Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Phòng dịch hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học

GD&TĐ - Kết thúc học kỳ 1, qua báo cáo sơ bộ từ 63 Sở GD&ĐT cho thấy, chất lượng giáo dục Trung học đã có sự cải thiện so với cùng kỳ năm học 2019-2020.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị.

Thông tin này được đưa ra tại hội nghị trực tuyến với 63 Sở GD&ĐT để Sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2020-2021 đối với Giáo dục Trung học diễn ra ngày 5/2, Bộ GD&ĐT tổ chức. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị.

Chuyển mạnh từ quản lý sang quản trị nhà trường

Thông tin sơ bộ kết quả thực hiện các nhiệm vụ của giáo dục trung học trong học kỳ vừa qua, PGS.TS  Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết: Từ việc nắm bắt kỹ lưỡng nhiệm vụ năm học, các địa phương đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả hoạt động đổi mới giáo dục; triển khai nhiều giải pháp tạo tiền đề quan trọng để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới sẽ áp dụng với lớp 6 từ năm học 2021-2022.

Về xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, 100% các Sở báo cáo đã chỉ đạo và hướng dẫn, hỗ trợ các nhà trường triển khai thực hiện. Cơ sở giáo dục trung học trên toàn quốc đã tiến hành rà soát chương trình các môn học và hoạt động giáo dục, bổ sung, cập nhật những thông tin, thành tựu mới về khoa học thay thế cho những thông tin không còn phù hợp.

Các tổ/nhóm chuyên môn trong nhà trường chủ động rà soát sách giáo khoa, điều chỉnh nội dung dạy học trong sách theo hướng tinh giản như công văn 3280 về hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Công tác chuyển từ quản lý sang quản trị nhà trường có bước chuyển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới, sáng tạo, phát huy được năng lực, sở trường của bản thân.

Việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn cho học sinh, cũng được các nhà trường tích cực triển khai, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục toàn diện.

“Sự chủ động này một phần là nhờ những năm qua các nhà trường đã đẩy mạnh triển khai các văn bản khác chỉ đạo về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đổi mới sinh hoạt chuyên môn và quản trị nhà trường, như công văn 4612 Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh mà Bộ GD&ĐT đã ban hành” - Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.

Hội nghị trực tuyến với 63 Sở GD&ĐT để sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2020-2021 đối với Giáo dục Trung học
Hội nghị trực tuyến với 63 Sở GD&ĐT để sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2020-2021 đối với Giáo dục Trung học
Kết thúc học kỳ 1, qua báo cáo sơ bộ từ 63 Sở GD&ĐT cho thấy, chất lượng giáo dục đã có sự cải thiện so với cùng kỳ năm học 2019-2020. Tỉ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt và học lực giỏi của cả hai cấp đã tăng lên; tỉ lệ xếp loại hạnh kiểm yếu, học lực yếu, kém đã giảm.

Kết quả bước đầu đổi mới kiểm tra, đánh giá

Năm học 2020-2021, khối giáo dục Trung học thực hiện việc kiểm tra đánh giá học sinh theo Thông tư mới - Thông tư 26/2020/TT-BGD&ĐT. Theo đó, hoạt động kiểm tra, đánh giá được thực hiện trên tinh thần đánh giá vì sự tiến bộ của người học, định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Các hình thức kiểm tra đánh giá được đa dạng hoá, có thể tiến hành trực tiếp hoặc trực tuyến (trừ kiểm tra định kỳ) thông qua: hỏi - đáp; viết ngắn; thuyết trình; thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập gắn với chủ đề dạy học cụ thể.

Thực hiện quy định mới về điểm tra đánh giá, nhiều Sở GD&ĐT đã tích cực tập huấn giáo viên, chỉ đạo các nhà trường và tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực người học. Bước đầu ghi nhận, các địa phương đã cơ bản thực hiện đúng Thông tư, dù có nơi ban đầu còn lúng túng.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành phát biểu tại hội nghị.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành phát biểu tại hội nghị.

Tích cực chuẩn bị triển khai chương trình, SGK mới

Việc biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương; chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để dạy học lớp 6 theo chương trình mới, đang được các tỉnh tích cực triển khai.

Tính đến ngày 1/2/2021 đã có 85% giáo viên phổ thông cốt cán và trên 95% cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán đã hoàn thành 3 modul tập huấn (modul 1, 2, 3); trong đó 12 Sở đạt tỷ lệ 100% cán bộ, giáo viên cốt cán hoàn thành các modul này.

Công tác bồi dưỡng cán bộ, giáo viên đại trà cũng tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu năm 2021 hoàn thành bồi dưỡng 4 modul cho tất cả giáo viên.

Bên cạnh kết quả đạt được, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành cũng chỉ ra một số hạn chế trong triển khai nhiệm vụ học kỳ vừa qua của giáo dục Trung học. Theo đó, một bộ phận cán bộ quản lý chưa thực sự quan tâm đến xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh; việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá ở một số cán bộ quản lí, giáo viên còn chậm.

Trình độ công nghệ thông tin của giáo viên có hạn chế nên quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục như: tổ chức dạy học trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và triển khai hồ sơ điện tử, học bạ điện tử, công tác bồi dưỡng theo Chương trình giáo dục 2018… còn gặp khó khăn.

Vấn đề về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên chưa đồng đều; cơ cấu giáo viên chưa thực sự hợp lý, đặc biệt là việc thừa thiếu cục bộ giáo viên…, cũng là điểm hạn chế, làm ảnh hưởng đến công tác thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong học kỳ vừa qua.

Đồng tình với báo cáo của Vụ Giáo dục Trung học, lãnh đạo một số Sở GD&ĐT trong phát biểu của mình đã cụ thể hoá các thành quả mà giáo dục trung học tỉnh mình đã đạt được trong học kỳ đầu của năm học 2020-2021.

Với kinh nghiệm của năm 2020 và sẵn có các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến mà Bộ GD&ĐT đã ban hành khi dịch Covid-19 lần đầu tiên bùng phát, thời gian này khi dịch diễn biến phức tạp trở lại, các địa phương, nhà trường đã chủ động xây dựng phương án để kích hoạt hoạt động này nếu qua Tết học sinh vẫn không thể tới trường.

Đại biểu tham gia dự hội nghị tại đầu cầu Tp Hồ Chí Minh.
Đại biểu tham gia dự hội nghị tại đầu cầu Tp Hồ Chí Minh.

Tiếp tục với mục tiêu kép

Đánh giá cao những kết quả đạt được của giáo dục trung học trong học kỳ vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các địa phương tiếp tục phát huy mặt tích cực và khắc phục điểm còn hạn chế.

Học kỳ II năm học 2020-2021 có khả năng diễn ra trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp. Hiện nay, ngành giáo dục đã có cả học sinh và giáo viên bị nhiễm nCoV; một số trường trở thành khu cách ly. Thứ trưởng do đó đề nghị Sở GD&ĐT các tỉnh chỉ đạo các nhà trường kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch một cách tốt nhất.

“Tuyệt đối không chủ quan và có tinh thần chuẩn bị cao hơn để đảm bảo thực hiện mục kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa hoàn thành tốt kế hoạch nhiệm vụ năm học đã đề ra”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh. 

Đối với việc đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29, Thứ trưởng đề nghị các Sở tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên; làm thế nào để hoạt động này phải đi vào từng nhà trường và trở thành nhu cầu, mong muốn của từng cán bộ, giáo viên.

Thực hiện tốt công văn 4612, công văn 5512 (năm 2020) về Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, chính là bước đệm vững chắc để các nhà trường, thầy cô tới đây sẽ triển khai hiệu chương trình GDPT mới.

Khối giáo dục Trung học, năm học 2021-2022 sẽ bắt đầu áp dụng chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6. Tuy đây không phải lớp đầu tiên thực hiện chương trình này, nhưng với nhiều môn học mới và những đòi hỏi cao hơn về phương pháp, nên rất cần sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các địa phương và toàn ngành Giáo dục.

Xác định giáo viên luôn là bài toán gốc để nâng cao chất lượng giáo dục, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các Sở chú trọng công tác bố trí và bồi dưỡng giáo viên dạy học lớp 6 năm học 2021-2022 này.

Các thầy cô được lựa chọn phải là người giỏi chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm. Sở/Phòng/trường cần tập huấn kỹ lưỡng, đặc biệt về modul 1 “Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018” cho tất cả cán bộ, giáo viên. Đây là modul “gốc” cung cấp toàn bộ thông tin mới về chương trình, các mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung, phương pháp mới…

Modul sau về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá sẽ giúp làm giàu thêm “vốn” năng lực đã có của thầy cô được hình thành và phát triển trong nhiều năm qua khi thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ.

Về tình trạng thừa thiếu giáo viên về cơ cấu, số lượng ở một số địa phương, nhất là với tiêu chuẩn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng đề nghị Sở GD&ĐT chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án sớm giải quyết. Bộ GD&ĐT cũng rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp lý để tạo cơ chế giúp địa phương giải bài toán này.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.