Giao thông thủy tại TPHCM: Đầu tư lớn - hiệu quả… bé

GD&TĐ - TPHCM có lợi thế và tiềm năng lớn về phát triển giao thông, kinh tế đường thủy lớn. Ba năm qua TP này đã chú trọng phát triển giao thông đường thủy nội địa nhằm giảm áp lực cho giao thông đường bộ. Tuy nhiên, do đầu tư thiếu đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.

Tuyến bus đường sông Bạch Đằng - Linh Đông tại TPHCM.
Tuyến bus đường sông Bạch Đằng - Linh Đông tại TPHCM.

21 nghìn tỉ được dự kiến đầu tư 

Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, hệ thống đường thủy trên địa bàn TPHCM có tổng chiều dài 975km. Mật độ bình quân 0,181km/1.000 dân và đạt 0,465km/km2. Mật độ đường thủy bằng 73% so với Đồng bằng sông Cửu Long. 

Để khai thác tốt tiềm năng giao thông thủy nội địa, giảm áp lực cho giao thông đường bộ, TPHCM đã xây dựng chi tiết định hướng phát triển mạng lưới đường thủy nội địa giai đoạn trung và dài hạn. Trong đó, giai đoạn 2030 - 2050, TP sẽ tập trung đầu tư ba tuyến kết nối khu Đông thành phố tới cảng Cát Lái (Quận 2), bốn tuyến từ nội thành kết nối đến cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và hai tuyến vành đai.

Bên cạnh đó, TP cũng tập trung phát triển cảng, bến thủy nội địa phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch. Hệ thống cảng, bến sẽ xây dựng theo quy hoạch, đồng thời hoàn chỉnh các cảng cạn ICD để tăng khả năng trung chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp, chế xuất... đến cảng biển.

Đặc biệt, hệ thống giao thông thủy kết nối vùng cũng được định hướng nâng cấp và hoàn thiện. Trong đó, tuyến kết nối TPHCM với các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ thông qua 5 tuyến chính gồm Sài Gòn - Thị Vải, Sài Gòn - Bến Súc, Sài Gòn - Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông), Sài Gòn - Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây) và Sài Gòn - Hiếu Liêm (sông Đồng Nai). Hướng về các tỉnh Tây Nam Bộ, từ TPHCM sẽ thông qua các tuyến chính gồm Sài Gòn - Hà Tiên, Sài Gòn - Kiên Lương, Sài Gòn - Cà Mau, duyên hải Sài Gòn - Cà Mau và tuyến ven biển từ TPHCM đến Kiên Giang.

Với những tính toán đó, giai đoạn 2020 - 2050 TPHCM dự kiến đầu tư hơn 21 nghìn tỉ đồng cho giao thông thủy và hơn 4.100 tỉ đồng đầu tư cho các dự án cảng, luồng tuyến. Đặc biệt, vốn cho duy tu, bảo trì các tuyến đường thủy được tính khoảng 570 tỉ đồng mỗi năm, tức trong 30 năm cần 17.100 tỉ đồng. 

Ba năm trở lại đây TPHCM cũng đã thúc đẩy phát triển giao thông thủy nội địa TPHCM, nhất là phát triển hệ thống bus đường sông nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu di chuyển, đi lại của người dân. Tuy nhiên, hiệu suất chưa cao khi sử dụng dịch vụ chủ yếu là khách du lịch, tham quan chứ nhu cầu sử dụng di chuyển đi lại của người dân chưa nhiều.

Đơn cử, tuyến bus sông Bạch Đằng - Linh Đông (Quận 7) được vận hành khoảng 3 năm nay, thu hút người dân đi lại, song sự liên kết giữa các bến và điểm đón chưa thuận tiện khiến lượng khách ngày một thưa thớt. Năm 2019, tổng lượng khách đi là 291.000 người/năm, trung bình 880 người/ngày. Tuyến giao thông thủy cao tốc TPHCM - Vũng Tàu có lượng khách ổn định nhưng sự tăng trưởng về khách hàng năm không nhiều. 

TP cũng đã đưa vào khai thác tuyến tàu du lịch dọc sông Sài Gòn (Bạch Đằng - Bình Dương - Củ Chi) dài 78km, dự kiến cuối năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng thêm 2 tuyến bus sông (có chiều dài 10,3 km), xuất phát từ Bạch Đằng đến Lò Gốm (Quận 6); đưa vào khai thác phà biển tuyến Cần Giờ - Vũng Tàu.

Vẫn còn nhiều rào cản

Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, trước mắt sẽ đầu tư liên kết khu Đông kết nối với các bến trên sông Đồng Nai. Đầu tư các tuyến kết nối đến khu cảng biển Hiệp Phước, Nhà Bè. Tổng chiều dài khoảng 35,6km với kinh phí khoảng 400 tỉ đồng. Bên cạnh đó, xây dựng tuyến đường thủy nội địa Vành đai trong từ sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - rạch Bến Cát - sông Trường Đai - kênh Tham Lương - rạch Nước Lên - kênh Đôi - kênh Tẻ - sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 30km với tổng kinh phí khoảng 1.200 tỉ đồng.

Song song đó, TPHCM sẽ xây dựng tuyến đường thủy vành đai ngoài từ sông Sài Gòn - rạch Tra - kênh xáng An Hạ - kênh Lý Văn Mạnh - sông Chợ Đệm - Bến Lức - sông Cần Giuộc - rạch Bà Lào - rạch sông Tắc - rạch Trau Trảo - rạch Chiếc - sông Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 108km, tổng kinh phí khoảng 4.794 tỉ đồng. TP cũng sẽ đầu tư các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy theo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy đã được phê duyệt.

Nhìn nhận giao thông thủy nội địa đang có điều kiện rất tốt, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM, cho đến lúc này, giao thông vận tải đường thủy vẫn chưa phát triển tương xứng, bởi nhiều khó khăn nội tại. 

“Một trong những khó khăn tiêu biểu là tình trạng vướng các công trình vượt sông, mà hầu hết các công trình vượt sông ấy đều được xây dựng từ lâu. Cụ thể là tĩnh không, khẩu độ không đảm bảo yêu cầu, từ đó ảnh hưởng lớn đến quá trình khai thác vận tải đường thủy. 

Theo thống kê từ Sở GTVT, trong 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương và 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, có tổng cộng 218 cầu, thì trong đó 102 cầu trên 66 tuyến chưa đảm bảo tĩnh không, khẩu độ theo quy hoạch phát triển cần có. Đây là cái khó lớn nhất cần tháo gỡ nếu muốn khai thác tốt giao thông thủy nội địa” - ông Nguyễn Ngọc Tường nói. 

Bên cạnh đó, hàng loạt vướng mắc khác như chưa có quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn TP. Chưa có cơ chế khai thác, phát triển kinh tế ven sông kênh rạch phục vụ du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, tham quan thắng cảnh trên sông và dọc sông… cũng kìm hãm sự phát triển của giao thông thủy nội địa. 

Kinh phí đầu tư cho giao thông thủy cũng là điểm mấu chốt của vấn đề. Theo thống kê của Sở GTVT, trong 5 năm qua, tổng vốn đã và đang đầu tư cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy khoảng 1.488 tỉ đồng. Trong khi con số đó dành cho đầu tư mạng lưới giao thông đường bộ là 27.272 tỉ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ