Giáo giới Yên Bái mong được quan tâm đến thực hiện chế độ chính sách

GD&TĐ - Gửi ý kiến tới Bộ trưởng, giáo giới tỉnh Yên Bái mong được nghỉ hưu sớm, được quan tâm đến chế độ chính sách để thầy cô thêm động lực gắn bó.

Giáo viên và học sinh mầm non tại điểm trường Nà Hắc, huyện Văn Yên.
Giáo viên và học sinh mầm non tại điểm trường Nà Hắc, huyện Văn Yên.

Nhà giáo Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 1062/KH-BGDĐT ngày 15/6/2023 của Bộ GD&ĐT tổ chức Chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo năm 2023”, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái đã triển khai tới các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc Sở, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên để các thầy cô gửi gắm ý kiến, tâm tư, nguyện vọng đến với Bộ trưởng.

Mong được nghỉ hưu sớm

Tập thể thầy cô giáo của Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên thể chất và đưa vào danh mục nghề độc hại, nguy hiểm. Lý do: Hiện nay trên cả nước giáo viên thể chất vẫn đang nhận được tiền độc hại của các tiết dạy ngoài trời, tuy nhiên lại chưa được đưa vào danh mục nghề độc hại, nguy hiểm. Đối với giáo viên thể chất, nếu cao tuổi sẽ rất khó làm mẫu các động tác, hơn nữa việc giảng dạy trong thời gian dài trong môi trường nặng nhọc làm hao mòn thể lực của giáo viên thể chất.

Thực tế, đã có 2 trường hợp giáo viên Mầm non và giáo viên Thể chất được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giải quyết về tuổi nghỉ hưu và chế độ nghề độc hại, nguy hiểm theo Chỉ thị số 01/TB-VPCP ngày 01/01/2021 của Thủ tướng chính phủ về kết luận Hội nghị làm việc của Thủ tướng chính phủ và Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam với chủ đề bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân lao động.

Trong Chỉ thị có giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu hướng dẫn cụ thể, rà soát, xây dựng thông tư hướng dẫn xác định danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thay thế công văn 2753/LĐTBXH-BHLĐ ngày 01/8/1995 hướng dẫn hai trường hợp cụ thể của giáo viên Mầm non và giáo viên Thể chất do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất.

Giờ học của cô trò trường vùng cao huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.

Giờ học của cô trò trường vùng cao huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.

Đề xuất của các thầy cô giáo huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái gửi tới Bộ trưởng, mong có sự quan tâm, có ý kiến với các Bộ, ngành liên quan cho giáo viên mầm non được giảm tuổi nghỉ hưu thấp hơn 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung theo quy định và tăng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học. Đề xuất Bộ trưởng quan tâm đến chế độ của đội ngũ nhân viên các nhà trường. Hiện nay, lượng công việc của nhân viên nhiều, trong khi đó không có phụ cấp nào ngoài hệ số lương hưởng theo ngạch bậc, mức thu nhập thấp không đảm bảo cuộc sống.

Quan tâm chế độ chính sách

Các thầy cô giáo Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái, cho rằng: Về việc xếp hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên chuyển từ các trường THPT giữ hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) chuyển về công tác tại trường THCS được xếp hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32).

Căn cứ vào Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ GD&ĐT về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 1/2021/TT-BGDĐT, 2/2021/TT-BGDĐT, 3/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ GD&ĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Như vậy giáo viên từ cấp THPT (cấp 3) chuyển xuống cấp THCS (cấp 2) mà để ở hạng THCS hạng III thì rất thiệt thòi: Ví dụ GV THPT đã công tác 15 năm khi chuyển xuống cấp 2 vẫn phải mất 9 năm nữa mới lên được THCS hạng II, như vậy sẽ không bằng giáo viên THCS mới công tác được 10 năm. Để đảm bảo quyền lợi, nhà trường mong muốn các cơ quan có thẩm quyền xem xét và xếp hạng chức danh nghề nghiệp cho nhóm giáo viên chuyển từ THPT hạng III (mã số V.07.04.32) sang THCS hạng II (mã số V.07.04.31).

Đề nghị áp dụng chế độ cho giáo viên giảng dạy trực tiếp học sinh khuyết tật theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ. Lý do: Hiện nay, công tác giáo dục trẻ khuyết tật trong nhà trường là một nhiệm vụ của giáo viên trực tiếp giảng dạy và cán bộ quản lý nhà trường. Tuy nhiên, giáo viên và nhà trường có học sinh khuyết tật chưa được hưởng chế độ theo Điều 7, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật, chế độ ưu đãi mới thực hiện đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ