Tuyển sinh ĐH: "Chốt" kết quả sau 6 lần lọc ảo

GD&TĐ - Từ ngày 2 - 4/10, các trường ĐH, CĐ sẽ thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 theo Quy chế tuyển sinh. Bà Nguyễn Thu Thủy – quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Bộ tiếp tục hỗ trợ các trường lọc ảo (6 lần). Kết quả sau lần lọc ảo thứ 6 (lần cuối cùng) là chính thức, các trường không được thay đổi kết quả này.

Thí sinh trao đổi bài thi tại điểm thi Trường THPT Thực hành sư phạm (thuộc Trường Đại học Cần Thơ). Ảnh: B.Ngọc
Thí sinh trao đổi bài thi tại điểm thi Trường THPT Thực hành sư phạm (thuộc Trường Đại học Cần Thơ). Ảnh: B.Ngọc

Nguyên tắc hoạt động lọc ảo

- Bộ GD&ĐT khẳng định tiếp tục hỗ trợ các trường trong công tác xét tuyển và lọc ảo. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về việc này?

- Để có thể xét tuyển và lọc ảo hiệu quả, cần sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ GD&ĐT, đến các sở giáo dục đào tạo, trường phổ thông. Đồng thời, cần sự phối hợp tốt giữa Ban Chỉ đạo Tuyển sinh quốc gia và các trường, nhóm trường trong suốt quá trình thực hiện xét tuyển và lọc ảo. 

Như vậy, chúng ta cần có một hệ thống phần mềm với đủ chức năng để đáp ứng được yêu cầu xét tuyển đa dạng và phong phú của các trường; một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về trường phổ thông; danh mục khu vực ưu tiên, trường ngành, tổ hợp xét tuyển và cơ sở dữ liệu về thí sinh, điểm thi của thí sinh, đặc biệt thí sinh phải tham gia đăng ký xét tuyển trên cùng một hệ thống. Đồng thời, do các trường xét tuyển bằng nhiều phương thức, trong thời gian khác nhau, thí sinh trúng tuyển và xác nhận nhập học cần được các trường nhập lên hệ thống trong thời gian quy định để loại bớt nhóm này ra khỏi danh sách sẽ tham gia xét tuyển lọc ảo đợt 1.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục đồng hành cùng các trường trong việc xét tuyển và lọc ảo. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ xét tuyển và lọc ảo như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có phương án thi THPT các năm tới, phương án xét tuyển của các trường, cơ chế chính sách về tài chính để có thể duy trì và vận hành toàn bộ hệ thống…

Bà Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học. Ảnh: Thế Đại
Bà Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học. Ảnh: Thế Đại

- Phần mềm lọc ảo năm nay có gì mới và nguyên tắc, cơ chế hoạt động như thế nào?

- Phần mềm tuyển sinh đã phát huy tác dụng khi “chốt” thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất và giúp các trường thống kê, dự tính được thí sinh ảo để chủ động trong tuyển sinh. Đợt tuyển sinh đầu tiên của năm 2019 đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả… giảm được áp lực cho đợt tuyển sinh bổ sung. Hệ thống ổn định trong suốt thời gian xét tuyển và lọc ảo; không có hiện tượng nghẽn mạng.

Năm 2020, phần mềm xét tuyển và lọc ảo về cơ bản giữ ổn định như năm 2019; tuy nhiên đã được rà soát và bổ sung để hỗ trợ các trường trong công tác xét tuyển và lọc ảo. Cụ thể: Bổ sung chức năng để các trường có thể quy đổi điểm thi với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ thay thế…

Về quy trình xét tuyển và lọc ảo: Các trường tải và cài đặt phần mềm xét tuyển phù hợp với phương thức mà trường lựa chọn: Phần mềm xét tuyển cho các trường thuộc nhóm phía Nam, Bắc; phần mềm cho các trường không thuộc nhóm. Chuẩn bị đường truyền Internet.

Sau đó, tải dữ liệu tuyển sinh từ hệ thống: Dữ liệu điểm thi của thí sinh; nguyện vọng đăng ký xét tuyển và thông tin của thí sinh về khu vực, đối tượng ưu tiên; thông tin về ngành, tổ hợp xét tuyển; quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng; thông tin về sơ tuyển; chỉ tiêu tuyển sinh. Để bảo mật, dữ liệu các trường tải về đã được mã hóa. Thí sinh trúng tuyển và xác nhận trước đó được nhà trường nhập lên hệ thống (bằng mã vạch trong bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi) sẽ được loại khỏi danh sách thí sinh các trường tải về để loại khả năng trúng tuyển vào trường khác, từ đó giảm tối đa ảo ngay trước khi xét tuyển.  

Các trường thực hiện xét tuyển trên cơ sở dữ liệu tải về từ hệ thống và phần mềm xét tuyển đã cài đặt. Hội đồng tuyển sinh sẽ căn cứ vào dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm thi của thí sinh; các điều kiện sơ tuyển… để đưa ra mức điểm dự kiến trúng tuyển. Các trường tự quyết định mức điểm trúng, tỷ lệ ảo và chịu trách nhiệm giải trình.

Các trường sẽ đưa danh sách dự kiến trúng tuyển hoặc ủy quyền cho nhóm (với các trường xét tuyển theo nhóm) lên hệ thống, đồng thời tải kết quả sau lọc ảo về để phân tích và tiếp tục xét tuyển. Theo quy định, các trường và nhóm sẽ có 6 lần lọc ảo chung, ngoài ra trường thuộc các nhóm sẽ thực hiện xét tuyển theo kế hoạch của từng nhóm. Kết quả sau lần lọc ảo thứ 6 (lần cuối cùng) là chính thức, các trường không được thay đổi kết quả này.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: Thế Đại
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: Thế Đại

Bảo đảm tính thống nhất và quyền tự chủ 

- Theo bà thời gian xét tuyển 3 ngày có  hạn chế tối đa thí sinh ảo?

- Ngay từ những năm đầu tiên xét tuyển và lọc ảo chung (năm 2017), kế hoạch chi tiết về xét tuyển lọc ảo được Bộ GD&ĐT phối hợp với các trường rà soát và triển khai thực hiện trong các lần tập huấn; thực hành, tổng duyệt thực hành xét tuyển, lọc ảo với cơ sở dữ liệu giả lập trên cả hệ thống; qua đó rút kinh nghiệm để đưa ra kế hoạch chính thức. 

Kế hoạch xét tuyển và lọc ảo phải bảo đảm nguyên tắc và đủ thời gian cho các trường có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển cũng như trường mới tham gia xét tuyển. Các trường có đủ thời gian thực hiện việc xét tuyển và lọc ảo nhưng quá trình đó cũng không được kéo dài làm ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh. Việc xét tuyển được thực hiện trong thời gian 3 ngày với 6 lần lọc ảo giúp các trường, nhóm trường có đủ thời gian để phân tích dữ liệu, điều chỉnh phương án tuyển sinh cho phù hợp và tối ưu để có thể tuyển được số lượng và chất lượng tốt nhất có thể.

Trên cơ sở kế hoạch tuyển sinh chung, hằng năm Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch xét tuyển và lọc ảo chi tiết với các mốc thời gian cụ thể để các trường biết và thực hiện. Năm 2020, Bộ ban hành Công văn số 3407/BGDĐT-GDĐH ngày 4/9/2020 để hướng dẫn các trường thống nhất thực hiện. Trên thực tế, Bộ GD&ĐT chưa nhận được phản ánh bất cập nào về thời gian xét tuyển và lọc ảo chung.

- Việc tuyển sinh theo nhóm trường miền Bắc, Nam có tác dụng như thế nào với các trường và thí sinh?

- Hai nhóm xét tuyển chung ở hai miền Nam, Bắc đã thu hút nhiều thành viên, đặc biệt là các trường lớn tham gia (năm 2019 có 53 trường phía Bắc do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì và 90 trường phía Nam do Đại học Quốc gia TPHCM chủ trì; năm 2020 số trường tham gia giữ ổn định); phối hợp thành công để sử dụng chung nguồn tuyển và cơ sở dữ liệu tuyển sinh. Vai trò tích cực của trường chủ trì và sự hợp tác giữa các nhóm trường phát huy tác dụng trong việc triển khai quy trình tuyển sinh thuận lợi, nhanh chóng; bảo đảm tính thống nhất của nhóm và quyền tự chủ của các trường thành viên, cùng nhau xét tuyển và lọc ảo. Trên cơ sở đó, kết quả tuyển sinh của các trường uy tín đã tiệm cận con số cần tuyển.

Việc các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo theo nhóm, ngoài 6 lần xét tuyển lọc ảo chung, các trường còn có nhiều lần lọc ảo trong nhóm. Việc này giúp quá trình lọc ảo diễn ra nhanh, thuận lợi hơn. Hiện các nhóm đã ban hành quy định, kế hoạch lọc ảo chi tiết và thông báo để các trường thành viên cùng phối hợp.

- Xin cảm ơn bà!

Từ 16 giờ 30 phút – 17 giờ 30 phút ngày 4/10, các trường hoàn thành tải kết quả lọc ảo lần 6. Các trường cập nhật vào hệ thống danh sách thí sinh trúng tuyển công bố gọi nhập học của mình. Nhà trường không được thay đổi kết quả này, vì việc thay đổi sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh và kết quả xét tuyển của  trường khác. Trước 17 giờ ngày 5/10, các trường nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 của năm 2020. - bà Nguyễn Thu Thủy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ