Vui buồn làm truyền thông, thương hiệu trong trường học

GD&TĐ - Cùng với sự bùng nổ của kỷ nguyên số, công tác truyền thông tại các cơ sở giáo dục cũng được chăm chút nhiều hơn trước.

Phòng truyền thông HCMUTE thực hiện một buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến. Ảnh: Công Chương
Phòng truyền thông HCMUTE thực hiện một buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến. Ảnh: Công Chương

Tổ chức họp báo, kết nối thông tin giữa nhà trường với các phóng viên báo/đài, tự chụp ảnh, viết tin bài… là công việc thường nhật của đội ngũ phụ trách truyền thông ở các trường ĐH, CĐ. 

Chuyên nghiệp hóa 

Cùng với những thay đổi, chuyển động trong công tác tuyển sinh, khoảng hơn 10 năm trở lại đây các trường ĐH, CĐ bắt đầu chú trọng đến công tác truyền thông.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) là một trong số hiếm hoi các cơ sở GDĐH công lập có phòng truyền thông riêng từ năm 2016. Đồng thời, nhà trường cũng “chịu chi” đầu tư phòng studio (2017), hệ thống livestream, kênh truyền hình UTETV (2016) chạy trên Facebook, YouTube, Instagram cho bộ phận truyền thông. 

Nói về cơ duyên đến với công tác truyền thông của trường, chị Lê Việt Tiên - Phó phòng Truyền thông HCMUTE (cũng là cựu SV của trường) cho biết: “Sau khi ra trường tôi được giữ lại công tác vị trí hỗ trợ sinh viên hoạt động xã hội và phong trào.

Sau đó có cơ duyên về vị trí quản lí thông tin tuyên truyền mà sau này bộ phận đó được tách ra khỏi bộ phận công tác sinh viên để lập thành Phòng Truyền thông lúc trường bắt đầu những đổi mới và chú trọng hơn vào công tác này. 

Công việc này rất năng động, rất vui và không hề nhàm chán. Tuy nhiên, tính chất công việc đòi hỏi dành nhiều thời gian cho mạng xã hội nhằm kịp thời nắm tình hình thông tin, xử lý thông tin và quan hệ báo chí.

Xuất phát từ cán bộ đoàn hội và tham gia nhiều hoạt động tình nguyện nên công việc phù hợp với tính cách và thế mạnh của tôi. Nhưng tôi cũng gặp nhiều khó khăn do mình ít kinh nghiệm để xử lý cùng lúc nhiều vấn đề trong công việc, do đó cũng cần hỗ trợ từ nhiều đồng nghiệp”.

Đối với, ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Truyền thông Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM, về mặt chuyên môn có phần thuận lợi hơn. Sau khi học xong chương trình cao học về Quản trị truyền thông của Đại học Stirling (Vương quốc Anh), chị gặp Ban Giám hiệu IU và được biết nhà trường có nhu cầu tìm một người phụ trách truyền thông, với yêu cầu không chỉ có kiến thức nền về báo chí và truyền thông mà còn có kinh nghiệm thực tiễn trong ngành này. 

“Vốn xuất thân là sinh viên của ĐHQG TPHCM nên tôi có niềm quý mến với nơi đã đào tạo mình, thêm nữa do yêu giáo dục và mong muốn dùng chút sức của mình để góp thêm hương hoa cho ngành, đặc biệt Giáo dục ĐH Việt Nam nên tôi đã thử tìm hiểu công việc. Sau khi tìm hiểu chế độ làm việc, thu nhập và môi trường làm việc của nhà trường, tôi đã đồng ý về IU và trở thành Trưởng ban Truyền thông của trường gần 5 năm qua” - chị Bích Ngọc chia sẻ. 

Tương tự, ThS Nguyễn Thị Mến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Văn Lang (VLU) cho biết đã gắn bó với công việc này tại trường hơn 10 năm. “Cơ duyên trong công việc cũng là từ những thầy cô, anh chị cùng ngành học với tôi dìu dắt. Một người làm truyền thông chất lượng rất cần cảm xúc với thương hiệu mà mình phụng sự. Với VLU, tôi luôn tìm thấy những câu chuyện hay, những cảm xúc chân thật đối với nhân vật, với thông điệp mà chúng tôi muốn truyền thông. Đó là một may mắn và cơ duyên lớn với tôi” - chị Mến chia sẻ.

ThS Lê Việt Tiên trong cuộc trao đổi với PV Báo GD&TĐ. Ảnh: T.G
ThS Lê Việt Tiên trong cuộc trao đổi với PV Báo GD&TĐ. Ảnh: T.G

Thấu hiểu về truyền thông

Chị Lê Việt Tiên (HCMUTE) chia sẻ: “Điều thú vị của công việc này là luôn được tiếp xúc với sinh viên, phóng viên, có nhiều mối quan hệ thú vị; được đi nhiều nơi, kịp thời cập nhật xu hướng trẻ, tin tức mới, không bị nhàm chán.

Đồng thời, có một điều rất may mắn nữa là tôi được làm việc với một thầy Hiệu trưởng rất mê truyền thông, sáng tạo và đổi mới. Thầy luôn có những ý tưởng mới hấp dẫn trong công tác và đặc biệt trong truyền thông, tạo cho chúng tôi rất nhiều cảm hứng làm việc và sáng tạo. Bên cạnh đó, sếp trực tiếp lại là một “thần tượng” của tôi về công nghệ và định hướng chiến lược cho phòng”.

ThS Nguyễn Thị Mến (VLU) thì cho rằng thuận lợi của chị là có nền tảng về nội dung và lượng kiến văn cần thiết để dễ dàng tìm được sự thấu cảm của đối tượng cần tác động truyền thông. Những điểm chạm cảm xúc khi làm truyền thông rất quan trọng, và thuận lợi là bản thân chị và các bạn trong ê-kíp khá dễ dàng nắm bắt được “chìa khóa” của vấn đề.

Với ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc (IU), thuận lợi nhất là môi trường làm việc quốc tế hóa của nhà trường. “Ban Giám hiệu và lãnh đạo đơn vị tôi làm có phong cách thoải mái, cởi mở và rất tin tưởng nhân viên như chúng tôi. Trường có nhiều thành tựu giáo dục, có nhiều giảng viên giỏi, có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Sinh viên của trường thì không chỉ học giỏi, năng động mà còn rất cá tính. Chính những điều đó là tiền đề vô cùng thuận lợi cho tôi làm công tác truyền thông…”. 

“Với một đơn vị có thực lực mạnh thì mọi thông tin đưa ra đều là thật nên tôi rất thoải mái chia sẻ cho các phương tiện truyền thông đại chúng. Vấn đề khó khăn nhất của tôi khi làm việc này chính là làm sao để cho tất cả giảng viên, cán bộ nhân viên trong trường cùng hiểu một thông điệp như nhau và cùng thoải mái với giới truyền thông báo chí để có thể giao tiếp với tự tin hơn, bớt nghi ngờ hơn”, chị Ngọc thông tin thêm.

Cách đây 10 năm, khái niệm truyền thông với tôi đơn giản là “thông tin”, tôi không hiểu gì về cơ chế hoạt động của mạng xã hội hay truyền thông tích hợp IMC, IBC là gì… Nhưng giờ đây, các bạn trong team của tôi mỗi ngày đem đến cho tôi một ý tưởng mới, các bạn làm Vlog, làm sitcom, làm livestream, những sản phẩm rất trendy... - ThS Nguyễn Thị Mến

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các cơ sở sản xuất hương Báo Ân phơi thành phẩm trước khi đóng bao bì.

Làng hương Hà Tĩnh vào vụ Tết

GD&TĐ - Cùng với nhiều ngành nghề khác, làng hương Báo Ân (Hà Tĩnh) đang chạy đua sản xuất để phục vụ cho Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025