Ôn thi tốt nghiệp cho học sinh vùng khó: Kinh nghiệm đạt điểm cao

GD&TĐ - Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo và lịch thi tốt nghiệp THPT, các trường học vùng khó đã nhanh chóng điều chỉnh và đưa ra kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp.

HS lớp 12 Trường THPT số 3 Mường Khương (Mường Khương - Lào Cai) trong giai đoạn học và ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: Trường CC
HS lớp 12 Trường THPT số 3 Mường Khương (Mường Khương - Lào Cai) trong giai đoạn học và ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: Trường CC

Bám sát đề tham khảo

Thầy Nguyễn Văn Hiển – Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bảo Thắng (Bảo Thắng - Lào Cai) cho biết: Khi có đề thi tham khảo của Bộ, giáo viên (GV) các bộ môn lập tức phân tích cấu trúc, kiến thức và so sánh với kế hoạch dạy học, ôn thi xem đã phù hợp chưa? Xem phần kiến thức nào còn thiếu hoặc chưa đủ thì lên phương án bổ sung. Việc dạy học và ôn tập được yêu cầu bám theo cấu trúc đề minh họa của Bộ. 

“Qua quá trình làm thử đề thi minh họa của HS khối 12 cho thấy, số HS đạt điểm 8, 9 không nhiều. Cơ bản HS đạt điểm từ 5-7. Với điểm số trên, 238 HS khối 12 tương đương tỉ lệ đỗ tốt nghiệp khoảng 98%. Như vậy, nếu ôn tập ở giai đoạn nước rút tốt, có sự điều chỉnh phù hợp, bám sát đề tham khảo, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hoàn toàn có thể tăng lên...”-  thầy Nguyễn Văn Hiển bày tỏ.

Theo cô Lương Thị Ngọc – Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Văn (Đồng Văn – Hà Giang), nhà trường trong giai đoạn hoàn thiện chương trình chính khóa. Sang đầu tháng 5 bắt đầu ôn thi tốt nghiệp cho HS khối 12. Tuy nhiên, khi tiếp cận đề tham khảo của Bộ, nhà trường đã yêu cầu GV phân tích cấu trúc, kiến thức để định hướng dạy và ôn tập, giới thiệu đề tham khảo cho HS để có định hướng học, ôn trên lớp và ở nhà phù hợp.

“Trường có 167 HS khối 12 tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT. 100% HS là người dân tộc, chất lượng đầu vào thấp, năng lực và trình độ HS nhiều  hạn chế. Để việc ôn tập cho HS đạt hiệu quả, giáo viên phải làm tốt việc phân chia theo trình độ để dạy và ôn cho phù hợp. Mặt khác, với đa số HS chỉ lấy điểm tốt nghiệp, nhà trường cũng chỉ đạo việc ôn thi cần bám sát kiến thức cơ bản, hạn chế nâng cao...” – cô Lương Thị Ngọc nói. 

Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ), trường có 389 HS khối 12 dự thi tốt nghiệp THPT năm nay. Trong đó 5 - 10% HS dân tộc thiểu số, còn lại HS dân tộc Kinh, gia đình HS thuần nông, khó khăn. Do đó, nhà trường phải chủ động và đóng vai trò chính trong công tác ôn tập và động viên HS học thi.

Trường đã chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn nghiên cứu, phân tích cấu trúc đề, chữa đề và hướng dẫn HS ôn tập theo cấu trúc đề tham khảo. Cùng với đó, xây dựng ngân hàng đề ôn tập bám sát đề tham khảo của Bộ.

Trường đã thực hiện phân tách HS ôn thi tốt nghiệp theo 2 hướng chính. Nhóm thứ nhất: Chỉ xét tốt nghiệp, bảo đảm cho HS kiến thức đạt điểm trung bình mỗi môn từ 5 trở lên. Nhóm thứ hai: HS có nhận thức và năng lực cao sẽ ôn tập để có 3 môn thế mạnh vào các khối xét tuyển chuyên nghiệp trên 24 điểm.

“Khảo sát chất lượng lần 1 của trường và sở đều không có HS bị trượt tốt nghiệp. Kết quả đó có thể tạm thời yên tâm song nhà trường và GV vẫn xác định làm hết sức mình, không chủ quan và xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp…”,  thầy Nguyễn Văn Thắng chia sẻ. 

GV và HS Trường THPT số 2 Bảo Thắng (Bảo Thắng - Lào Cai). Ảnh: Trường CC
GV và HS Trường THPT số 2 Bảo Thắng (Bảo Thắng - Lào Cai). Ảnh: Trường CC

Đa dạng giải pháp 

Chia sẻ kinh nghiệm để 98 - 100% HS đỗ tốt nghiệp trong các năm học gần đây, thầy Nguyễn Văn Thắng cho biết: Trong quá trình ôn tập luôn chia tách 2 nhóm theo trình độ và nhu cầu khác nhau: Nhóm chỉ để xét tốt nghiệp thì tập trung vào ôn kiến thức nhận biết và thông hiểu đơn giản và không tham vọng điểm số, không nặng nề với ôn kiến thức vận dụng, vận dụng cao… Với HS có năng lực, tiếp thu tốt, ngoài nâng cao, mở rộng để HS có thể làm tốt phần kiến thức vận dụng và vận dụng cao… 

Trường cũng động viên GV bộ môn ở lại 15 - 30 phút sau giờ ôn tập trung, mời những HS trong diện cần phụ đạo thêm ở lại để giao bài và lưu ý các nội dung cơ bản của môn thi (kĩ thuật làm bài, kiến thức kĩ năng cơ bản nhất). Với cách làm đơn giản như vậy, nhưng HS có sự tiến bộ đáng kể trong kỳ thi tốt nghiệp. 

Thầy Nguyễn Văn Hiển – Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bảo Thắng chia sẻ: Kết thúc chương trình học chính khóa, trường tiến hành lọc thí sinh qua kết quả 2 lần thi thử để chia nhóm ôn tập (nhóm HS gần trượt; nhóm HS khi đỗ khi trượt). Với  nhóm HS này, GV kèm cặp thêm và không thu phí. HS yếu môn nào kèm thêm môn đó, học đâu chắc đó và không đặt ra yêu cầu quá cao.

Đặc biệt, trường sẽ giao và gắn trách nhiệm kèm cặp HS trong nhóm nguy cơ trượt tốt nghiệp đến các tổ chức, công đoàn, đầu mối bộ môn… Như vậy, sẽ giúp các thầy cô chủ động, dành hết tâm hết sức với công tác hỗ trợ HS. 

Không những thế, trường còn căn cứ vào điểm các đợt thi thử để lọc thí sinh có nguy cơ trượt, phân loại HS yếu theo môn học để ôn tập. Sau mỗi đợt thi thử sẽ có giải pháp kèm cặp riêng phù hợp với từng nhóm, trình độ HS…

Thầy Phạm Công Hiền – Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa – Quảng Trị) lại cho biết: 100% HS dân tộc, điểm đầu vào chưa cao, tiếp thu và trình độ HS hạn chế, nguyện vọng chỉ đỗ tốt nghiệp. Đây cũng là lứa HS chịu ảnh hưởng 2 năm liên tiếp dịch Covid-19 nên trường chỉ đặt ra mục tiêu trên 90% HS đỗ tốt nghiệp.

Để HS đạt kết quả cao nhất tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trường THPT Hướng Phùng chọn GV ôn tập, dạy học cho HS khối 12 là những tổ trưởng, nhóm trưởng, GV  có kinh nghiệm nhất. Quá trình ôn tập, chú trọng rèn cho HS kĩ năng làm bài thi trắc nghiệm, nhất là cách làm các bài thi tổ hợp …; Cho HS làm đi làm lại các đề thi mẫu theo cấu trúc kiến thức đề tham khảo của Bộ, và các đề thi do sở GD&ĐT cung cấp. 

Ngoài ra, trong quá trình ôn tập sẽ kiểm tra, nhà trường tiến hành đánh giá hiệu quả thường xuyên để có phương án điều chỉnh kịp thời về cả nội dung, hình thức, kế hoạch ôn tập cho phù hợp…Tất cả nhằm bảo đảm cho học sinh bước vào kỳ thi quan trọng, với tâm thế thoải mái và tự tin nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ