Việt Nam có những ngôi trường đào tạo không thua kém nước ngoài

GD&TĐ - Việt Nam cũng có những môi trường GD-ĐT rất tốt, không thua kém nước ngoài, thậm chí là vượt trội.

Học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Báo KH&ĐS
Học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Báo KH&ĐS

Là một phụ huynh có con du học ở nước ngoài, bà Kim Khánh - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thương gia – nhận ra rằng, Việt Nam cũng có những môi trường đào tạo rất tốt, không thua kém nước ngoài, thậm chí là vượt trội.

Bà Khánh chia sẻ: Trước đây, con trai bà học ở Trường Phổ thông liên cấp Olympia. Khi đi du học ở Canada, cháu đã rất nhớ ngôi trường mà mình đã học ở Việt Nam.

“Có thể ở Canada có những ngôi trường tốt hơn mà tôi chưa được biết, nhưng khi so sánh ngôi trường mà con trai tôi đã học và những ngôi trường mà tôi biết ở Canada, thì Trường Olympia vẫn hơn” – bà Khánh thẳng thắn nói và cho biết: 3 năm du học nước ngoài là 3 năm chông chênh với con trai bà. Cháu rất nhớ trường học ở Việt Nam.

Từ thực tế câu chuyện của con trai mình, Bà Khánh nhận định: Việt Nam hoàn toàn xây dựng được những cơ sở GD-ĐT chất lượng chất lượng cao, để học sinh có thể “du học tại chỗ” được.

Điều đó không chỉ tốt với HSSV, mà còn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. “Có nhiều cách để làm được điều này, trong đó đó có việc hợp tác với nước ngoài” - bà Khánh nêu ý kiến.

Thầy Đàm Tiến Nam - Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: Năm 2015, nhà trường được UBND TP Hà Nội công nhận là trường chất lượng cao. Để được công nhận là trường chất lượng cao thì phải đáp ứng được các tiêu chí ngặt nghèo.

Theo thầy Nam, vì có các chương trình bổ sung tăng cường nên chương trình của trường chất lượng cao có thể tương thích với chương trình quốc tế. Thực tế, đã có những học sinh học hết lớp 6 ở Việt Nam, sau đó đi du học ở nước ngoài. Nhưng đến lớp 11 lại trở về Việt Nam và học tại Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, chương trình hoàn toàn phù hợp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thầy Nam, đối với những trường tự chủ việc xây dựng và đảm bảo các tiêu chí của chất lượng cao không quá khó khăn.

“Thậm chí, chúng tôi luôn nghĩ đặt những tiêu chuẩn cao hơn quy định TP Hà Nội. Chúng tôi quan niệm trường chất lượng cao phải thực hiện được mục tiêu của giáo dục phổ thông, đó là dạy học sinh nên người; với hai chỉ số quan trọng: Sự tiến bộ và hạnh phúc của học sinh khi đến trường học tập.

Chúng tôi không quan niệm phải tăng cường học nhiều Toán, Văn… mà cần bổ trợ cho học sinh những kỹ năng mềm; đồng thời hun đúc khát vọng, hoài bão, để các em vươn lên, thành công trong cuộc sống” – thầy Nam chia sẻ, đồng thời cho biết:

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều em học sinh không thể đi du học, nên đã chọn học ở một số các trường đại học trong nước như: Trường Anh Quốc Việt Nam, Trường ĐH RMIT, Trường ĐH FPT và có kết quả rất tốt. Điều đó cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được trường chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế. HSSV có thể lựa chọn, nhất trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

PGS.TS Nguyễn Trung Thành - Trưởng Phòng đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong những năm gần đây, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều trường ĐH xây dựng các chương trình chất lượng cao theo Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT; trong đó có Trường ĐH Khoa học Tự nhiên với một số ngành: Công nghệ sinh học, Hóa dược, công nghệ kỹ thuật hóa học, Khoa học môi trường, Máy tính và khoa học thông tin.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa chấm dứt hoàn toàn, thay vì đi du học nước ngoài, HSSV có thể học tập các chương trình chất lượng cao trong nước. Đây là lựa chọn mà các em hoàn toàn có thể nghĩ đến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ