Nhà giáo đề xuất chính sách tôn vinh, khen thưởng trong dự thảo Luật Giáo dục

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thầy Hồ Lâm Điền - giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long): “Những chính sách phù hợp với thực tiễn”

Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, chu đáo và được lấy ý kiến rộng rãi. Qua đó cho thấy những chính sách được đề xuất trong dự án Luật rất tốt, phù hợp với thực tiễn. Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này là các nội dung liên quan đến người dạy và người học. Chúng tôi tin tưởng với sự quyết tâm của Bộ GD&ĐT, ngành sẽ có những bước đột phá tích cực, nhất là thực hiện thành công Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Trong Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), về Vị trí, vai trò, tiêu chuẩn nhà giáo: Chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, ở Điều 65: Vị trí, vai trò của nhà giáo cần bổ sung thêm: (1) Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. (2) Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp và cơ sở giáo dục khác gọi là giáo viên. Nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng gọi là giảng viên. Ở Điều 66: Tiêu chuẩn Nhà giáo, Nhà giáo có những tiêu chuẩn: Phẩm chất, đạo đức, tư tưởng phong cách tốt.

Về cán bộ quản lý giáo dục; Chính sách đối với nhà giáo, chúng tôi thống nhất theo dự thảo sửa đổi. Trong Vấn đề về chính sách lương và phụ cấp đối với nhà giáo, chúng tôi đồng tình có chỉnh sửa thêm: Điều 76 - Tiền lương: Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang cao nhất, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ. Cần bổ sung nội dung ở Điều 77: Nhà giáo dạy học sinh thiểu năng trí tuệ hòa nhập cộng đồng trong các trường phổ thông được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ.

Vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo chúng tôi hoàn toàn thống nhất.

Vấn đề về chính sách tôn vinh, khen thưởng, chúng tôi có đề xuất: Tăng lương sớm trước thời hạn cho các nhà giáo có cống hiến được ngành, tỉnh, Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu.

Ảnh minh họa/ Internet
 Ảnh minh họa/ Internet

Thầy Lê Xuân Bột - Nguyên Giáo viên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ): “Căn cứ pháp lý quan trọng để phát triển GD&ĐT”

Thời gian qua, ngành GD&ĐT đã có nhiều chuyển biến tích cực, mà điểm nhấn chính là dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang được thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Nếu Luật này ra đời sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để phát triển giáo dục; đồng thời chính là thể chế hóa những quy định của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Bộ GD&ĐT đã rất nỗ lực, chủ động, tích cực trong việc soạn thảo Dự án Luật.

Một số điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là bổ sung các quy định nhằm xây dựng hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, hướng nghiệp - phân luồng và xây dựng xã hội học tập; Quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non từ trung cấp lên CĐ sư phạm; phân biệt phổ cập giáo dục và phổ cập giáo dục bắt buộc; Quy định rõ về học phí và cơ chế thu học phí; sửa đổi căn bản, toàn diện quy định về Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa…

Trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), về Vị trí, vai trò, tiêu chuẩn nhà giáo, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quy định tại Điều 65 và 66 trong Dự thảo Luật. Theo tôi, cần bổ sung thêm: Nhà giáo phải có hình thể tương đối tốt, giọng nói tốt, không dị dạng, y phục nghiêm chỉnh, không nói ngọng, cà lăm.

Về cán bộ quản lý giáo dục, chúng tôi đồng ý với Điều 17 Dự thảo và điểm c khoản 2 Điều 102 Dự thảo. Đề nghị làm rõ đối tượng cán bộ quản lý giáo dục, vai trò, trách nhiệm. (1) Nếu nhà trường hay giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp hoặc vi phạm pháp luật, bị xử lý… tùy mức độ nặng nhẹ thì Hiệu trưởng; Trưởng, Phó Phòng GD&ĐT, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT theo lĩnh vực mình phụ trách sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới. (2) Nên bố trí Giám đốc Sở GD&ĐT là người địa phương khác - ngoài tỉnh, thành (3) Phải có cuộc thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo của ngành theo các tiêu chí. Sau đó mới đề đạt cấp trên có thẩm quyền ra quyết định phân bổ.

Về Chính sách đối với nhà giáo, tại điểm c khoản 2 Điều 102 của Dự thảo, chúng tôi đồng ý và có bổ sung thêm: Nên có sự luân chuyển giáo viên giữa vùng núi cao, vùng đồng bằng, vùng thành thị vùng nông thôn để tạo sự công bằng. Mỗi giáo viên phải thực hiện “nghĩa vụ” về dạy học ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn từ 2 đến 3 năm. Sau đó mới xét đến các nguyện vọng khác cho phù hợp, như: hoàn cảnh gia đình, trình độ chuyên môn để bố trí công tác…

Vấn đề về chính sách lương và phụ cấp đối với nhà giáo, chúng tôi ủng hộ vì Dự thảo Luật đã nêu rất đầy đủ. Vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, đồng ý với Dự thảo, nhưng cần chỉnh sửa, bổ sung: Giáo viên Mẫu giáo tối thiểu phải có trình độ Cao đẳng sư phạm. Giáo viên Tiểu học và THCS phải có trình độ Đại học. Giáo viên THPT trong một trường phải phấn đấu để có 1/3 số lượng có trình độ Thạc sĩ.

Vấn đề về chính sách tôn vinh, khen thưởng, chúng tôi đồng ý với Dự thảo, nhưng cần bổ sung: (1) Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục không nên khen thưởng dễ dãi quá. Các tiêu chuẩn cần cụ thể hơn. Trong đó chú ý thâm niên và trình độ chuyên môn khá trở lên, và bản thân giáo viên đó không vi phạm pháp luật. (2) Đối với các “mạnh thường quân” có công đóng góp cho sự nghiêp giáo dục thì chỉ nên tặng Bằng khen, Giấy khen, không nên tặng Huy chương hay Kỷ niệm chương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.