Giáo trình có in hình “đường lưỡi bò”: Khoa làm sai quy trình?

GD&TĐ - Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết, nhà trường phát hiện giáo trình có in hình lưỡi bò cách đây nửa tháng và đã thu hồi hơn 700 cuốn. Để xảy ra sự việc là do Khoa Tiếng Trung - Nhật đã bỏ qua quy trình đánh giá, xem xét của Hội đồng đánh giá giáo trình.

Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ
Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ

Sự cố đáng tiếc

Bản đồ có hình “đường lưỡi bò” nằm trong trang 36 cuốn Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese” và trang 32 cuốn Nghe sơ cấp 1 “Developing Chinese”. Đây là giáo trình Khoa Tiếng Trung – Nhật, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sử dụng từ năm học này.

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, ông Vũ Văn Hóa nhận định, đây là sự việc đáng tiếc. Ông cho biết, Hội đồng khoa học của Khoa Tiếng Trung – Nhật (sau đây gọi tắt là Khoa) xem xét, thấy nội dung giáo trình phù hợp nên quyết định đưa vào giảng dạy. Khi giáo trình có in bản đồ “hình lưỡi bò” được phát hiện, Khoa đã đưa giáo trình này xuống Trung tâm phát hành sách để in, bán được 716 cuốn cho sinh viên.

“Quy định của nhà trường phân ra 2 loại giáo trình: Giáo trình do nhà trường viết và giáo trình ngoài trường. Hiệu trưởng sẽ quyết định giáo trình nào được viết trong nhà trường; lúc đó sẽ chỉ định các chủ biên và thành viên tham gia; sau đó thành lập Hội đồng đánh giá giáo trình, nếu đạt thì cho lưu hành. Với những giáo trình nhà trường không tự biên soạn được thì sẽ mua.

Trước khi mua cần để Hội đồng khoa học của trường xem xét, đánh giá. Cuốn giáo trình mang từ Trung Quốc về của Khoa Tiếng Trung – Nhật bỏ qua quy trình đó. Lẽ ra, giáo trình này phải nộp để trường thẩm định trước, thì Hội đồng khoa học của Khoa lại tự đánh giá, cho rằng tốt nên in ấn và bán cho sinh viên” – ông Vũ Văn Hóa nói.

Văn bản của nhà trường gửi Khoa Tiếng Trung – Nhật, ký ngày 21/10/2019 ghi: Trong quá trình kiểm định, Phòng Khoa học và Đảm bảo chất lượng phát hiện trong các giáo trình tiếng Trung Quốc mà Khoa đang giảng dạy nảy sinh một vấn đề là trong các giáo trình đó có in đường lưỡi bò chín đoạn và lồng vào những hình ảnh ghi Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là Nam Sa và Tây Sa. Đó là sự cố ý, tuyên truyền sai trái của phía Trung Quốc.

Ban giám hiệu yêu cầu Khoa Tiếng Trung – Nhật dừng việc sử dụng giáo trình; thu hồi những giáo trình có nội dung, hình ảnh xuyên tạc về Biển Đông; rà soát thật cẩn thận, tỉ mỉ các giáo trình lựa chọn của nước ngoài nói chung, của Trung Quốc nói riêng để phát hiện những nội dung, hình ảnh, câu chữ sai trái, nằm lẫn trong các đoạn, các câu, các ví dụ. Mọi giáo trình phải thông qua Hội đồng Khoa học – Đào tạo của trường và báo cáo với Hiệu trưởng trước khi sử dụng.

Theo ông Vũ Văn Hóa, tại cuộc họp ngày 22/10/2019, Ban giám hiệu đã chỉ đạo Khoa Tiếng Trung – Nhật xem xét thu hồi các giáo trình có bản đồ “hình lưỡi bò” để có phương án xử lý; báo cáo Ban giám hiệu kết quả thu hồi và giáo trình học tiếng Trung Quốc thay thế trước ngày 20/11/2019. Trường cũng đang chuẩn bị văn bản báo cáo Bộ GD&ĐT về vấn đề này.

“Chúng tôi dự định sẽ tiêu hủy những giáo trình này, còn việc xem xét kỷ luật sẽ làm và thông báo sau” – ông Vũ Văn Hóa thông tin.

Quy trình lựa chọn giáo trình rất chặt

Theo Thông tư số 04/2011/TT-BGDĐT ban hành ngày 28/1/2011 quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học: Các cơ sở giáo dục đại học không đủ điều kiện tổ chức biên soạn giáo trình thì Hiệu trưởng tổ chức lựa chọn, duyệt giáo trình phù hợp với chương trình đào tạo để làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức.

Hội đồng Khoa học - Đào tạo Khoa đề xuất danh mục các giáo trình cần đưa vào giảng dạy, học tập theo chương trình đào tạo để trình Hiệu trưởng xem xét, tổ chức lựa chọn giáo trình phù hợp với chương trình đào tạo. Hiệu trưởng thành lập Hội đồng lựa chọn giáo trình, duyệt danh mục giáo trình để đưa vào sử dụng chính thức trong nhà trường. Căn cứ ý kiến của Hội đồng lựa chọn giáo trình, Hiệu trưởng xem xét và quyết định chọn giáo trình đã lựa chọn để phục vụ giảng dạy, học tập.

Từ quy định chung của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học đưa ra quy định cụ thể về công tác thẩm định giáo trình thực hiện tại đơn vị mình. TS Tôn Quang Cường – Trưởng khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) – cho biết: Việc lựa chọn giáo trình của khoa thực hiện theo quy định chung của ĐHQG Hà Nội.

Văn bản này được ĐHQG Hà Nội ban hành năm 2012 với những quy định chặt chẽ, từ các nguồn giáo trình; yêu cầu chung đối với giáo trình; phân cấp quản lý và điều hành; phân cấp trách nhiệm; tổ chức biên soạn giáo trình; tổ chức thẩm định giáo trình; quy định về mua giáo trình, dịch giáo trình, xuất bản và in giáo trình…

“Giáo trình ở ĐHQG Hà Nội phải đảm bảo nội dung kiến thức, kỹ năng và thái độ quy định trong chương trình đào tạo đối với mỗi môn học, ngành học, trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục đại học và kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo. Giáo trình phải phù hợp với những quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phải đảm bảo khoa học, hiện đại, có tính sư phạm, logic; đảm bảo cân đối giữa lý thuyết và thực hành, phù hợp với mục tiêu đào tạo. Giáo trình cần được Hội đồng thẩm định thông qua và cấp có thẩm quyền phê duyệt làm tài liệu giảng dạy” – TS Tôn Quang Cường cho hay.

Riêng với việc mua giáo trình, theo TS Tôn Quang Cường, do giảng viên phụ trách việc giảng dạy môn học đề xuất, chủ nhiệm khoa (hoặc bộ môn của khoa trực thuộc) bộ môn đồng ý và đề nghị với thủ trưởng đơn vị. Các đơn vị chịu trách nhiệm lựa chọn các giáo trình (bao gồm giáo trình môn học, sách chuyên khảo và tài liệu tham khảo) có giá trị khoa học, phù hợp với mục tiêu môn học cần mua và báo cáo Ban Giáo trình ĐHQG Hà Nội. Ban Giáo trình ĐHQG Hà Nội tập hợp đề xuất mua giáo trình của các đơn vị, thẩm định danh mục, số lượng giáo trình cần mua, chuyển cho Trung tâm Thông tin – Thư viện thực hiện mua giáo trình theo danh mục đã được duyệt...

“Nói chung, quy trình lựa chọn giáo trình rất chặt. Trường hợp như tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có thể do kiểm tra chưa kĩ. Trước đây cũng có trường hợp nhóm tác giả lấy một cuốn sách của Nga về làm giáo trình tiếng Nga, sau đó phát hiện có vấn đề về tôn giáo nên phải huỷ. Trường hợp này hay xảy ra với môn ngoại ngữ hoặc môn ứng dụng thực hành có tính chất phổ biến (ngoại ngữ, kĩ năng sống...) chứ thường không xảy ra với giáo trình học thuật” TS Tôn Quang Cường chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ