Phú Thọ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Sáng nay (16/1), Sở GD&ĐT Phú Thọ tổ chức Hội nghị tuyên truyền, quán triệt triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Phòng GD&ĐT, hiệu trưởng trường Tiểu học...

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh: Chương trình GDPT mới được triển khai là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đảm bảo phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của toàn Ngành và của toàn xã hội. Đặc biệt là sự chủ động, tích cực của đội ngũ giáo viên.

Ông Nguyễn Minh Tường phát biểu tại Hội nghị
 Ông Nguyễn Minh Tường phát biểu tại Hội nghị

Đối với cấp tiểu học, việc nắm bắt thông tin, tiếp cận và triển khai Chương trình GDPT mới là rất quan trọng, bởi đây là cấp học đầu tiên sẽ tiếp cận, áp dụng, triển khai Chương trình mới (từ năm học 2020 - 2021 sẽ triển khai đối với lớp 1). Do vậy, việc tổ chức Hội nghị tuyên truyền, quán triệt, triển khai Chương trình GDPT mới là hết sức cần thiết.

Để chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình GDPT mới ở cấp tiểu học được tốt nhất, ông Tường đề nghị cần thực hiện tốt một số nội dung:

Đối  với phòng GD&ĐT các huyện, thành, thị: Tham mưu, đề xuất với UBND xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện thực hiện Chương trình GDPT mới theo lộ trình quy định tại Thông tư số 32. Tổ chức tập huấn, quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD&ĐT về đổi mới chương trình, sách giáo khoa  (SGK) GDPT; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhà giáo và toàn xã hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT.  

Đối với hiệu trưởng, cán bộ quản lý các trường tiểu học: Tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình mới theo đúng hướng dẫn, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung chương trình GDPT mới. Rà soát, tham mưu phương án chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình mới.

Đại biểu dự Hội nghị
 Đại biểu dự Hội nghị

Đối với đội ngũ giáo viên: Cần nâng cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tự học tự bồi dưỡng. Chủ động xây dựng kế hoạch cá nhân; thực hiện dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo đúng các văn bản quy định. Tích cực trong công tác truyền thông để xã hội hiểu rõ hơn về việc đổi mới chương trình GDPT nói riêng và đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT nói chung.

Tại Hội nghị, các đại biểu nghe đại diện Phòng giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT) quán triệt, triển khai chương trình GDPT cấp tiểu học như: định hướng phát triển chương trình; mục tiêu, nội dung, chuẩn bị thực hiện chương trình GD phổ thông gồm cơ sở vật chất – thiết bị, đội ngũ, công tác truyền thông…

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đồng thời nêu lên những khó khăn cần khắc phục nhằm triển khai chương trình GDPT mới được tốt nhất như: cơ sở vật chất – thiết bị cần được xây dựng, sửa chữa và bổ sung, đặc biệt là vấn đề giáo viên hiện nay đang rất thiếu... 

Chương trình GDPT mới bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục được Bộ GD&ĐT ban hành vào tháng 12/2018. Chương trình chia làm 2 giai đoạn là giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Chương trình GDPT mới được thực hiện theo lộ trình: Từ năm học 2020- 2021 đối với lớp 1; 2021- 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; 2022- 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; 2023- 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; 2024- 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ