So với quy định hiện hành, Dự thảo đã giao thêm quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo trong xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo;
Giao thêm quyền quyết định mở ngành cho thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học đã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn quốc gia hoặc được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết 77;
Quy định chặt chẽ hơn điều kiện về đội ngũ giảng viên và quy trình kiểm tra xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế ở cơ sở đào tạo;
Quy định thẩm định chương trình đào tạo gắn với thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng và việc công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng trước khi trình Bộ GD&ĐT;
Quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong kiểm tra và xác nhận điều kiện thực tế, thẩm định chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
Ngoài ra, Dự thảo bổ sung quy định về sự tham gia của các chuyên gia trong việc thẩm định điều kiện đảm bảo chất lượng của một số nhóm ngành, quy định thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc kiểm tra, xác nhận điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế đối với các ngành thuộc lĩnh vực An ninh, Quốc phòng (do yêu cầu bảo mật thông tin)...
Bộ GD&ĐT cho biết, việc ban hành quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình cho phép đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định cho phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ kèm theo Thông tư số 38 đã có nhiều tác động tích cực tới toàn hệ thống giáo dục đại học, trong đó chú trọng đổi mới quản lý quy trình mở ngành đào tạo, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, tạo sự minh bạch, khách quan trong hoạt động mở ngành đào tạo.
Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, một số nội dung của Thông tư 38 không còn phù hợp với những quy định mới của Luật giáo dục đại học, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học và một số văn bản khác.
Do đó, Bộ GD&ĐT soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38 cho phù hợp với các quy định hiện hành và điều chỉnh, bổ sung một số quy định nhằm nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng khi mở ngành; đảm bảo cân đối cơ cấu ngành nghề đào tạo, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn; phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29.