Giáo viên chính là người truyền cảm hứng, tạo nụ cười cho học sinh

GD&TĐ - Hạnh phúc của giáo viên là vô cùng đặc biệt vì mỗi nhà giáo mang một giá trị bản thân, một sứ mệnh cao cả: “Trồng người”.

Những tiết thảo luận sẽ tạo được sự sáng tạo ở từng học sinh.
Những tiết thảo luận sẽ tạo được sự sáng tạo ở từng học sinh.

Khi ta hiểu rõ giá trị bản thân và nghề nghiệp của mình, chúng ta mới có thể mang yêu thương đến với học sinh.

Cô Trịnh Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bắc Hà, TP Hà Tĩnh chia sẻ về tầm quan trọng của giáo viên trong vai trò dạy học, làm sao để truyền được cảm hứng, niềm vui đến từng học sinh mỗi ngày đến trường.

Nơi nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ

Năm học 2020 - 2021, Phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh chính thức triển khai xây dựng “Trường học hạnh phúc” hướng đến phát triển môi trường nhà trường thân thiện, văn minh, phù hợp với sự phát triển bền vững gắn với đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo…

Một số trường tư thục tại thành phố Hà Tĩnh, ngay khi học sinh bước vào cổng trường đã đón nhận những cử chỉ âu yếm, cái bắt tay, cái ôm thân thiện từ giáo viên nhà trường. Với mong muốn một ngày đến trường là một ngày vui, tạo cảm giác cho học sinh “trường học chính là nhà”.

Tiết sinh hoạt tại lớp ở Trường tiểu học Bắc Hà.
Tiết sinh hoạt tại lớp ở Trường tiểu học Bắc Hà.

Bước vào lớp, học sinh sẽ đón nhận lời chào hỏi thân ái của cô giáo: Hôm nay, các con thế nào? Để bắt đầu ngày mới, lớp chúng ta nhảy một bài vận động nhé? Đó là những gì mà giáo viên tại Trường tiểu học Bắc Hà sẽ mở đầu cho ngày học mới tại trường. Điều này giúp giảm đi được áp lực đầu giờ học, tạo niềm vui trong ngày học mới.

Theo cô Trần Thị Hiệp, giáo viên lớp 3E, Trường Tiểu học Bắc Hà, việc vào lớp bằng một bản nhạc sôi động, học sinh cùng vỗ tay và nhảy sẽ tạo được không khí hứng khởi cho buổi học mới. Tiết học sẽ không còn nặng nề chuyện trả bài cũ như trước mà phần kiến thức được lồng ghép qua các hệ thống câu hỏi trong trò chơi do giáo viên khởi xướng.

“Đây là bài nhảy vận động nhằm giảm bớt căng thẳng cho học sinh trong quá trình học. Cô giáo sẽ chọn vào thời điểm đầu buổi sáng khi các em vừa mới bắt đầu một ngày học mới hoặc giữa các giờ học kiến thức liên tục. Hoặc, cô giáo sẽ tổ chức một trò chơi kiến thức, thông qua đó sẽ lồng ghép những câu hỏi liên quan đến bài học các em đã học” – cô Hiệp cho biết.

Cô Hiệp cũng chia sẻ thêm: "Trong quá trình giảng bài, tôi luôn đưa ra tình huống để học sinh lựa chọn để không tạo sự gò bó, áp đặt. Khẩu hiệu “Vừa học vừa chơi – Vừa học vừa khám phá” cũng được tôi tận dụng khi có quỹ thời gian trong các tiết học.

Tôi nhận thấy việc đáp ứng này rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ cả về thể chất, tinh thần. Thông qua hoạt động học tập này, các em bộc lộ rõ hết các cảm xúc, sự sáng tạo với những mức độ,  trạng thái khác nhau và đặc biệt tinh thần đoàn kết, tinh thần đội nhóm được nâng cao hơn bao giờ hết".

Tiết mục văn nghệ trong giờ học.
Tiết mục văn nghệ trong giờ học.

"Với kinh nghiệm dạy học ở môi trường tiểu học, tôi nhận thấy học sinh rất thích thú khi được khen. Sự khen đó có thể là cử chỉ, lời nói, ánh mắt, lời thông báo nhẹ nhàng khi học sinh mắc lỗi... Học sinh luôn mong chờ những sự khen đó để luôn tập trung cố gắng tiến bộ", cô Hiệp cho hay.

Từ năm học 2021 - 2022, những hoạt động, bài học mang tính tương tác giữa cô và trò, học sinh với học sinh đang được vận dụng khá phong phú qua mỗi tiết dạy, mỗi hoạt động của trường Tiểu học Bắc Hà.

Cô Trịnh Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô giáo đóng vai trò là người hỗ trợ, gợi ý, luôn lắng nghe cảm xúc của học sinh, hiểu được từng cá thể và tôn trọng học sinh để kích thích sự sáng tạo và cá tính của các em. Vào mỗi dịp lễ, nhà trường đều tổ chức các hoạt động hướng đến phát triển kỹ năng. Theo khảo sát ở các lớp, chất lượng các tiết học tốt hơn, học sinh tiếp thu bài học một cách rất chủ động hơn”.

Toàn trường đã đầu tư đầy đủ 100% trang thiết bị, máy chiếu phục vụ cho việc dạy và học. Nhà trường cũng cải tạo cảnh quan, không gian làm việc theo hướng gần gũi, thân thiện hơn, bố trí các sân thể thao, giải trí để giáo viên và học sinh được sinh hoạt, phát triển toàn diện.

Xây dựng trường học hạnh phúc là mục tiêu lớn nhất trong năm học 2021 - 2022 của tất cả các trường ở các cấp học TP Hà Tĩnh. Hạnh phúc không còn là khái niệm trừu tượng mà được các nhà trường cụ thể từng việc làm, nhiệm vụ cho giáo viên, học sinh.

Cô Lê Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường mầm non Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh cho biết: “Nhiệm vụ quan trọng nhất chính là xây dựng môi trường an toàn cho trẻ, cả về thể chất, dinh dưỡng và tâm lý. Chẳng hạn như, không gian sân chơi, phòng học được bố trí hợp lý, màu sắc bắt mắt phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Cũng như việc đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng học tập cho trẻ thỏa mãn nhu cầu học và vui chơi; nguồn thực phẩm chăm sóc trẻ được lựa chọn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, trẻ phải cảm nhận được sự yêu thương, được đối xử công bằng, có cảm giác an toàn và được tôn trọng”.

Người lan tỏa hạnh phúc

Bà Trần Thị Thủy Nga, Trưởng phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh cho biết: “Việc thực hiện xây dựng “Trường học hạnh phúc” đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy và UBND thành phố. Điều này đã giúp ngành GD&ĐT thành phố xây dựng và triển khai các kế hoạch một cách chủ động, bài bản và đủ tự tin để lan tỏa các phong trào, các nội dung đến 50 đơn vị trường học trên địa bàn”.

"TP Hà Tĩnh đang triển khai thực hiện Đề án của UBND thành phố và Nghị quyết của Ban chấp hành Thành ủy về “Phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập đến năm 2025 và những năm tiếp theo” và tiến đến ban hành Nghị quyết về phát triển giáo dục toàn diện của thành phố. Đây chính là nền tảng quan trọng để ngành chuyên môn định hướng, triển khai nhiệm vụ xây dựng “Trường học hạnh phúc” một cách có trọng tâm, sát với điều kiện thực tế.

Những tiết học tạo cảm hứng cho học sinh.
Những tiết học tạo cảm hứng cho học sinh.

“Xây dựng trường học hạnh phúc không phải là phong trào mà là quá trình. Hiệu trưởng đóng vai trò là người truyền cảm hứng, tạo điều kiện để giáo viên, học sinh phát huy năng lực, sáng tạo gắn với các phong trào, cuộc vận động trong trường học.

Với những mô hình như “Xây trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức”; tích cực tham gia các diễn đàn “Thầy cô trong mắt em”, “Khi thầy cô thay đổi”… để cùng lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng cá nhân. Ý nghĩa của “Trường học hạnh phúc” cứ thế sẽ đã “ngấm” vào ý thức mỗi giáo viên, học sinh, phụ huynh theo cách tự nhiên nhất” - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố cho biết thêm.

"Một giáo viên hạnh phúc sẽ tạo ra “Lớp học không khoảng cách”, “Lớp học hạnh phúc” và đương nhiên ở đó người giáo viên sẽ đạt được mục đích giáo dục, học sinh học tập tốt hơn, mạnh khoẻ hơn, cô trò sẽ thành công hơn", cô Trịnh Thị Ánh Tuyết chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải