Vì sao nên giữ nguyên nội dung nhận trẻ từ 3 tháng tuổi trong Luật

GD&TĐ - Điều 21, Luật Giáo dục hiện hành quy định: Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi.

Vì sao nên giữ nguyên nội dung nhận trẻ từ 3 tháng tuổi trong Luật

Do Khoản 1 Điều 157 của Bộ luật lao động 2012, quy định “Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng”, nên có ý kiến cho rằng nên thay đổi quy định tại Luật Giáo dục theo hướng tăng độ tuổi trẻ mầm non đến trường từ 3 tháng lên 6 tháng.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) - đưa ra những phân tích liên quan đến 2 phương án: nâng tuổi đến trường của trẻ mầm non hay không nâng như sau:

Phương án nhận trẻ từ 3 tháng tuổi

Với phương án giữ nguyên quy định như luật hiện hành là nhận trẻ từ 3 tháng tuổi, ông Nguyễn Bá Minh phân tích như sau:

Thứ nhất: Hiện nay vẫn có trường hợp trẻ mới 3-4 tháng tuổi nhưng cha mẹ phải đi làm và không thuê được người giữ trẻ. Do đó, việc giữ nguyên quy định để các cơ sở giáo dục mầm non có điều kiện có thể nhận trẻ đáp ứng nhu cầu của đối tượng này, dù đối tượng này rất ít. Việc giữ nguyên độ tuổi đến nhà trẻ (từ 3 tháng tuổi) là để không bỏ sót đối tượng.

Thứ 2: Chương trình giáo dục mầm non đã ban hành là dành cho trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi nên không có khó khăn về chương trình.

Thứ 3: Giáo viên mầm non được đào tạo để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, trong đó có yêu cầu phải thực hiện được chương trình giáo dục mầm non, tức là có năng lực để nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi.

Tuy nhiên, cơ sở thực hành chăm sóc trẻ từ 3 tháng đến 2 tuổi trên thực tế không có, nên năng lực chăm sóc trẻ nhỏ từ 3 tháng đến 2 tuổi của giáo dục mầm non hiện nay rất hạn chế.

Bên cạnh đó, trẻ từ 3 tháng đến 1 tuổi, mỗi giáo viên đảm nhiệm 5-6 trẻ nên cần nhiều giáo viên, dẫn đến học phí cao.

Thứ 4: Cơ sở vật chất dành cho độ tuổi trẻ nhỏ không tốn kém hơn cơ sở vật chất dành cho trẻ mẫu giáo, nên không có khó khăn với nội dung này.

Thứ 5: Các cơ sở giáo dục mầm non sợ rằng, nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 1 tuổi khó đảm bảo an toàn, độ rủi ro cao nên rất ít cơ sở giáo dục mầm non nhận đối tượng này. Đó là một trở ngại về tâm lý.

Phương án nhận trẻ từ 6 tháng tuổi

Với phương án giữ nguyên quy định như luật hiện hành là nhận trẻ từ 6 tháng tuổi, ông Nguyễn Bá Minh phân tích như sau:

Thứ nhất: Khoản 1 Điều 157 của Bộ luật lao động 2012, quy định “Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng”, như thế bà mẹ có thể ở nhà 6 tháng để giữ con, đảm bảo trẻ được gần gũi mẹ.

Thứ 2: Chương trình giáo dục mầm non đã ban hành là dành cho trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi, nên nếu có nâng độ tuổi đến trường lên 6 tháng tuổi sẽ không gặp khó khăn về chương trình

Thứ 3: Giáo viên mầm non được đào tạo để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; trong đó có yêu cầu phải thực hiện được chương trình giáo dục mầm non; tức là có năng lực để nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi.

Tuy nhiên cơ sở thực hành chăm sóc trẻ từ 3 tháng đến 2 tuổi trên thực tế không có nên năng lực chăm sóc trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 2 tuổi của giáo dục mầm non hiện nay rất hạn chế. Trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi mỗi giáo viên đảm nhiệm 5-6 trẻ nên cần nhiều giáo viên, dẫn đến học phí cao.

Thứ 4: Cơ sở vật chất dành cho độ tuổi trẻ nhỏ không tốn kém hơn cơ sở vật chất dành cho trẻ mẫu giáo, nên không có khó khăn với nội dung này.

Thứ 5: Các cơ sở giáo dục mầm non sợ rằng, nhận trẻ từ 6 tháng tuổi đến 1 tuổi khó đảm bảo an toàn, độ rủi ro cao nên rất ít cơ sở giáo dục mầm non nhận đối tượng này (đối tượng này nhiều hơn từ 3 tháng đến 1 tuổi một ít).

Cho phép nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi chứ không buộc phải nhận

Theo như phân tích trên của Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, về giáo viên, hai phương án đều có khó khăn như nhau. Về cơ sở vật chất, khó khăn và thuận lợi của cả hai phương án cũng tương tự.

Tuy nhiên, hiện nay có hai luống ý kiến trái chiều nhau:

Luồng ý kiến thứ nhất: Nếu chọn phương án nhận trẻ từ 3 tháng tuổi (giữ nguyên quy định hiện hành) thì ý kiến phản biện cho rằng thiếu thực tế, thiếu tính khả thi.

Luồng ý kiến thứ 2: Nếu chọn phương án nhận trẻ từ 6 tháng tuổi thì ý kiến phản biện cho rằng bỏ sót đối tượng cần quan tâm, đặc biệt là đối tượng khó khăn.

Ông Nguyễn Bá Minh cho biết, đề xuất, chọn phương án không thay đổi vì những lý do như sau:

Thứ nhất: Điều 25, Luật Giáo dục hiện hành quy định: "Nhà trẻ, nhóm trẻ nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến ba tuổi; Trường, lớp mẫu giáo nhận trẻ em từ ba tuổi đến sáu tuổi; Trường mầm non là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi - là quy định cho phép cơ sở giáo dục mầm non nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi chứ không phải nghĩa vụ phải nhận (không phổ cập giáo dục);

Thứ 2: Luật không bỏ sót đối tượng cần quan tâm, đặc biệt là đối tượng khó khăn. Thực hiện được đến mức độ nào là phụ thuộc vào điều kiện, luật cần tạo điều kiện để ở đâu thực hiện được thì có thể thực hiện.

Thứ 3: Trong thực tiễn có thời gian các nhà trẻ đã nhận trẻ từ 2 tháng tuổi.

"Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến để có phương án tốt nhất" - ông Nguyễn Bá Minh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ