Nhiều giáo viên, học sinh không biết quyền lợi
Thầy giáo Nguyễn Văn Tình, Trường Tiểu học Minh Tân, Thanh Trì, Hà Nội cho biết, từ trước đến nay việc đóng BHYT được nhà trường thực hiện đầy đủ. Nhưng thông tin làm thế nào để được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh thì chưa rõ lắm.
Theo thầy Tình, lâu nay đi khám, chữa bệnh vẫn được BHYT chi trả theo quy định. Còn hóa đơn, giấy tờ có khi để ở nhà một thời gian sau rồi không để ý nữa. Thời gian tới, nhà trường sẽ phổ biến quy định này cho cán bộ, giáo viên hiểu để bảo đảm quyền lợi của người đóng bảo hiểm.
Còn thầy giáo V. Thức, giáo viên THPT Hạ Hòa, Phú Thọ cho rằng, anh có nghe nói đóng bảo hiểm trên 5 năm thì sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh cho những lần tiếp theo. Nhưng thực tế là anh cũng chưa rõ thủ tục giấy tờ để được hưởng quyền lợi là thế nào.
Không chỉ giáo viên mà nhiều sinh viên cũng chưa rõ quyền lợi mà mình được hưởng khi đóng BHYT.
Sinh viên Bùi Cẩm Lan, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, khi đi khám, chữa bệnh cứ làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Nhân viên y tế bảo đem sổ đi phòng, ban nào là Lan đi tới đó chứ không biết rõ quy định để được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh cụ thể ra sao.
"Bản thân em chưa hiểu các quy định về BHYT, chủ yếu là nghe theo tư vấn của gia đình và nhà trường. Bây giờ, biết quy định như vậy em sẽ chú ý, để giảm áp lực cho gia đình", Bùi Cẩm Lan cho biết.
Các điều kiện để hưởng 100% BHYT?
BHYT được phân chia thành các nhóm khác nhau như: Học sinh, sinh viên (trên 15 tuổi), người dân tộc thiểu số, hộ nghèo… Đối với nhóm là học sinh, sinh viên trên 15 tuổi thì có thể mua BHYT và được Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Một số tỉnh, thành phố có thể có chính sách hỗ trợ nhóm này thêm 20% nữa.
Đối với người dân tộc thiểu số, hộ nghèo thì được Nhà nước hỗ trợ lên đến 100% BHYT mà không cần xem xét đến các điều kiện khác. Đối với người có hợp đồng lao động thì phải đóng BHYT từ 5 năm và phải cùng chi trả bảo hiểm bằng 6 tháng lương cơ bản.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc có thời gian từ 5 năm trở lên có thể được hưởng rất nhiều quyền lợi. Trong đó có việc được hưởng 100% bảo hiểm.
Luật BHYT/2014 quy định, "người bệnh được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng nếu có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến".
Như vậy, để được hưởng 100% BHYT, các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên phải hội đủ 3 điều kiện. Đó là thời gian đóng BHYT từ 5 năm liên tục. Số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (mức lương cơ sở 2020 là 1.600.000 đồng), tương đương với mức chi trả tiền viện trên 9.600.000 đồng (phải có hoá đơn chi trả viện phí). Cuối cùng đó là số tiền cùng chi trả phải đúng tuyến.
Nếu hội đủ 3 điều kiện này, người dân đem theo thẻ BHYT, giấy tờ tuỳ thân đến nơi đăng ký BHYT đề nghị cấp "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm". Khi có chứng nhận này, người dân sẽ được chi trả 100% bảo hiểm trong những lần chữa bệnh tiếp theo.
Vậy thế nào là "cùng chi trả" và "không cùng chi trả" trong năm? Theo quy định, là những đối tượng thuộc diện chưa đủ 5 năm liên tiếp đóng BHYT. Còn những người hội đủ các điều kiện vừa nêu thì được cấp "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm" – có nghĩa là người bệnh không phải bỏ thêm khoản chi phí khác cho khám chữa bệnh.