TP.HCM: Nỗ lực triển khai chương trình GDPT 2018 và SGK lớp 1

GD&TĐ - Ngày 30/10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có thông tin liên quan đến tình hình triển khai Chương trình GDPT 2018 SGK lớp 1 trên địa bàn.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Quận 3 trong một tiết học. Ảnh minh họa P.Nga
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Quận 3 trong một tiết học. Ảnh minh họa P.Nga

Chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên

Theo đó, năm học 2020 - 2021, Thành phố có 560 trường tiểu học (tất cả các loại hình); Tỉ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 74,6%. Số lượng giáo viên toàn thành phố: 22.114 giáo viên (trong đó giáo viên tiểu học dạy nhiều môn là 16.862).

Tỉ lệ giáo viên tiểu học dạy nhiều môn/lớp là 1,0 hiện chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học. Dự báo có thể thiếu giáo viên bộ môn ở một số trường tiểu học, nhất là giáo viên Anh văn và Tin học (Tin học - Công nghệ).

Học sinh lớp 1 tại TP.HCM trong ngày tựu trường
Học sinh lớp 1 tại TP.HCM trong ngày tựu trường

Để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình mới, Sở GD-ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bồi dưỡng cho 493 giáo viên cốt cán tiểu học; Học viện Quản lí Giáo dục bồi dưỡng cho 70 cán bộ quản lý cốt cán; cử lực lượng tham gia các chương trình do Bộ GD-ĐT trực tiếp bồi dưỡng (24 Trưởng Phòng GD&ĐT quận-huyện, 42 tổ trưởng chuyên môn cốt cán và 90 cán bộ quản lý của Phòng GD&ĐT và tổ trưởng chuyên môn).

Phối hợp tổ chức bồi dưỡng chương trình GDPT 2018 và SGK mới cho cán bộ quản lí, giáo viên đại trà (bao gồm các trường công lập và tư thục) theo lộ trình; chỉ đạo tiếp tục tăng quyền tự chủ cho các trường học trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, tăng cường phân cấp, phân quyền cho tổ/nhóm chuyên môn, tổ chức sinh hoạt chuyên môn thông qua nghiên cứu bài học.

Sở đã chủ động phối hợp với các đơn vị xuất bản để tổ chức bồi dưỡng SGK mới đa dạng các hình thức: cá nhân tự bồi dưỡng, bồi dưỡng kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến theo các lớp học tương ứng với các môn học/hoạt động giáo dục đối với từng bộ SGK.

Đã hoàn tất và đảm bảo 100% giáo viên được phân công giảng dạy lớp 1 năm học 2020-2021, cán bộ quản lí các cơ sở giáo dục và cán bộ, chuyên viên chỉ đạo môn học/hoạt động giáo dục được bồi dưỡng đầy đủ theo quy định.

Tháo gỡ khó khăn

Căn cứ chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, trên cơ sở báo cáo của các quận-huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021 ở TP  như sau:

Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút.

Những nơi khó khăn về phòng học sẽ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, hoặc trên 5 buổi/tuần, mỗi buổi 5 tiết học, mỗi tiết 35 phút

Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày là thách thức lớn đối với một số quận/huyện có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu do các khó khăn về quỹ đất, kinh phí và dân số cơ học tăng cao.

Vì vậy, Sở đã có các văn bản chỉ đạo, trực tiếp đi đến các quận-huyện, các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn để hướng dẫn tháo gỡ, tập trung tại 6 quận-huyện chưa đảm bảo tỉ lệ học sinh lớp 1 được 2 buổi/ngày và các đơn vị có sĩ số học sinh/lớp cao.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số giáo viên chưa đồng đều; cơ cấu đội ngũ chưa hợp lí, thiếu giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục.

Giáo viên linh hoạt thực hiện

Liên quan đến thông tin dư luận trong thời gian gần đây về việc triển khai chương trình GDPT 2018 2018 và SGK mới, Sở GD&ĐT TP cho biết, Chương trình GDPT 2018 xây dựng trên cơ sở học sinh được 2 buổi/ngày và sĩ số hạn chế. Điều này chưa thể thực hiện đồng loạt tại TP.HCM.

Ngành GD-ĐT thành phố đã ban hành các hướng dẫn chuyên môn, tổ chức tập huấn, Hội nghị, Hội thảo cũng như trực tiếp đi đến các cơ sở giáo dục tại những địa bàn nhiều khó khăn để hướng dẫn.

Sở GD&ĐT TP đã ban hành văn bản chỉ đạo giáo viên lớp 1 chủ động điều chỉnh tiến độ thực hiện chương trình, bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng, bám sát thực tiễn học sinh, không nóng vội, không gây áp lực cho các em trong năm đầu cấp.

Bên cạnh ban hành văn bản, Sở đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, góp ý; tổ chức tiếp nhận những phản ánh (cả về chương trình và SGK) để tổng hợp, báo cáo, kiến nghị đối với Bộ GD-ĐT.

Cụ thể, ngày 24/10, Sở đã tổ chức Hội thảo, tổng hợp ý kiến từ tất cả các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn thành phố; trong đó có ý kiến của cán bộ quản lí, giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 và đại diện phụ huynh. Hội thảo lắng nghe các ý kiến trực tiếp của cán bộ quản lí, giáo viên dạy lớp 1 và phụ huynh. Tất cả những kiến nghị, đề xuất điều chỉnh về chương trình và SGK đều được Sở tổng hợp, gửi về Bộ GD-ĐT.

Những nội  dung này đã được Sở GD&ĐT tháo gỡ bằng cách giao quyền tự chủ cho giáo viên, giáo viên chủ động thực hiện chương trình, chủ động sử dụng các ngữ liệu thay thế các ngữ liệu không phù hợp trong SGK.

Ngoài ra, Sở cũng có khuyến cáo phụ huynh không nên so sánh giữa chương trình mới và chương trình cũ vì những yêu cầu, mục tiêu khác biệt. Giáo viên cũng không nóng vội mà cần bám sát các chuẩn kiến thức, kỹ năng để chủ động điều chỉnh theo thực tế lớp học.

Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, Quận 12 có gần 1.000 học sinh lớp 1, học sinh học 1 buổi/ngày.
Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, Quận 12 có gần 1.000 học sinh lớp 1, học sinh học 1 buổi/ngày.

Liên quan đến việc thực hiện chương trình mới, Sở GD&ĐT TP đã kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT liên vấn đề xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhất là trong giai đoạn triển khai chương trình GDPT 2018; về thời lượng giáo dục tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học để các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học, bố trí các tiết dạy cho phù hợp giữa các buổi và tổ chức các hoạt động giáo dục sau giờ học chính thức... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ