Thầy giáo quân hàm xanh dạy tiếng Việt trên đất Lào

GD&TĐ - Sau 3 khóa học, dưới sự hướng dẫn của những thầy giáo quân hàm xanh, hơn 100 người dân Lào đã có thể đọc thông, viết thạo, giao tiếp tốt bằng tiếng Việt Nam.

Thầy giáo quân hàm xanh dạy tiếng Việt trên đất Lào

Bộ đội Việt Nam đứng lớp học 3 thứ tiếng ở đất bạn Lào

Chúng tôi gặp Thượng úy Nguyễn Văn Trinh khi anh vừa từ Hà Nội trở về Đồn. Thượng úy Trinh là 1 trong 60 cán bộ chiến sỹ BĐBP của cả nước được tuyên dương trong chương trình "Chiến sĩ quân hàm xanh nâng bước em tới trường".

Thượng tá Hoàng Văn Huy - Chính trị viên Đồn biên phòng Thông Thụ giới thiệu: "Không chỉ trực tiếp đứng lớp dạy tiếng Việt cho đồng bào người Mông ở bản Nậm Táy (cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào), Thượng úy Trinh còn phụ trách kiểm tra mô hình phát triển kinh tế mà Đồn xây dựng cho đồng bào nước bạn.

Dạy tiếng Việt cho đồng bào mình đã khó, huống gì là cho đồng bào nước bạn. 3 năm qua, 115 học viên người Lào do Thiếu tá Trinh phụ trách đều đọc thông, viết thạo và giao tiếp tốt bằng tiếng Việt.

Thành công này không chỉ giúp đồng bào nước bạn đẩy mạnh giao lưu, thông thương phát triển kinh tế với nhân dân Việt Nam bên này biên giới mà còn thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó thủy chung, bền vững, son sắt giữa hai dân tộc Việt - Lào, góp phần giữ gìn biên giới hòa bình, ổn định và phát triển".

20 năm công tác ở vùng biên, tham gia công tác xóa mù cho đồng bào huyện biên giới Kỳ Sơn, Thượng úy Nguyễn Văn Trinh mới chuyển về Đồn Thông Thụ được 4 năm.

Có kinh nghiệm đứng lớp xóa mù chữ lại được đào tạo bài bản về tiếng Lào nên khi Đồn biên phòng Thông Thụ xây dựng lớp học tiếng Việt cho các học viên người Lào, Thượng úy Trinh cùng Thiếu tá Đinh Xuân Thảo được tin tưởng, giao nhiệm vụ đứng lớp.

Lớp học tiếng Việt được mở từ 3 năm nay, trong nội dung kế hoạch giúp bà con nước bạn Lào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và học tiếng Việt Nam của Đồn.

Lớp được mở vào dịp hè để không chỉ người dân mà các em học sinh cũng có thể tham dự. Ở bản Nậm Táy hẻo lánh ấy, một lớp học đơn sơ mái tranh vách nứa được các BĐBP Việt Nam dựng lên.

Ở đó, ngày ngày những học viên người Lào không kể tuổi tác say sưa học chữ dưới sự hướng dẫn của thầy giáo - bộ đội Việt Nam. Những phụ nữ địu con, những nam giới bàn tay đầy vết sứt sẹo lam lũ bám rừng mưu sinh cặm cụi bên từng trang sách, cần mẫn đưa từng nét chữ, khuôn mặt rạng ngời nhưng không giấu được vẻ ngượng ngịu khi thầy giáo khen ngợi, khích lệ.

Không chỉ học chữ, người dân Nậm Táy và các bản lân cận tìm đến lớp học để được thầy giáo - bộ đội biên phòng hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Ông Thò Xây Vả, Cụm trưởng Cụm bản Viêng Phăn cho biết: "Nhu cầu mua bán, thông thương của người dân hai biên biên giới Việt - Lào qua cửa khẩu Thông Thụ rất lớn.

Biết được tiếng Việt giúp bà con làm thủ tục qua lại biên giới, trao đổi mua bán hàng hóa, lâm - nông sản, giống cây, giống con về bên này nuôi trồng. Mỗi lớp học 3 tháng, không mất tiền, lại được bộ đội Trinh, bộ đội Thảo hướng dẫn tận tình nên bà con nhớ nhanh, nhớ lâu, ai học xong cũng đọc thông, viết thạo tiếng Việt".

Dạy tiếng Việt trên đất Lào - Ảnh 1.

Thượng úy Nguyễn Văn Trinh và cậu học trò người Lào Thạo May Xi Thò.

"Thầy bộ đội Việt Nam tốt lắm!"

Cậu bé người Lào Thạo May Xi Thò (SN 2000, trú bản Nậm Táy) nói như vậy khi chúng tôi hỏi về Thượng úy Trinh và các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thông Thụ.

17 tuổi, May Xi mới học lớp 9. Em đã từng phải gián đoạn việc học tập bởi hoàn cảnh quá khó khăn. Bằng tiếng Việt trơn tru, May Xi kể, bố em mất sớm, nhà có tận 7 anh em. Mẹ May Xi mắc bệnh dạ dày kinh niên và nhiều thứ bệnh khác, hầu như không làm gì được. Học đến lớp 7, May Xi phải nghỉ học vì nhà nghèo quá. May Xi buồn lắm!

Trong một lần đi công tác đối ngoại biên phòng, BĐBP Thông Thụ biết đến hoàn cảnh của May Xi. Bảy năm liền May Xi là học sinh giỏi toàn diện, nếu phải nghỉ học thì tiếc quá!.

"Sau khi bàn bạc, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ quyết định hỗ trợ May Xi mỗi tháng 500.000 đồng theo chương trình "Nâng bước em đến trường" mà BĐBP Việt Nam đang triển khai. Số tiền này do cán bộ, chiến sỹ Đồn trích 1 phần lương đóng góp.

Ngoài May Xi, Đồn hiện đang hỗ trợ 4 học sinh người Việt Nam và 1 học sinh người Lào khác để các em có điều kiện tiếp tục đến trường, không phải lỡ dỡ việc học hành vì cảnh nghèo", Đại úy Nguyễn Văn Thưởng - Chính trị viên Phó Đồn biên phòng Thông Thụ cho biết.

Đối với May Xi, thầy Trinh và các chú BĐBP Thông Thụ không chỉ là ân nhân, là người thầy mà còn là người cha, người anh, bày dạy cho em từng li từng tí. Hồi tháng 11/2017, May Xi được thầy Trinh đưa ra Hà Nội để nhận quà của Chủ tịch nước Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP.

Ngoài sách vở, quần áo, May Xi còn được đến thăm Phủ Chủ tịch, được tặng bức chân dung Bác Hồ và số tiền hơn 10 triệu đồng. "10 triệu này em mang về mua cho mẹ con bò để mẹ nuôi", May Xi khoe.

Hỏi May Xi về dự định sau này, cậu bé người Lào cười thật tươi: "Em sẽ cố gắng học thật giỏi, sau này thi vào Học viện Biên phòng Việt Nam (có lớp dành cho học viên người Lào - PV) để sát cánh cùng BĐBP Việt Nam bảo vệ bình yên biên giới, bảo vệ những bản làng quê em".

May Xi chào chúng tôi, tạm biệt các thầy, các chú bộ đội Đồn BP Thông Thụ để về nhà, mang theo tình cảm, nghĩa tình của những người Việt Nam mà em luôn miệng "bộ đội Việt Nam tốt lắm".

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.