Tự chủ tuyển sinh: Trách nhiệm giải trình không chỉ là ràng buộc pháp lý

Tự chủ tuyển sinh: Trách nhiệm giải trình không chỉ là ràng buộc pháp lý

Xây dựng uy tín

Quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH được quy định, mô tả rõ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và Nghị định 99 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trường ĐH được quyền tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh và lựa chọn phương thức tuyển sinh cho các hệ đào tạo phù hợp với định hướng chiến lược, năng lực và nguồn lực sẵn có của mình, cũng như nhu cầu của xã hội, đối tượng người học. Gắn với quyền tự chủ tuyển sinh, trường ĐH phải có trách nhiệm giải trình để chứng tỏ năng lực chịu trách nhiệm của mình trước người học, chủ sở hữu, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan về việc bảo đảm chất lượng tuyển sinh và thực hiện hoạt động đào tạo theo quy định của pháp luật, nội bộ và cam kết của cơ sở GDĐH.

Nhiều người cho rằng: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, với quyết định thay đổi mục đích, nội dung Kỳ thi THPT quốc gia thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đã đặt trường ĐH vào tình huống “phải thực hiện” quyền tự chủ tuyển sinh. Khẳng định việc không bị bắt buộc, theo PGS Lê Hiếu Học, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội), thực tế, quyền tự chủ trong tuyển sinh đã và đang được cơ sở GDĐH thực hiện trong những năm qua: Đa phần trường ĐH top trên chủ động lựa chọn phương thức xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi THPT quốc gia vì cho rằng đây là căn cứ có độ tin cậy cao. Trong khi đó, cơ sở GDĐH top trung bình và thấp hơn lựa chọn hình thức xét tuyển đa dạng, bao gồm xét tuyển dựa vào kết quả bậc THPT, kết quả Kỳ thi THPT quốc gia. Chứng chỉ và kết quả kỳ thi kiểm tra kiến thức chung (như SAT, A-level, ACT…) và tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL, Cambridge English...) cũng là tiêu chí tuyển sinh được nhiều trường xem xét lựa chọn. Thậm chí, một số trường top trên còn kết hợp sử dụng kết quả xét học bạ với chứng chỉ quốc tế nói trên cho những chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng cao.

“Các trường ĐH có những điều chỉnh nhất định cho công tác tuyển sinh. Một số trường tổ chức kỳ thi riêng (độc lập hoặc theo nhóm), có trường giữ nguyên các phương thức xét tuyển đã lựa chọn, thay việc xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi THPT quốc gia bằng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT... Chắc chắn, những quyết định này đều nằm trong trách nhiệm giải trình của mỗi trường” - PGS Lê Hiếu Học cho hay.

Công bố công khai

Ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH cho phép cơ sở GDĐH tự chủ trong công tác tuyển sinh. Luật cũng quy định quyền tự chủ phải đi đôi với trách nhiệm giải trình. Cơ sở GDĐH có trách nhiệm báo cáo, thông tin đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý, chủ sở hữu và các bên liên quan về việc tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện đúng quy định, cam kết của cơ sở GDĐH.

Thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, học phí, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đều phải công khai trên kênh thông tin chính thức của trường để người học, xã hội tham khảo, giám sát. Các trường căn cứ năng lực của đơn vị để xây dựng đề án tuyển sinh hàng năm, công bố trên trang thông tin của Bộ GD&ĐT và đơn vị. Những trường không công khai hoặc thực hiện không đúng như công khai sẽ bị xử lý theo quy định như cấm tuyển sinh có thời hạn.

“Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh đã liên hệ với tổng đài tư vấn của trường để hỏi về phương án tuyển sinh, cách thức xét tuyển. Nhiều thí sinh tỏ ra lo lắng khi không rõ năm nay sẽ ứng tuyển như thế nào, đặc biệt là các thí sinh tự do. Vì vậy, cơ sở GDĐH cần nhanh chóng công bố đề án tuyển sinh hoặc các thông tin cơ bản nhất về phương thức tuyển sinh giúp phụ huynh, thí sinh yên tâm và tính toán cách thức học tập, thi cử, đăng ký xét tuyển. ĐH Đà Nẵng đã công bố phương thức xét tuyển năm 2020 ngay sau khi Bộ GD&ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT”, ông Nguyễn Vinh San cho biết.

Tỷ lệ sinh viên có việc làm: Thông số quan trọng

Tỷ lệ sinh viên có việc làm là thông số quan trọng mà Bộ GD&ĐT yêu cầu cơ sở GDĐH phải công bố công khai và rộng rãi, đây cũng là điều kiện để các trường được tuyển sinh hàng năm. Khó khăn lớn nhất của hoạt động này, theo ông Nguyễn Vinh San, là tỷ lệ sinh viên trả lời khảo sát. Để thực hiện, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) phải sử dụng nhiều kênh khác nhau: Online, qua đại diện ban cán sự lớp, giảng viên chủ nhiệm… mới có số liệu đầy đủ.

Còn theo PGS Lê Hiếu Học, tồn tại lớn nhất của các trường ĐH là tỷ lệ sinh viên không có việc làm, hoặc làm không đúng ngành nghề đào tạo. Lý do, trong quá trình lựa chọn ngành nghề, học tập, các em không có hoặc không được định hướng đúng đắn; học tập thụ động, thiếu kiến thức thực tế cũng như kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ để sẵn sàng làm việc và thích ứng với môi trường làm việc mới hoặc học tập bổ sung kiến thức.

Là trường ĐH trực thuộc tập đoàn công nghiệp, chúng tôi thấu hiểu những yếu tố cần thiết để sinh viên tốt nghiệp có thể sẵn sàng cho một sự nghiệp bền vững và chuẩn bị giải pháp toàn diện để thực hiện trách nhiệm đó. - PGS Lê Hiếu Học

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ