

GD&TĐ - Để trẻ được ăn cơm trưa tại trường, nhiều giáo viên mầm non sau giờ học phải tranh thủ kiếm củi, nấu cơm canh. Riêng việc chuyên môn đã vất vả, những hy sinh của các cô để trẻ đi học đông đủ, bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục ở những vùng khó khăn của tỉnh Quảng Trị... - đó là trăn trở của bà Hồ Thị Minh - Đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hướng Hóa (Quảng Trị).  

Một giờ hoạt động ngoài trời của cô trò Trường Mầm non tư thục Hiệp Đức, huyện Hướng Hóa. Ảnh minh họa/ Internet
Một giờ hoạt động ngoài trời của cô trò Trường Mầm non tư thục Hiệp Đức, huyện Hướng Hóa. Ảnh minh họa/ Internet

Sáng dạy học, trưa làm cấp dưỡng

Đi thực tế, lắng nghe ý kiến cử tri, băn khoăn lớn nhất của bà Hồ Thị Minh là chế độ tiền lương của giáo viên nói chung, giáo viên mầm non nói riêng còn thấp. Nhất là các cô giáo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vì họ phải đi làm xa nhà ít là 10 km, nhiều là 80 đến 100 km, nên phải đi từ sáng sớm để kịp đón trẻ. Chưa kể, không ít cô giáo vừa phải thực hiện nhiệm vụ dạy dỗ, vừa đảm nhiệm việc nấu nướng, lo bữa ăn cho học trò. Nhà trường cũng phải vận dụng để sao cho các cô vừa đảm bảo công tác chuyên môn, vừa đảm đương tốt nhiệm vụ của cô nuôi, nhưng thực tế nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập.

“Hiện nay, để huy động được trẻ đến trường, ngoài chế độ hỗ trợ của Chính phủ mỗi bữa trưa 5.000 đồng/học sinh, thì việc cô nuôi, chất lượng bữa ăn vẫn đang là vấn đề đối với vùng sâu, vùng xa của địa bàn Hướng Hóa. Như tại Trường Mầm non xã Hướng Linh - một xã thuộc vùng khó (135) - ngoài dạy thì cô giáo còn phải vào bếp nấu nướng cho trò. Thật xót xa khi chứng kiến không gian bếp vỏn vẹn chưa đầy 2 m2, đường đến trường thì lầy lội, thế nhưng các chế độ của các cô đang bị cắt giảm khi thực hiện lớp ghép ở khu vực trung tâm” - bà Hồ Thị Minh trăn trở.

Theo bà Hồ Thị Minh, muốn thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 về nâng cao chất lượng dân số, thì trẻ phải được ăn đủ chất dinh dưỡng. Vậy, nguồn hỗ trợ của Nhà nước cần rà soát, điều chỉnh sao cho phù hợp. Bởi trên thực tế, đời sống người dân những nơi này còn khó khăn nên chưa thể xã hội hóa; cô muốn có tiết dạy tốt phải có thời gian đầu tư chuyên môn, không thể vừa lo dạy, chăm cháu lại còn phải xắn tay vào bếp lo từng bữa ăn, không còn thời gian nghỉ ngơi.

“Mong muốn của tôi là Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ phải tính đến khung biên chế các chức danh cô nuôi cho vùng mà chưa thể, không thể xã hội hóa; đặc biệt là vùng đang được thực hiện các chế độ hỗ trợ của Chính phủ như 135, 116” - bà Hồ Thị Minh chia sẻ.

Cô trò Trường Mầm non xã Hướng Linh, Hướng Hóa, Quảng Trị
  • Cô trò Trường Mầm non xã Hướng Linh, Hướng Hóa, Quảng Trị

Mong chờ sự thay đổi

Theo quy định tại Điều 6, Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BN, quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non có tổ chức bán trú thì được hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn như sau: Cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 1 lao động hợp đồng để bố trí vào vị trí nấu ăn. Nếu theo Thông tư này, Quảng Trị cần tối thiểu 747 nhân viên nuôi dưỡng.

Một trong những khó khăn của giáo dục mầm non Quảng Trị hiện nay là đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế, văn phòng, nấu ăn còn thiếu; nguồn kinh phí để chi trả lương cho nhân viên dinh dưỡng hợp đồng thiếu ổn định, chưa bảo đảm, hợp đồng lao động mang tính tạm thời, mùa vụ nên nhân viên thiếu an tâm công tác, chất lượng lao động chưa cao.

Gian bếp chưa đầy 2m2 tại Trường Mầm non xã Hướng Linh
 Gian bếp chưa đầy 2m2 tại Trường Mầm non xã Hướng Linh

Trước thực tế này, bà Hồ Thị Minh cho biết, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã được UBND tỉnh giao xây dựng Đề án thực hiện chế độ chính sách cho cô nuôi trong các trường mầm non công lập tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2019 - 2025. Đề án đang hoàn thiện để trình các cấp xem xét. Hy vọng, khi đề án được triển khai sẽ góp phần khắc phục khó khăn nói trên đối với giáo dục mầm non của địa phương.

Nói về chính sách, bà Hồ Thị Minh cũng nhắc đến dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và nhấn mạnh: Dự thảo Luật nêu rõ, giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi. Mục tiêu của giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp Một.

Đặc biệt, về chính sách phát triển giáo dục mầm non, theo dự thảo, Nhà nước chăm lo giáo dục mầm non, có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.

“Chính sách lâu nay không phải không có, nhưng chúng ta đang dàn trải, chưa chú ý đến nhóm đối tượng”. Chia sẻ điều này, bà Hồ Thị Minh đồng thời cho rằng, dù vấn đề lương giáo viên không đưa vào Luật, nhưng theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sẽ sắp xếp lại thang bảng lương. Hy vọng, thang bảng lương của giáo viên sẽ được xếp vào thang hạng đặc biệt, để các thầy cô có thể yên tâm công tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.