Xây dựng kế hoạch GD nhà trường: Mở cánh cửa tư duy sáng tạo

GD&TĐ - Xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường là yêu cầu bắt buộc, đồng nghĩa với việc giáo viên (GV) được giao quyền nhiều hơn, phát huy tính chủ động, sáng tạo và cũng là trách nhiệm.

Học sinh sẽ là người hưởng lợi từ sự thay đổi tích cực trong môi trường GD. Ảnh minh họa: Thế Đại
Học sinh sẽ là người hưởng lợi từ sự thay đổi tích cực trong môi trường GD. Ảnh minh họa: Thế Đại

Việc này dù không dễ, nhưng chúng ta sẽ làm tốt với quyết tâm và bài học từ những trường thí điểm thành công. 

Khó khăn nếu GV ngại thay đổi

Theo Công văn 791/HD-BGDĐT, ngày 25/6/2013 của Bộ GD&ĐT, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành là một trong 8 cơ sở GD đầu tiên trong cả nước thực hiện xây dựng chương trình nhà trường. Tiếp cận với chương trình nhà trường khi khái niệm này còn rất mới mẻ, trong bối cảnh cả nước vẫn thực hiện một chương trình quốc gia tập trung hóa cao độ, quy định chi tiết về từng bài học cụ thể, thời gian dạy học cho mỗi bài… Ban giám hiệu Trường Nguyễn Tất Thành đã thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới hoạt động dạy học, giáo dục (GD) theo hướng phát triển tối đa mọi tiềm năng của HS, đồng thời cũng là mở cánh cửa tư duy sáng tạo, tinh thần học tập không ngừng cho mỗi thầy cô giáo. 

Chia sẻ của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh, chương trình nhà trường đã tạo ra bản sắc riêng của Trường Nguyễn Tất Thành, trao quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm trong việc cụ thể hóa chương trình quốc gia vào nhà trường phổ thông cho GV ở tất cả bộ môn. Qua từng năm học, kế hoạch dạy học các môn học tiếp tục được cải tiến, tham khảo ý kiến của nhà khoa học, minh chứng kết quả học tập và GD toàn diện của HS từ các nguồn đánh giá trong và ngoài khác nhau… Chính vì vậy, chương trình không ngừng được đổi mới, hoàn thiện và ngày càng thể hiện vai trò, hiệu quả trong dạy học, tạo uy tín về chất lượng đào tạo của nhà trường. 

Yêu cầu cao ở cơ sở GD, GV tính chủ động, sáng tạo, là điểm tiến bộ, cũng là cái khó trong xây dựng, thực hiện kế hoạch GD nhà trường. Tại Phú Thọ, nhiều năm nay, các trường được giao quyền chủ động và làm quen với việc xây dựng kế hoạch GD nhà trường. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Phùng Quốc Lập thừa nhận: Triển khai nội dung này ở các trường học trên địa bàn gặp khá nhiều khó khăn, nhất là những năm đầu thực hiện. 

Lý do, để xây dựng kế hoạch GD nhà trường, GV cần phối hợp rà soát nội dung chương trình giữa các môn, lớp để tinh giản, lược bỏ những nội dung trùng lặp hoặc lạc hậu, thiếu chính xác, những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt… Tuy nhiên, dạy học các môn theo phân phối chương trình thống nhất đã thành thói quen nhiều năm của GV; có một số thầy cô ngại thay đổi hoặc không dám thay đổi. Các tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng mới đầu còn lúng túng trong quyết định với những nội dung trùng lặp để dạy ở môn nào, bỏ ở môn nào… Bên cạnh đó, việc xây dựng và tổ chức dạy các chủ đề liên môn khó khăn do GV thiếu kinh nghiệm và kiến thức liên môn. Bố trí thời khóa biểu, phân công GV dạy các chủ đề liên môn cũng gặp khó khăn. Việc tổ chức các tiết học, hoạt động trải nghiệm, các hoạt động GD ngoài lớp học/nhà trường cho HS còn thiếu kinh phí; nội dung, hình thức tổ chức đôi khi chưa phù hợp, chưa hiệu quả…

Học sinh sẽ là người hưởng lợi từ sự thay đổi tích cực trong môi trường GD. Ảnh minh họa: Thế Đại
Học sinh sẽ là người hưởng lợi từ sự thay đổi tích cực trong môi trường GD. Ảnh minh họa: Thế Đại

Phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường

Trước khi bước vào năm học 2020 - 2021, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã bám sát Công văn số 2384/BGDĐT-GDTrH để ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường THCS, THPT xây dựng kế hoạch GD nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất HS. Hội nghị quán triệt, triển khai tập huấn về xây dựng, thực hiện kế hoạch GD nhà trường và các nhiệm vụ GD trung học khác cũng được sở này triển khai với sự tham gia của tất cả lãnh đạo, tổ trưởng chuyên môn. Theo ông Phùng Quốc Lập, 100% trường THCS, THPT tỉnh Phú Thọ đã xây dựng được kế hoạch GD nhà trường. Trong đó cốt lõi là kế hoạch dạy học các môn học và kế hoạch tổ chức các hoạt động GD theo định hướng phát triển năng lực phẩm chất HS.

“Có thể nói, công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch GD nhà trường được Sở GD&ĐT Phú Thọ chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, theo đúng các văn bản của Bộ GD&ĐT. Qua đó nhà trường, đội ngũ phát huy được sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện kế hoạch GD và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả GD của mỗi đơn vị. Bên cạnh ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, sở GD&ĐT cũng thường xuyên kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Đặc biệt, sở đã thành lập được đội ngũ chuyên gia, GV cốt cán các cấp học, môn học, thường xuyên tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ các trường, GV trong phát triển năng lực nghề nghiệp; trong đó có năng lực xây dựng kế hoạch GD, năng lực dạy học… Qua đó, các nhà trường, đội ngũ GV đã quen và làm tốt việc xây dựng, thực hiện kế hoạch GD theo định hướng phát triển năng lực phẩm chất HS” – ông Phùng Quốc Lập chia sẻ.

Học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành học liên môn Sử - Văn - Mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành học liên môn Sử - Văn - Mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ở Bến Tre, Sở GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu người đứng đầu các cơ sở GD xây dựng lộ trình cụ thể để ban hành, thực hiện kế hoạch GD của nhà trường. Trong học kì II năm học 2020 - 2021, tổ chức nghiên cứu, điều chỉnh các kế hoạch GD của nhà trường, của tổ chuyên môn, của GV, thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá, bảo đảm yêu cầu thực hiện Chương trình GD phổ thông cấp THCS, THPT, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Tổ chức rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện trước khi kết thúc năm học. Từ năm học 2021 - 2022, kế hoạch GD của nhà trường hằng năm phải được báo cáo về sở GD&ĐT (với trường THPT, trường phổ thông nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT, trung tâm GDNN-GDTX) và phòng GD&ĐT (với trường THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS) trước khi bắt đầu năm học mới. 

Còn tại Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh, nghiên cứu Chương trình GD phổ thông mới, chương trình nhà trường năm học 2019 - 2020 được rà soát, thiết kế thành nhiều chủ đề dạy học và triển khai theo 4 giai đoạn. Từ mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực HS, nội dung dạy học tiếp tục được tinh gọn, tăng tính liên thông giữa các môn học tạo điều kiện để phát triển khả năng tự học, tự nghiên cứu cho HS. Các em được tăng cường cơ hội học trải nghiệm, học kỹ năng sống, giá trị sống... để trở thành những người chăm chỉ, biết yêu thương, sẻ chia, có trách nhiệm với cộng đồng. Xây dựng chương trình nhà trường trong bối cảnh mới trở thành nội dung sinh hoạt tại các tổ chuyên môn, thành nhiệm vụ trọng tâm của
nhà trường.

Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các trường phổ thông xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường.  Mới đây nhất, ngày 18/12/2020, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Đây là văn bản quan trọng, cụ thể hóa nhiều nội dung bảo đảm phù hợp với Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực từ tháng 11/2020. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.