Vai trò quan trọng của thư viện trường học trong đổi mới GD

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng phòng thư viện cho Trường Tiểu học Tăng Tiến (huyện Việt Yên, Bắc Giang)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng phòng thư viện cho Trường Tiểu học Tăng Tiến (huyện Việt Yên, Bắc Giang)

Đáp ứng yêu cầu đổi mới đó, Thư viện trường học có vai trò quan trọng, liên quan mật thiết với thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc, thói quen tự học, chiếm lĩnh tri thức của mỗi học sinh.

Thư viện - hạng mục thiết yếu trong trường phổ thông

Thư viện trường học được quy định là một bộ phận cơ sở vật chất thiết yếu, trung tâm sinh hoạt văn hóa và khoa học của nhà trường; Góp phần nâng cao chất lượng dạy – học và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy và học, hình thành văn hóa đọc, văn hóa cộng đồng trong trường phổ thông. Trong hệ thống giáo dục quốc dân, các trường học, cơ sở giáo dục phổ thông được Nhà nước đầu tư, xây dựng hạng mục thư viện và các hoạt động khá đồng bộ cùng với phòng học bộ môn, chức năng trong nhà trường.

Từ trước đến nay, ngành Giáo dục rất chú trọng đến hoạt động thư viện trường học và xây dựng thói quen đọc sách, văn hóa đọc trong trường phổ thông; coi đây là giải pháp quan trọng để học sinh tự học, nghiên cứu, hình thành kiến thức kỹ năng, thay đổi phương pháp dạy – học, góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh phổ thông đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục.

Học sinh tiểu học và giáo viên huyện Việt Yên (Bắc Giang) trong một tiết đọc thư viện
 Học sinh tiểu học và giáo viên huyện Việt Yên (Bắc Giang) trong một tiết đọc thư viện

Trên thực tế tiêu chuẩn trường, lớp, thư viện và thiết bị giáo dục ở trường tiểu học được quy định tại Quyết định số 2164/GDĐT ngày 27/6/1995 của Bộ GD&ĐT; hiện được thay thế bằng Quyết định số 61/1998/QĐ-BGD&ĐT ngày 6/11/1998 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động thư viện trường tiểu học;

Năm 2003, tại Quyết định số 01/2003/QĐ-BGD&ĐT Bộ đã ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông; sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 01/2004/QĐ-BGDĐT ngày 29/1/2004 về danh hiệu và quy trình công nhận “Thư viện trường học xuất sắc”.

Theo đó, thư viện phải có đầy đủ sách phục vụ cho việc học tập của học sinh và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của giáo viên. Thư viện nhà trường phải có đủ các loại sách: SGK, sách tham khảo đọc thêm, sách nghiệp vụ, sách chuyên môn, các loại báo, tạp chí cần thiết.

Thư viện còn là nơi tổ chức cho giáo viên, học sinh sử dụng một cách có hiệu quả các loại sách báo nhằm phục vụ tốt công tác giảng dạy và học tập, thu hút giáo viên và học sinh đọc sách báo, tạo nên thói quen tự học, tự bồi dường nâng cao chuyên môn nghiệp vụ...

Chia sẻ với các thầy, cô giáo huyện Việt Yên (Bắc Giang), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn các thầy, cô tìm được giải pháp củng cố, phát triển thư viện nhà trường
Chia sẻ với các thầy, cô giáo huyện Việt Yên (Bắc Giang), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn các thầy, cô tìm được giải pháp củng cố, phát triển thư viện nhà trường

Mong muốn học sinh ham đọc sách và học tập những tấm gương sáng

Có thể thấy rằng thư viện trường học là hạng mục gắn liền hữu cơ với kế hoạch giảng dạy, hoạt động giáo dục trong trường phổ thông và ngày càng có vai trò quan trọng trong công tác dạy – học theo mục tiêu giáo dục đổi mới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ rất quan tâm đến hệ thống thư viện trường học, hoạt động thư viện và xây dựng văn hóa đọc trong các nhà trường. Trong các chuyến công tác thực tế nắm bắt tình hình phát triển sự nghiệp giáo dục tại các địa phương, Bộ trưởng đã rất sát sao trong công tác này.

Học sinh say mê với các tiết đọc thư viện được đổi mới hình thức tổ chức và hoạt động phong phú

Học sinh say mê với các tiết đọc thư viện được đổi mới hình thức tổ chức và hoạt động phong phú

Mới đây nhất, trong chuyến công tác, tặng quà và chúc Tết nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thể hiện rõ mối quan tâm này khi tặng cho Trường Tiểu học Tăng Tiến (huyện Việt Yên) một phòng thư viện với mong muốn học sinh nhà trường có sách để đọc, hình thành thói quen đọc sách cho các em.

Bộ trưởng đặc biệt căn dặn học sinh: “Các em phải năng đọc sách để học tập những tấm gương sáng như danh sĩ Thân Nhân Trung, quê ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, người có câu nói nổi tiếng: "...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh…”

Trong các chuyến công tác thực tế, ở mỗi ngôi trường đến thăm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý các thầy, cô giáo trong điều kiện còn khó khăn nhưng phải tìm được giải pháp củng cố, phát triển thư viện nhà trường, hình thành văn hóa đọc và thói quen ham đọc sách trong mỗi em học sinh. Muốn vậy, các thầy, cô giáo cũng phải làm gương cho học sinh noi theo là năng đến thư viện để chia sẻ cuốn sách hay, cách đọc sách hiệu quả và những kiến thức, bài học bổ ích qua sách thư viện với học sinh để các em thấy được lợi ích từ việc đọc sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ