Xây dựng trường học hạnh phúc: Bắt đầu từ văn hóa học đường

GD&TĐ - Sự đổi mới mạnh mẽ của giáo dục đòi hỏi mỗi HS khi tới trường phải được giáo dục toàn diện, phát triển năng lực bản thân, và học tập trong môi trường thân thiện. Điều đó sẽ tạo nên trường học hạnh phúc. 

Môi trường thân thiện góp phần giáo dục toàn diện HS.
Môi trường thân thiện góp phần giáo dục toàn diện HS.

Tại nhiều trường vùng cao, dù còn không ít  khó khăn song ý thức đổi mới giáo dục, xây dựng trường học vì HS đã được thể hiện rõ nét trong từng hành động, việc làm.

Xây dựng môi trường thân thiện

Đến Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Tám, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ - Hà Giang khó có thể nghĩ rằng đây là một ngôi trường vùng cao thuộc xã nội địa vùng 3 khó khăn, điều kiện địa lý phức tạp, HS dân tộc Mông chiếm đa số.

Trước mắt chúng tôi là cơ sở hạ tầng, trường lớp khang trang. Từ phòng học, phòng ăn của HS bán trú, sân trường… đều sạch sẽ gọn gàng, thể hiện sự quan tâm, chăm lo tận tình của đội ngũ CB, GV, NV nhà trường.

Khi được hỏi kinh nghiệm để xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, cô Phạm Hạnh – Phó Hiệu trưởng nhà trường hồ hởi chia sẻ: Có lẽ điều kiện khó khăn chính là động lực để trường phấn đấu và biến ước mong thành hiện thực.

 Từ đầu năm học, nhà trường đã chú trọng triển khai định hướng các hoạt động liên quan đến sự phát triển của HS thông qua nhiều hoạt động khác trong nhà trường. Chỉ đạo các lớp, các bộ phận thực hiện nghiêm túc việc xây dựng cảnh quan sư phạm, trang trí lớp học, xây dựng và thành lập các câu lạc bộ, các loại hình thư viện phát triển văn hóa đọc cho HS. Cùng đó, tổ chức giáo dục kĩ năng sống, đưa văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy. Công tác chăm sóc HS bán trú được duy trì nền nếp và có hiệu quả… 
Cô Phạm Hạnh

Đặc biệt, để hỗ trợ cho hoạt động dạy và học, nhà trường đã phát huy nội lực của đội ngũ CB, GV xây dựng các mô hình, các cách làm hay để thu hút HS như: Xây dựng thư viện xanh ngoài trời phục vụ đọc sách, trang trí khuôn viên ghế đá, các vị trí thuận tiện dễ tìm, dễ đọc. GV cũng tích cực sưu tầm và trưng bày góc văn hóa truyền thống, xây dựng lò đốt rác để bảo vệ môi trường. Công tác nội vụ HS bán trú, các ngày nghỉ hoặc trống tiết sử dụng GV trang trí lớp, bồn hoa cây cảnh…

Có thể thấy, sự đổi mới mạnh mẽ trong các hoạt động quản lý, dạy học… đã và đang tạo nên một ngôi trường PTDTBT Tiểu học Lùng Tám thân thiện. Ở đó, HS được quan tâm, tạo điều kiện và trở thành trung tâm của sự đổi mới giáo dục.

Cũng thuộc diện trường vùng khó, Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ - Hà Giang với 100% HS thuộc thành phần dân tộc khác nhau (Nùng, Mông…), có nhiều hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, bước vào từng lớp học sẽ nhận rõ sự chăm chút, tâm huyết của BGH và thầy cô giáo. Cô Đinh Loan Vân - Hiệu trưởng, chia sẻ: Việc đầu tiên cô làm khi nhận nhiệm vụ tại trường cách đây 3 năm đó là cùng đội ngũ GV thay đổi diện mạo cho trường. “Một ngôi trường không có cảnh quan xanh, sạch đẹp, lớp học không được trang trí, vệ sinh sạch sẽ… thì không thể thân thiện và kích thích học tập của HS, tâm huyết từ GV”, cô Vân nói.

Lớp học trang trí thân thiện góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục.
 Lớp học trang trí thân thiện góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục.

Ngay lập tức, những góc văn hóa, thư viện ngoài trời; vườn hoa cây cảnh, nhà xe… được chính đội ngũ GV nhà trường thiết kế, bố trí lại. Kinh phí dành cho sửa chữa eo hẹp thì bằng chính công sức, đôi bàn tay, sự sáng tạo của thầy cô cùng xây dựng, trang trí, cải tạo.

Chỉ sau một thời gian ngắn, khuôn viên học đường sáng đẹp hiện ra trong nỗ lực của cả tập thể. HS mừng vui vì có thư viện ngoài trời sạch đẹp để đọc sách, truyện giờ giải lao; Góc văn hóa được khai thác hiệu quả cho những tiết học thực tế; vườn hoa cây cảnh không chỉ tạo cảnh quan đẹp cho trường mà HS còn được thầy cô dạy thêm các kiến thức về cây hoa, cây cảnh, cây thuốc…

Đặc biệt, tại Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận, khâu giữ gìn vệ sinh chung được quan tâm sâu sắc. Là trường học vùng cao nhưng phòng học cơ bản không có dấu hiệu của bùn đất bám trên sàn lớp và bờ tường. Khâu vệ sinh được khắc phục tối đa bằng giải pháp đơn giản khi tới trường vào lớp HS đều phải thay dép sạch để tại trường.

Cô Vân cho biết: Từ khi thực hiện giải pháp này thì hành lang, lớp học, sân trường sáng đẹp sạch sẽ. Việc cải tạo môi trường học đường đã thực sự giúp chất lượng dạy và học nâng lên; học sinh yêu trường lớp, tình trạng bỏ học cơ bản được loại bỏ.

Xây dựng văn hóa học đường

Xây dựng trường học hạnh phúc không chỉ bằng việc đổi mới hoạt động dạy và học. Văn hóa trường học tưởng như vấn đề đơn giản, song đây lại là vấn đề được Trường THPT số 1 Lào Cai, thành phố Lào Cai xác định là quan trọng. Bởi trên thực tế, tình trạng HS văng tục chửi bậy tại trường; tình trạng bạo lực học đường xảy ra; HS ứng xử thiếu văn hóa, chuẩn mực với bạn bè, thầy cô… khiến môi trường học đường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trường THPT số 1 Lào Cai đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Kết quả thu được từ nhà trường cho thấy một cách làm hiệu quả mà các trường học có thể tham khảo nhân rộng.

Thư viện ngoài trời của Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận (Hà Giang)
 Thư viện ngoài trời của Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận (Hà Giang)

Trước tiên, trường tiến hành đầu tư cơ sở vật chất để tạo môi trường văn hóa về chất. Từ đó tăng cường giáo dục HS biết tự hào, trân trọng, có ý thức bảo vệ cơ sở vật chất để phục vụ cho việc học tập của chính HS.

Bên cạnh đó, những nội dung xây dựng văn hóa học đường được cụ thể hóa trong các nội quy, quy định của nhà trường. Từ đó nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm của GV, HS trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện lối sống lành mạnh, trang phục ngôn ngữ giao tiếp ứng xử văn hóa…

Đặc biệt, ngoài sự gương mẫu của CB, GV nhà trường trong xây dựng văn hóa trường học, trở thành tấm gương để HS noi theo thì GV chủ nhiệm chú trọng phối hợp chặt chẽ với gia đình HS, giúp PHHS nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa học đường để phối hợp với nhà trường nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục HS.

Với giáo viên bộ môn sẽ tích hợp nội dung xây dựng văn hóa học đường cho HS trong quá trình giảng dạy tùy theo đặc trưng của từng môn học (tiết kiệm điện, nước, bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật…).

Về phía nhà trường, thông qua các hoạt động ngoại khóa sẽ thực hiện công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội trong HS. Các tổ chức đoàn thể đặc biệt là Đoàn thanh niên thường xuyên phát động và tổ chức các cuộc vận động và phong trào thi đua với nội dung xây dựng văn hóa học đường. Tạo sân chơi văn hóa lành mạnh cho HS tham gia bằng việc xây dựng các câu lạc bộ văn học, nghệ thuật, văn nghệ, thể thao, ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ