Giáo viên dạy chương trình mới: Đẩy mạnh hợp tác đào tạo ngành khan hiếm

GD&TĐ -Trước tình trạng thiếu giáo viên dạy một số môn đặc thù như Mỹ thuật, Âm nhạc, Tiếng Anh, Tin học… theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở GD&ĐT TPHCM đã đẩy mạnh việc hợp tác với các cơ sở đào tạo giáo viên.

Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM và Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM ký kết hợp tác.
Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM và Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM ký kết hợp tác.

Sinh viên sư phạm không muốn gắn bó với nghề

Chia sẻ tại lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa Sở GD&ĐT TPHCM  và Trường ĐH Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - cho biết: Chương trình GDPT 2018 quy định bậc THPT có hai tiết Mỹ thuật, Âm nhạc mỗi tuần. Tuy nhiên, hiện TPHCM không có giáo viên giảng dạy các môn này ở bậc THPT. Trong khi đó, số học sinh mong muốn học các môn này không phải ít.

Bên cạnh giáo viên nhạc - họa, đại diện một số phòng ban chức năng của Sở GD&ĐT TPHCM nêu thực trạng khan hiếm giáo viên dạy các môn Tin học, Ngoại ngữ, Công nghệ… của nhiều bậc học. Đặc biệt, TPHCM thiếu rất nhiều giáo viên Tin học, nhiều năm không tuyển được hoặc chất lượng không như mong muốn. Từ thực tế này, đại diện một số phòng, ban của Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất cơ sở đào tạo sư phạm mở mã ngành cho các ngành chưa có như Sư phạm Tin học, tăng chỉ tiêu, tăng các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người có bằng về mỹ thuật, âm nhạc để thu hút thêm nhiều người.

Tuy nhiên, ông Võ Văn Thật - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn - cho biết: Trước đây, nhà trường đã mở ngành Sư phạm Tin học nhưng không tuyển được, thí sinh chỉ vào ngành Công nghệ thông tin. Theo quy định, ngành 5 năm không tuyển được phải đóng. Năm nay, trường xây dựng lại đề án mở ngành Sư phạm Tin học để năm sau có thể tuyển sinh. Thực tế năng lực đào tạo sư phạm thực sự của trường lên đến vài ngàn sinh viên nhưng hàng năm chỉ giao cho khoảng 800 chỉ tiêu.

Theo ông Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, hiện nay có tình trạng sinh viên học Sư phạm Anh, Sư phạm Tin học, Sư phạm Âm nhạc… học xong ra đi làm bên ngoài mà không tham gia giảng dạy, do đó làm sao có biện pháp, chế tài để hạn chế tình trạng này.

“Hiện, những sinh viên tốt nghiệp Sư phạm Anh, Sư phạm Tin học, Sư phạm Nhạc đi làm bên ngoài thu nhập cao hơn đi dạy nhiều nên phần lớn các em học xong ra đi làm bên ngoài. Nhiều em sẵn sàng hoàn trả chi phí đào tạo 5 năm (100 triệu đồng)…”,  ông Phạm Hoàng Quân chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM) và ông Phạm Hoàng Quân (Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn) tại lễ ký kết hợp tác.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM) và ông Phạm Hoàng Quân (Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn) tại lễ ký kết hợp tác.

Hợp tác, đặt hàng

Sở GD&ĐT TPHCM đã ký kết hợp tác với 2 cơ sở đào tạo giáo viên lớn tại thành phố là Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Trường ĐH Sài Gòn để đào tạo, bồi dưỡng lực lượng giáo viên cho ngành Giáo dục.

Theo đó, Sở GD&ĐT TPHCM và Trường ĐH Sài Gòn (SGU) đã thống nhất 10 nội dung hợp tác bao gồm phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường, cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý của Sở GD&ĐT TPHCM. Đồng thời, phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy các môn: Tin học và Công nghệ, Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên cho cán bộ quản lý và giáo viên của TPHCM theo Quyết định số 1064/QĐ-UBND ngày 26/3/2020 của UBND TPHCM.

Bên cạnh đó, hai đơn vị phối hợp tổ chức bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên theo Thông tư 19/2019 ngày 12/11/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phối hợp tổ chức đào tạo theo lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học và THCS của TPHCM theo Nghị định số 71/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ; Phối hợp tính toán, xác định, tham mưu UBND TPHCM giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên của TPHCM theo từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học hằng năm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ…

Trước đó, ngày 16/2, Sở GD&ĐT TPHCM đã ký kết hợp tác với Trường ĐH Sư phạm TPHCM  để cùng triển khai các công tác đào tạo, bồi dưỡng, thực tập sư phạm, phục vụ cộng đồng. Trong đó, Trường ĐH Sư phạm TPHCM phối hợp hỗ trợ trong công tác khảo sát, xác định nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên và cán bộ quản lý ngành Giáo dục của TPHCM. Đồng thời, xây dựng các chương trình bồi dưỡng thường xuyên và tự chọn đáp ứng nhu cầu của giáo viên và cán bộ quản lý ngành Giáo dục của TPHCM. Đặc biệt, chú trọng các nội dung mới như giáo dục STEM, giáo dục kỹ năng sống, tổ chức hoạt động trải nghiệm, bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Sư phạm TPHCM triển khai hoạt động phối hợp bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá đáp ứng Chương trình GDPT 2018, bồi dưỡng các mô-đun trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông… theo nội dung yêu cầu của Sở GD&ĐT TPHCM.

Chia sẻ về hợp tác này, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: Tận dụng lợi thế là địa phương có các cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm lớn đóng trên địa bàn, ngành Giáo dục TPHCM đã sớm tiếp cận, đón đầu Chương trình GDPT 2018, đồng thời có sự phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để chủ động bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy.

“Chúng tôi đặt ra mục tiêu không chỉ giảng dạy đủ chương trình mà từ đó nâng cao chất lượng của giáo dục TP. Làm sao trong khoảng thời gian nhất định, TPHCM có đủ lực lượng giáo viên dạy các môn mới như Nghệ thuật (Nhạc, Họa) ở bậc THPT, giáo viên Tin học ở bậc tiểu học… để tiến tới không chỉ dạy những gì chúng ta có mà đáp ứng đầy đủ giáo viên ở các trường phổ thông để cho học sinh tự chọn theo hướng phát triển được năng khiếu, thẩm mỹ toàn diện của học sinh…” - ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.