Tính toán để dạy học trực tiếp, huy động nguồn lực cho dạy học trực tuyến

GD&TĐ- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành giáo dục chuẩn bị phương án bảo đảm an toàn đón học sinh trở lại trường học tập trực tiếp. Đồng thời, tiếp tục các hoạt động vận động ủng hộ thiết bị học trực tuyến cho HS.

Sớm tổ chức dạy và học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch Covid-19. (Ảnh minh hoạ/INT)
Sớm tổ chức dạy và học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch Covid-19. (Ảnh minh hoạ/INT)

Tính toán để vùng an toàn dạy và học trực tiếp

Nghị quyết số 127/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 nêu rõ, tổ chức dạy và học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn ngay từ tháng 10/2021.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu tổ chức dạy và học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn ngay từ tháng 10. Đồng thời, giao Bộ Y tế khẩn trương xây dựng lộ trình tiêm cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học,

Liên quan nội dung này, ngày 14/10, trong buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội với lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị xem xét để học sinh ngoại thành trở lại trường.

Theo Bộ trưởng, TP Hà Nội cần tính đến chiến dịch giáo dục và kế hoạch điều tiết đời sống cho người dân để thích ứng với tình hình mới. Đặc biệt là việc nghiên cứu phương án để cho học sinh trở lại trường khi dịch bệnh kiểm soát được. 

Cụ thể ở thời điểm hiện tại có thể tính toán để cho học sinh khu vực ngoại thành có thể được trở lại trường trước. Vì nhiều huyện ngoại thành hiện là các vùng xanh, trong nhiều ngày không có ca lây nhiễm Covid-19.

Quan điểm chung của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện năm học 2021 - 2022 là cần linh hoạt, thích ứng trong việc chuyển trạng thái. Cụ thể là sẵn sàng để có thể nhanh chóng chuyển đổi hình thức dạy học: trực tiếp hoặc trực tuyến, qua truyền hình, trong đó phải tranh thủ tận dụng tối đa "thời gian vàng" là khi dịch bệnh kiểm soát được, học sinh được an toàn để trở lại trường củng cố kiến thức, thực hiện những hoạt động dạy học, giáo dục cần triển khai trực tiếp.

Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại cả nước vẫn còn 32 tỉnh, thành đang phải cho học sinh học trực tuyến, qua truyền hình. Có 23 tỉnh, thành cho 100% học sinh trở lại trường và 8 địa phương kết hợp nhiều hình thức học tập.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh tiếp nhận tài trợ tại buổi lễ tiếp nhận chương trình “Máy tính cho em". (Ảnh tư liệu)
Thứ trưởng Ngô Thị Minh tiếp nhận tài trợ tại buổi lễ tiếp nhận chương trình “Máy tính cho em". (Ảnh tư liệu)

Kiện toàn kế hoạch cho Chương trình “Máy tính cho em”

Sáng 15/10, Bộ GD&ĐT đã công bố Quyết định về việc thành lập Ban Tiếp nhận, điều phối tiền, máy tính của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Theo Quyết định thành lập Ban Tiếp nhận, điều phối tiền, máy tính của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”: Ban tiếp nhận, điều phối gồm 20 thành viên là lãnh đạo các Cục,Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh làm Trưởng ban. Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất - Phó trưởng ban thường trực; Ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam – Phó Trưởng ban. Đơn vị thường trực Ban tiếp nhận, điều phối là Cục Cơ sở vật chất.

Cũng trong sáng 15/10, Bộ GD&ĐT, Công đoàn GDVN tổ chức Lễ tiếp nhận tài trợ (Lần thứ nhất) Chương trình “ Máy tính cho em”.

Ghi nhận sự đóng góp, chung tay, chia sẻ của các đơn vị đối với chương trình “Máy tính cho em", Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Ngày 12/9, Chính phủ đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Bộ GD&ĐT đã ủng hộ 200 nghìn máy tính, trao tại lễ phát động. 200 nghìn máy tính bảng tiếp tục được Bộ GD&ĐT quyên góp, ủng hộ dành cho 3 nhóm đối tượng học sinh con hộ nghèo, cận nghèo, học sinh mồ côi cha mẹ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giúp các em học sinh có thiết bị học tập.

Sau hơn 1 tháng phát động, chương trình đã đạt được kết quả nhất định. Số lượng quyên góp được đã lên đến hơn 108 tỷ đồng, trên 12 nghìn máy tính bảng. Số thiết bị đạt chuẩn sẽ được chuyển trực tiếp đến 3 đối tượng là con hộ nghèo, cận nghèo, học sinh mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số còn lại chuyển cho các em học sinh khó khăn khác.

Sau 1 tháng triển khai, Chương trình “Máy tính cho em” trên toàn quốc đã ghi nhận sự đóng góp, ủng hộ to lớn.

Trên cả nước có 52/63 Sở GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục tỉnh/TP đã triển khai, huy động được: 36 tỷ 224 triệu đồng, do cán bộ nhà giáo, người lao động tham gia ủng hộ; 45 tỷ 952 triệu 470 ngàn đồng, huy động được từ các nguồn hỗ trợ khác; 12.550 máy tính và máy tính bảng; 16.234 điện thoại thông minh và 74.559 thiết bị hỗ trợ học tập khác.

Các đại học, các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các đơn vị trực thuộc Ngành, đóng góp về tài khoản Công đoàn Giáo dục Việt Nam: 7 tỷ 238 triệu 432 ngàn 846 đồng.

Hiện nay, chương trình vẫn đang triển khai ở các tỉnh/TP, các trường đại học.

Buổi lễ tiếp nhận tài trợ (lần thứ nhất) Chương trình “Máy tính cho em” có 23 trường Đại học trên toàn quốc, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội đăng ký tham dự và tài trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ