Tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng: Đừng để nước mắt trên trang giáo án

GD&TĐ - Câu chuyện tuyển dụng giáo viên hợp đồng tại Hà Nội, Bắc Ninh và nhiều địa phương khác… không mới nhưng vẫn nóng khi thầy cô đội đơn đi kêu cứu khắp nơi. Hơn 1 năm qua, số phận của những giáo viên này vẫn chưa được định đoạt. Có người tìm việc khác mưu sinh, người làm thuê cho chính ngôi trường trước đây từng gắn bó với mức thù lao… rẻ đến bất ngờ.

Giờ học của cô trò thị xã Cửa Lò, Nghệ An. Ảnh: H.Lài
Giờ học của cô trò thị xã Cửa Lò, Nghệ An. Ảnh: H.Lài

Rẻ như… tri thức

Trước thềm năm học 2019 - 2020, nhiều trường học tại Hà Nội buộc phải chấm dứt hợp đồng với các giáo viên. Giáo viên cũ bị cho nghỉ, giáo viên mới chưa tuyển dụng được, không ít trường loay hoay giải bài toán thiếu giáo viên đứng lớp.

Trường Tiểu học Vật Lại (huyện Ba Vì, Hà Nội) năm học vừa qua có 1.534 học sinh. Đầu năm học, nhà trường phải cắt hợp đồng lao động với 6 giáo viên  nên  phải dồn từ 45 xuống 39 lớp. Sĩ số các lớp học vì thế quá tải, nhiều lớp lên đến 48 học sinh. Để có đủ giáo viên đứng lớp, trường phải giảm từ 10 buổi xuống 9 buổi học, huy động cả ban giám hiệu tham gia đứng lớp hàng ngày và thuê thêm 4 giáo viên thỉnh giảng. Tình trạng này kéo dài trong suốt năm học.

Cũng thiếu giáo viên ở 5 bộ môn Toán, Địa lý, Vật lý, Sinh học, Công nghệ, trong đó 3 môn trắng giáo viên, Trường THCS Thụy An (huyện Ba Vì, Hà Nội) phải tăng cường giáo viên bộ môn khác đứng lớp. 2 môn còn lại trường đành xin cơ chế thuê giáo viên thỉnh giảng với chi phí 30.000 đồng/tiết học.

Thầy Nguyễn Viết Tiến - GV hợp đồng tại thị xã Sơn Tây chia sẻ: Sau khi thị xã đơn phương chấm dứt hợp đồng với toàn bộ giáo viên hợp đồng trong huyện, gần như 90% số giáo viên này được mời hợp đồng thỉnh giảng.

Bản thân thầy Tiến cũng được mời thỉnh giảng tại trường 12 tiết/tuần, mỗi tiết thầy nhận được 50.000 đồng và phải tự đóng bảo hiểm. Theo thầy Tiến,  số tiền này chỉ bằng 1/4 công phụ hồ/ngày (khoảng 200.000 đồng). 

Thấp thỏm chờ đặc cách

Cô Hoàng Thị Ngân (41 tuổi, huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã tròn 20 năm gắn bó với ngành Giáo dục, nhưng vẫn là giáo viên hợp đồng huyện. Sự nghiệp của cô cũng đầy lận đận với 2 lần chuyển công tác ở 3 vị trí công việc khác nhau. Năm 2000, tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm, cô Ngân được ký hợp đồng giáo viên văn hóa tại Trường Tiểu học Thanh Hương.

Kiên trì dạy học suốt nhiều năm ở xã khó khăn nhưng không được tuyển dụng viên chức, cô học thêm bằng thiết bị trường học để chuyển vị trí việc làm. Sau đó, cô nhận công việc mới tại Trường THCS Phong Thịnh. Chờ đợi thêm 7 năm để được vào biên chế nhưng cơ hội vẫn không đến, mức lương của cô Ngân suốt hơn chục năm chưa đầy 2 triệu/tháng.

Trong thời gian đó, cô tiếp tục học bằng trung cấp mầm non vì thấy địa phương thiếu giáo viên bậc học này. Năm 2016, huyện Thanh Chương có chủ trương điều chuyển giáo viên, nhân viên từ THCS, tiểu học xuống trường mầm non, cô Ngân được tuyển dụng hợp đồng theo Nghị định 06/2018, công tác tại Trường Mầm non Thanh Ngọc. Từ đó, cô mới được hưởng thêm phụ cấp đứng lớp, thâm niên theo quy định.

Sau 4 năm, cô Hoàng Thị Ngân đã ổn định, quen với công việc chăm sóc trẻ. Nhưng trải qua nhiều vị trí, nguyện vọng lớn nhất của cô vẫn là được trở về với chuyên môn chính của mình – một giáo viên tiểu học. Trước thông tin huyện Thanh Chương tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng có đóng bảo hiểm từ năm 2015 trở về trước, cô hi vọng mình sẽ có cơ hội.  “Giáo viên mầm non theo Nghị định 06 được quan tâm nhiều về chế độ chính sách.

Nhưng những giáo viên hợp đồng như chúng tôi vẫn mong muốn được trở thành viên chức, dạy học đúng chuyên môn để có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Nhiều năm qua, có lúc mệt mỏi, tủi thân nhưng chúng tôi vẫn chờ đợi…”, cô Ngân nói.

Tương tự, cô Thái Thị Thúy Hường có 10 năm dạy Ngữ văn THCS rồi mới chuyển sang làm giáo viên mầm non thị trấn Đô Lương (Nghệ An). Dù chế độ lương, phụ cấp được cải thiện nhưng giáo viên mầm non có những đặc thù riêng không phải ai cũng thích ứng được. Vì vậy, cô Hường mong muốn được tuyển dụng đặc cách vào biên chế, để trở lại công việc giảng dạy yêu thích và hưởng đầy đủ quyền lợi.

Không phải dạy trái chuyên môn nhưng cô Nguyễn Thị Hồng Mơ cũng chờ cơ hội vào viên chức sau hơn 10 năm gắn bó tại Trường Tiểu học Nghi Thu, thị xã Cửa Lò (Nghệ An). Ngoài cô Mơ, Trường Tiểu học Nghi Thu có 6 giáo viên hợp đồng, người lâu nhất là 12 năm và ít nhất cũng đã 6 năm.

Cô Nguyễn Thị Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Thu chia sẻ: “Các cô còn trẻ, có năng lực chuyên môn, ý chí phấn đấu và từng đạt giáo viên dạy giỏi các cấp. Nhưng vì là giáo viên hợp đồng nên thiệt thòi hơn người khác về lương, chế độ và các khoản phụ cấp. Nếu được tuyển dụng đặc cách, họ sẽ ổn định tư tưởng để tiếp tục cống hiến lâu dài. Nhà trường từng có giáo viên giỏi xin chuyển đến địa phương khác vì ở đó có cơ hội vào biên chế”.

Cô Nguyễn Thị Thơm, giáo viên hợp đồng Trường Tiểu học thị trấn Sóc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) cho hay: Hơn năm nay, chúng tôi lên tiếng rất nhiều, mong muốn được xét tuyển đặc cách vào vị trí chúng tôi đang công tác. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra, kì thi vẫn được tổ chức.

Sau đó, thành phố liên tục thay đổi quyết định về tuyển dụng đặc cách. Hai lần ra công văn hỏa tốc trong 1 ngày, lúc hứa sẽ xét tuyển đặc cách theo Văn bản 5378/BNV-CCVC, cuối cùng vẫn giữ quan điểm xét tuyển theo Nghị định 161... Giáo viên phải trải qua một kì sát hạch bằng giảng dạy một tiết.

Việc đăng kí nguyện vọng xét tuyển cũng khiến cho nhiều giáo viên dở khóc dở cười bởi nhiều trường không còn chỉ tiêu. Muốn không có sự cạnh tranh, nhiều người chọn phương án sang dạy tại huyện khác. Cụ thể tại huyện Sóc Sơn, chỉ tiêu khối THCS là 22 trong khi số thí sinh đăng kí là 44, có nghĩa là một nửa giáo viên sẽ phải chấp nhận rời bục giảng nếu không chuyển nguyện vọng sang huyện khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ